Friday, April 4, 2025

Toàn cảnh 4 ngày tòa xét hỏi vụ Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo cho rằng mình bị kết tội cả 3 tội danh là không đúng, và đề nghị tòa xem xét lại số tiền lừa đảo 30.000 tỉ đồng của 35.000 người.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai gì tại tòa?

Từ ngày 25.3, TAND cấp cao tại TP.HCM diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm (giai đoạn 2) về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng), vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (hơn 106.000 tỉ đồng) và tội rửa tiền (hơn 445.000 tỉ đồng).

Ở phiên xét xử sơ thẩm hồi năm 2024, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội rửa tiền, 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là án chung thân.

Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 người dân.

Không đồng tình với bản án trên, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Toàn cảnh 4 ngày tòa xét hỏi vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Trương Mỹ Lan xin tòa được miễn đóng án phí 30 tỉ đồng, mà tòa sơ thẩm đã tuyên buộc vào năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 này, bị cáo Lan giữ được bình tĩnh và ngoại hình đầy đặn hơn so với những lần ra tòa trước đó.

Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên vì cho rằng bị quy buộc cả 3 tội danh trên là không đúng. 

“Đã là người không ai không phạm sai lầm cả. Mong tòa xử lý cho phù hợp. Có thể lần cuối cùng bị cáo đứng tại tòa phúc thẩm này”, bị cáo Lan mở đầu phần trình bày.

Tuy nhiên, sau đó bị cáo lại nói: “Bị cáo chỉ mong làm sao mà khắc phục được hậu quả. Bị cáo xin xem xét giảm án tối đa cho những bị cáo khác vì họ là những người làm công ăn lương”.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh phát mong tòa làm rõ việc tập đoàn này không dính dáng gì đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nếu có bị cáo sẽ chịu trách nhiệm. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin nhận hết tất cả trách nhiệm về trái phiếu, về SCB và mong tòa xem xét lại trái phiếu hơn 30.000 tỉ đồng. Bởi theo bị cáo phải là 28.000 tỉ đồng mới đúng.

Thế nhưng sau đó, bị cáo Lan lại yêu cầu SCB phải chịu trách nhiệm đối với số tiền trái phiếu. “Vì uy tín của SCB, người dân đã tin tưởng vào ngân hàng này. Nếu SCB bồi thường thì sẽ giải quyết tất cả cho người dân”, bị cáo Trương Mỹ Lan khai.

Theo bị cáo Lan, tháng 11.2021, SCB có báo cáo tài chính, nói bị cáo hỗ trợ. SCB mỗi tháng cần 5.000 tỉ đồng để trang trải nhưng không có tiền. Lúc đó bị cáo đã đi vận động người thân, bạn bè để cho mượn, đây là tiền vay từ nước ngoài.

Về hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, chủ tọa đặt câu hỏi: “Từ năm 2012 – 2022, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Tại sao lập những hợp đồng khống, mục đích để làm gì?”.

Bị cáo Lan cho rằng, các công ty ma, công ty khống vì SCB tái cơ cấu hơn chục năm, do SCB cần để thành lập. “Tội danh vận chuyển trái phép ảnh hưởng đến hậu quả khắc phục rất lớn. Thời điểm đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa khuyến cáo gì đến sai phạm”, bị cáo Lan trình bày.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thưa với tòa rằng theo quy định pháp luật, người cao tuổi trên 60 tuổi là được miễn đóng án phí. 

Vì thế bị cáo Lan xin tòa được miễn đóng án phí 30 tỉ đồng, mà tòa sơ thẩm đã tuyên. “Trong trường hợp không được, bị cáo vẫn chấp hành”, bị cáo Lan nói.

Vì sao bị cáo Trương Huệ Vân kháng cáo?

Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, còn có 27/34 bị cáo, 35 bị hại và 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB) kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Tuy nhiên, có 2 bị cáo đã rút kháng cáo. Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Chồng bị cáo Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) không kháng cáo, chấp nhận bản án 2 năm tù, do đồng phạm giúp sức vợ rửa 33 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Lan) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, và xin trả lại một chiếc đồng hồ, 13 điện thoại vì cho rằng không có liên quan trong vụ án. Bị cáo bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù, vì giúp sức bị cáo Lan lừa đảo tiền của các trái chủ.

Toàn cảnh 4 ngày tòa xét hỏi vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Lan) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trong vụ án này, với vai trò là Tổng giám đốc Công ty WMC, bị cáo Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty An Đông để mua trái phiếu sơ cấp, đồng phạm với cô ruột Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền này của các bị hại.

Khai tại tòa, bị cáo Huệ Vân cho rằng: “Thời điểm phạm tội bị cáo còn non trẻ, thiếu hiểu biết về tài chính và pháp luật, bị cáo hoàn toàn không có ý định lừa đảo, chiếm đoạt cũng không nhận được sự chỉ đạo của ai. Mong xem xét lại vai trò, hành vi để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo”.

Giải thích điều này, chủ tọa cho rằng mặc dù bị cáo Huệ Vân nói không nhận được sự chỉ đạo của ai, nhưng bản thân đã đi làm thì phải biết. Khi xảy ra thiệt hại có một phần trách nhiệm của mình. Song, tòa cũng ghi nhận bị cáo Vân đã khắc phục thêm 2 tỉ đồng.

Lãnh đạo SCB khai gì về bữa ăn trưa với bị cáo Trương Mỹ Lan?

Với vai trò đồng phạm, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (52 tuổi, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn, gọi tắt là SCB), giai đoạn 1 bị xử tù chung thân tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. 

Ở giai đoạn 2 này của vụ án, bị cáo Văn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm năm 2024 phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và 5 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Cựu Tổng giám đốc SCB cho rằng không có chuyện bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo mình và không tham gia họp về phát hành trái phiếu. Lần ăn cơm trưa với bị cáo Lan và một số bị cáo khác, bị cáo Văn cho rằng sở dĩ mình có mặt là “bị cáo Lan hay mời anh em ăn cơm”.

Bởi theo bị cáo Văn, việc phát hành trái phiếu không có ngân hàng thì vẫn phát hành được, ngân hàng chỉ là kênh phân phối. Không nên chỉ vì bữa cơm mà quy kết bị cáo tham gia vào phát hành trái phiếu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai thêm: “Buổi ăn trưa rất bình thường, không có buổi ăn cơm nào thong thả, mà còn phải họp với nước ngoài. Một tháng ở Việt Nam vài lần, bị cáo không nghĩ ăn cơm trở thành câu chuyện để phát hành trái phiếu”.

Toàn cảnh 4 ngày tòa xét hỏi vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (52 tuổi, Tổng giám đốc SCB), giai đoạn 1 của vụ án bị tòa xử tù chung thân

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Văn tham gia vào quy trình phát hành trái phiếu khống tại Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra với vai trò tham vấn cho bị cáo Trương Mỹ Lan, đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công.

Đồng thời, bị cáo Văn ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu, môi giới nhà đầu tư mua trái phiếu. Từ đó, bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 28.000 tỉ đồng của các bị hại liên quan đến các gói trái phiếu của 3 công ty trên.

Ngoài ra, bị cáo Văn ký duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, thông qua các loại hợp đồng “khống” và không đủ điều kiện chuyển tiền. Bị cáo Văn đã giúp sức tích cực cho bị cáo Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 516 triệu USD (tương đương hơn 11.900 tỉ đồng).

Bị cáo Văn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo đó, bị cáo đề nghị tòa xem xét lại về việc bản án sơ thẩm buộc bị cáo chịu trách nhiệm về quy trình phát hành trái phiếu khống tại Công ty Setra.

Các cựu lãnh đạo SCB như: Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT SCB)… mong tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt án tử hình ở giai đoạn 1

Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù).

Tòa còn buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img