Sunday, April 20, 2025

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ – Kỳ 5: Cam chịu vì sợ xấu hổ?

Tại mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại (mô hình Bồ Công Anh) ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), có rất nhiều trường hợp gia đình trẻ vị thành niên từ chối hỗ trợ về mặt pháp lý.

Đắn đo nhiều vấn đề liên quan

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phó trưởng mô hình Bồ Công Anh của Bệnh viện Hùng Vương cho biết, khoa Cấp cứu và khoa Kế hoạch hóa gia đình của bệnh viện là nơi tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Các bác sĩ, nhân viên xã hội sẽ tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ hỗ trợ của mô hình Bồ Công Anh như về tâm lý, pháp lý.

Nếu nạn nhân đồng ý thì sẽ được chuyển sang mô hình. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, hầu hết gia đình của nạn nhân từ chối nhận hỗ trợ pháp lý từ cơ quan chức năng.

Điển hình, bệnh viện tiếp nhận một trẻ 16 tuổi, sinh thường. Qua tiếp xúc, các nhân viên xã hội ghi nhận trẻ học hết lớp 8 thì nghỉ, cha mẹ của em đều là lao động tự do. Trẻ khai nhận có bạn trai và cả hai quan hệ tự nguyện. Gia đình biết, chấp thuận mối quan hệ. Gia đình cũng từ chối sự hỗ trợ của bệnh viện về mặt pháp lý.

Hay một trường hợp trẻ 15 tuổi, sinh thường, học hết lớp 4. Qua tiếp xúc, các nhân viên xã hội biết được em có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm. Nạn nhân quen bạn trai qua mạng. Ba không biết mối quan hệ của trẻ và từ chối sự hỗ trợ về mặt pháp lý.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 5: Cam chịu vì sợ xấu hổ?

Nhiều gia đình lo lắng rằng nếu đưa vụ việc ra pháp luật thì con họ sẽ bị kỳ thị

ẢNH MINH HỌA

Một trẻ khác, 15 tuổi, sinh thường. Về hoàn cảnh, mẹ em mất sớm, em sống cùng cha và ông nội và sau đó sống ở mái ấm ở một huyện tại TP.HCM. Em chia sẻ với các nhân viên xã hội có bạn trai 16 tuổi. Gia đình từ chối tiếp nhận sự hỗ trợ.

Lý do chủ yếu là vì các gia đình muốn “giấu nhẹm”, giữ thể diện, tránh điều tiếng từ hàng xóm hoặc tránh để con mình bị kỳ thị, gián đoạn việc học.

Theo bác sĩ Hùng, nhiều gia đình lo lắng rằng nếu đưa vụ việc ra pháp luật, con họ sẽ phải đi nơi khác sinh sống hoặc không dám quay về nhà vì xấu hổ. Đặc biệt, trong các trường hợp trẻ vị thành niên quan hệ với nhau, nhiều gia đình chấp nhận thỏa thuận nội bộ thay vì truy tố, vì lo ngại nếu đưa trẻ em nam đi trại giáo dưỡng thì cuộc đời các em coi như chấm dứt từ đó.

Ngoại trừ những vụ việc có yếu tố nghiêm trọng như xâm hại, loạn luân hoặc cưỡng bức, cần có những bước xử lý theo quy định pháp luật thì theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng, những ca khó xử lý nhất lại là khi trẻ vị thành niên quan hệ với trẻ vị thành niên. Đây là vùng “xám” của pháp luật, bởi các em đều chưa đủ nhận thức đầy đủ nhưng hậu quả thì vẫn rất nghiêm trọng.

Nói cách khác, việc xử lý các trường hợp trẻ vị thành niên mang thai không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm chuyên môn mà còn là đòi hỏi sự đắn đo trên nhiều mặt, bởi mỗi quyết định đều ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của các em nhỏ.

Ông Hùng chia sẻ, nhiều trường hợp khiến đội ngũ cán bộ rất trăn trở. Chẳng hạn như một bé trai 15 tuổi và một bé gái 13 tuổi quen biết, quan hệ với nhau dẫn đến có thai. Khi đến bệnh viện, ban đầu gia đình báo công an nhưng sau lại xin rút hồ sơ vì không muốn làm lớn chuyện.

Các ban ngành sau khi hội chẩn cũng xác định không có dấu hiệu cưỡng bức, nên cuối cùng chấp nhận để hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, những tình huống như vậy vẫn để lại nhiều băn khoăn trong quá trình bảo vệ trẻ em theo đúng pháp luật.

Tại mô hình Bồ Công Anh, khi tiếp nhận một ca liên quan đến trẻ vị thành niên mang thai, các bên chức năng như công an, tư pháp, giáo dục, hội bảo vệ trẻ em sẽ ngồi ở một phòng riêng, quan sát qua màn hình kết nối với phòng bên cạnh (nơi chỉ có một nhân viên ngồi cùng trẻ).

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 5: Cam chịu vì sợ xấu hổ?

Phòng hội chẩn của các ban ngành tại mô hình Bồ Công Anh

ẢNH: T.N

Nếu vụ việc không đủ yếu tố truy tố hình sự, các ngành sẽ thống nhất phương án hỗ trợ phù hợp. Trẻ có thể tiếp tục điều trị, đưa về nhà hoặc chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội – giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM để bảo vệ và hỗ trợ sau sinh.

Tinh thần chung của các ban ngành và bệnh viện vẫn là ưu tiên bảo vệ quyền lợi, tương lai và sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên hơn là truy cứu, trừng phạt.

Mỗi ca đều cần sự lắng nghe, cân nhắc thấu đáo và phối hợp liên ngành để đảm bảo trẻ không bị tổn thương thêm sau một biến cố quá lớn đối với tuổi đời còn quá nhỏ.

Về câu hỏi liệu đã có trường hợp nào ra tòa và bị khởi tố chưa, bác sĩ Hùng xác nhận rằng đã có. Thường những ca này được mời luật sư ngay từ đầu, có sự tham gia của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Tựu trung, các bên liên quan sẽ cùng phân tích thiệt hơn, cân nhắc giữa yêu cầu pháp lý và quyền lợi, tương lai của các em để đi đến phương án xử lý cuối cùng.

Dù vậy, theo bác sĩ Hùng, số lượng vụ việc bị khởi tố và đưa ra tòa là không nhiều. Đa số vẫn dừng lại ở mức độ thỏa thuận giữa các gia đình, nhất là những vụ không có dấu hiệu cưỡng bức hay ép buộc. 

Đây cũng là lý do vì sao con số thống kê chính thức về truy tố trong các vụ trẻ vị thành niên mang thai vẫn còn rất thấp so với thực tế mà các cơ sở y tế và xã hội đang tiếp nhận.

Bác sĩ Hùng cũng cho rằng, các em ngày nay phát triển sớm cả về thể chất lẫn tâm lý. Có em mới 12, 13 tuổi nhưng đã có suy nghĩ và hành vi người lớn, thậm chí rất tự tin vì nghĩ rằng mình “được phép” mà không biết pháp luật không cho phép. 

Trong bối cảnh này, điều cấp thiết là cần có nghiên cứu và đánh giá thực tế hơn để điều chỉnh chính sách pháp lý phù hợp với tình hình mới.

Cần sự lên tiếng của gia đình từ sớm nếu trẻ bị xâm hại

Cũng tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó Trưởng khoa Kế hoạch gia đình của bệnh viện cho biết: Trong phần lớn các trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, nếu gia đình không chủ động yêu cầu thì sẽ không có sự tham gia của cơ quan chức năng trong quá trình tiếp nhận và xử lý.

Khi trẻ và gia đình đến bệnh viện, nếu trước đó đã có thông báo chính thức đến công an hoặc các cơ quan chức năng thì khoa sẽ tiến hành phối hợp thực hiện giám định ADN sau khi chấm dứt thai kỳ theo đúng quy trình.

Việc lấy mẫu ADN diễn ra rất nghiêm ngặt, có sự giám sát chặt chẽ của công an và bộ phận pháp y. Khi ca phẫu thuật được tiến hành, pháp y sẽ trực tiếp có mặt trong phòng để đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Sau khi lấy thai ra, mẫu vật sẽ được bàn giao ngay cho pháp y và được niêm phong tại chỗ để phục vụ công tác điều tra.

Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ đến cùng gia đình mà không có báo cáo nào từ trước, nhưng có dấu hiệu nghi vấn về việc bị xâm hại, thì khoa sẽ báo cáo lại với ban lãnh đạo bệnh viện để xem xét mức độ nghiêm trọng của trường hợp.

Trong trường hợp đó, khoa chỉ có vai trò hỗ trợ về mặt tâm lý và phối hợp điều tra khi được yêu cầu chứ không trực tiếp thực hiện việc tố giác.

Bác sĩ Nhật nhấn mạnh rằng, nhiều gia đình khi đưa con đến bệnh viện chỉ với mục đích chấm dứt thai kỳ mà hoàn toàn không thông báo hay chia sẻ thông tin gì liên quan đến hành vi xâm hại, kể cả khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Không được thông tin chính thức, vì vậy, các bác sĩ và nhân viên y tế không thể biết được đó có phải là một vụ việc có yếu tố hình sự hay không.

Có không ít trường hợp sau khi đã thực hiện thủ thuật phá thai vài tháng, gia đình mới quyết định tố giác với cơ quan chức năng. Lúc đó, khi cơ quan điều tra yêu cầu bệnh viện cung cấp hồ sơ, khoa có thể hỗ trợ về mặt thông tin, nhưng việc xét nghiệm ADN đã không còn thực hiện được vì mẫu vật không còn được giữ lại.

Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra và cho thấy sự thiếu phối hợp và chậm trễ trong việc xử lý ban đầu của gia đình. Từ đó, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội làm rõ trách nhiệm pháp lý đối với người gây ra vụ việc.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img