Sau cơn sốt của Độc đạo, Đi giữa trời rực rỡ, phim truyền hình phát sóng giờ vàng “giảm nhiệt” với mức rating thấp, độ viral trên mạng xã hội khá ảm đạm.
Đầu năm 2025, Đài truyền hình VN (VTV) đã thay đổi khung giờ vàng phát sóng phim truyền hình với mong muốn sẽ tạo cú hích lớn, tạo thói quen xem phim truyền hình ở những khung giờ cố định, phù hợp hơn nhằm thu hút khán giả nhiều độ tuổi.

Cảnh trong phim Cha tôi người ở lại ẢNH: VFC
Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, sau khi Độc đạo, Đi giữa trời rực rỡ “làm mưa làm gió” với mức rating cao ngất ngưởng, độ viral tràn ngập mạng xã hội sau mỗi tập phát sóng thì những phim như Không thời gian, Đi về miền có nắng phát trên khung giờ vàng của VTV1, VTV3 lại không thu hút sự chú ý của khán giả như kỳ vọng.
Không thời gian của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng dừng ở mức rating trung bình (theo số liệu tham khảo khoảng chưa tới 4%) dù dàn diễn viên quy tụ những gương mặt gạo cội và trẻ khá ấn tượng. Nội dung phim cũng khá “thời sự” khi chuyển tải hình ảnh về người lính trong thời chiến cũng như thời bình. Phim Đi về miền có nắng với những gương mặt trẻ sáng ngoại hình như Bình An, Khánh Ly, Yên Đan nhưng kịch bản không có nhiều điểm nhấn, nội dung hời hợt, đan xen quảng cáo lộ liễu, khiến phim không để lại ấn tượng và kết thúc trong mờ nhạt.
Từ ngày 17.2, phim phát sóng giờ vàng đổi khung giờ mới sang 20 – 20 giờ 30 (VTV3) và 21 – 21 giờ 30 (VTV1) được xem là phù hợp để thu hút lượng khán giả với Những chặng đường bụi bặm, Cha tôi người ở lại, Mẹ biển. Trong số này đáng chú ý là Cha tôi người ở lại được “remake” từ phim Lấy danh nghĩa người nhà của Trung Quốc. Ở vài tập đầu tiên, phim được đánh giá khá ấn tượng với dàn diễn viên được nhận xét là hợp vai, diễn xuất tốt như NSƯT Thái Sơn, NSƯT Bùi Như Lai, Thu Quỳnh, Nguyễn Hoàng Ngọc Huyền, Thái Vũ, Trần Nghĩa. Theo chia sẻ của biên kịch phim Trần Đan Phượng, dù là phim “làm lại” từ bộ phim nổi tiếng của nước ngoài nhưng kịch bản mang đậm yếu tố Việt, văn hóa, con người Việt. Tuy nhiên, phim chưa tạo sức hút mạnh mẽ với khán giả sau 2/3 chặng đường phát sóng.
Những chặng đường bụi bặm là kiểu phim hành trình – như đạo diễn Trịnh Lê Phong chia sẻ, mang đến câu chuyện hành trình đầy trải nghiệm của các nhân vật trong phim và chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tình người, tình thân, gia đình, cùng dàn diễn viên sáng giá như NSƯT Võ Hoài Nam, Đình Tú, Quỳnh Châu… Có nội dung mới mẻ hơn, nhưng bộ phim vẫn không gây ấn tượng nhiều.
Mẹ biển của đạo diễn Nguyễn Phương Điền thế sóng sau khi Không thời gian kết thúc cũng gặp tình trạng ảm đạm về độ viral trên mạng xã hội dù nội dung khá hay về cuộc sống, bi kịch của ngư dân ở một xóm chài miền Tây Nam bộ. Đây là bộ phim truyền hình hiếm hoi khai thác chủ đề này với thông điệp chữa lành sau những bi kịch, tang thương do bão lũ. Xác nhận với PV Thanh Niên, một đại diện của VFC cũng nhận định: “Tôi thấy nội dung phim có nhiều mới mẻ, khá ổn nhưng độ viral vẫn thấp. Có lẽ xã hội đang có nhiều thứ quan tâm khác hoặc khán giả vẫn thích những phim nhiều drama, tiết tấu nhanh hơn”.
KỊCH BẢN THIẾU ĐIỂM NHẤN
Nếu so với các phim phát sóng giờ vàng từng “gây bão” khi mỗi tập có khoảng vài triệu người xem trên các nền tảng như YouTube hay độ viral với các đoạn cắt trên TikTok rất “nóng”, thì những phim đang phát sóng, mỗi tập chỉ có chưa tới 100.000 lượt xem; những tương tác, bình luận trên các hội nhóm, diễn đàn phim cũng rất nhỏ giọt.

Phim Những chặng đường bụi bặm ẢNH: VFC
Nêu ý kiến về sự giảm sức hút của phim truyền hình phát sóng giờ vàng, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho rằng do chất lượng phim là chủ yếu. Ngoài ra, khán giả hiện nay có nhiều sự lựa chọn, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể xem phim hoặc chương trình giải trí khác của bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, nếu không nâng cao chất lượng phim thì phim truyền hình ngày càng giảm sức hút.
Nói thêm về việc liệu khán giả hiện nay thích xem phim nhiều drama, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho rằng: “Hiện tại những phim có nội dung mới lạ, ý nghĩa, được làm tử tế dù không “hot” không có nghĩa là phim không hay. Nhưng có vẻ người ta thích drama hơn. Phim cứ phải có cái gì đó tréo ngoe thì khán giả mới cãi nhau, đẩy nhau lên mạng cãi”. Tuy vậy, vị đạo diễn cũng nhấn mạnh: “Đạo diễn hay biên kịch vẫn phải xác định mình làm ra bộ phim để làm gì, đem lại điều gì, hay chỉ kể một câu chuyện để mọi người tranh cãi”.
Còn theo nhà biên kịch Phạm Đình Hải, phim truyền hình muốn hút khán giả thì trong công tác biên kịch phải xây dựng được nhân vật để khán giả chăm chú vào, phim phải có nhiều yếu tố gây chú ý. Điều này rất quan trọng để tạo không khí phim. Hiện tại, vài phim đang phát sóng giờ vàng có không khí hơi giống nhau, không đủ kịch tính hay điểm nhấn để thu hút khán giả.
Nguồn: thanhnien.vn