Theo chuyên gia, tuy là lần đầu tiên tổ chức thi theo cấu trúc mới, song kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 có phổ điểm đợt 1 không quá nhiều chênh lệch so với đợt 1 năm 2024 khi còn tổ chức theo cấu trúc cũ.
Cụ thể, đợt 1 năm 2025 có phổ điểm lệch trái hơn so với đợt 1 năm ngoái khi tỷ lệ thí sinh (TS) điểm dưới trung bình (từ dưới 600/1.200 điểm trở xuống) là 60.092 người, chiếm 47,5% tổng số TS dự thi.
Đây là con số đáng chú ý, bởi lẽ đợt 1 năm trước, tỷ lệ này chỉ chiếm 37% (34.787 người), tức khoảng 1/3 số TS dự thi năm đó. Chưa kể, đợt thi lần này thậm chí có 1 TS đạt 0 – 50 điểm, 2 TS đạt 51 – 100, 3 TS đạt 101 – 150 và 5 TS đạt 151 – 200. Đây là các mốc điểm thấp mà ở đợt 1 năm trước không có TS nào rơi vào.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố điểm thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Điều này cho thấy đề thi đợt 1 năm 2025 có thể khó hơn đợt 1 năm trước, hay cũng có thể do nhiều TS không thực sự chú tâm trong kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên (GV) luyện thi ĐGNL trực tuyến tại TP.HCM, đánh giá. Tuy nhiên, hầu như không trường ĐH nào xét các điểm dưới trung bình nên mốc này không có nhiều ý nghĩa tuyển sinh, và TS chỉ cần quan tâm tới tỷ lệ đạt điểm trên 600.
Cụ thể, tổng cộng 66.201 TS đạt từ 600 điểm trở lên, cao hơn 7.163 người so với đợt 1 năm 2024 (59.038). Trong đó mức điểm từ 751 – 950, mốc mà nhiều trường ĐH dùng để xét tuyển, tăng không đáng kể so với đợt 1 năm 2024 là 5.169 người. Tuy vậy, khoảng điểm từ 901 – 1.050, mốc xét tuyển của một số ngành tốp đầu, lại chứng kiến số lượng TS tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái ở cả ba khoảng 901 – 950, 951 – 1.000, 1.001- 1.050.
NGÀNH CÓ MỨC ĐIỂM CAO VÀ TẦM TRUNG NHIỀU CẠNH TRANH ?
Hiện chưa thể dự báo được xu hướng điểm chuẩn các phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL năm nay ra sao, vì nhiều TS vẫn tiếp tục tham dự đợt 2 để bứt phá thành tích, cũng như điểm thi ĐGNL năm nay phải quy về thang chung 30 điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Kết quả cuối cùng rất khó đoán định”, thạc sĩ Công nhận định.
Tuy nhiên, trong trường hợp phổ điểm đợt 2 tương đương, TS có điểm phù hợp với các ngành tầm trung có thể phải cạnh tranh khá khốc liệt, theo thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống Lasan-Helius Education chuyên ôn luyện các kỳ thi riêng ở TP.HCM. Đó là vì TS ở nhóm này đông hơn trước.
Điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở các ngành “hot” tại những trường hàng đầu. Như năm 2024, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy 1.052 điểm cho ngành khoa học máy tính chương trình tiên tiến, 1.032 điểm cho ngành trí tuệ nhân tạo. Hay ở Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành như khoa học dữ liệu, khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm đều có điểm chuẩn trên 925 vào năm 2024.
Thầy Nguyễn Võ Minh Tâm, đồng sáng lập Trung tâm TTE-The Learning Center ở TP.HCM, nhận định: Một điểm đáng chú ý khác là chỉ số độ lệch chuẩn trong kỳ thi đợt 1 là 134,4 điểm, cho thấy sự phân tán điểm số vừa phải, đủ để các trường ĐH dễ dàng sàng lọc TS theo nhiều mức độ đầu vào khác nhau. Theo thầy Tâm, đỉnh của phổ điểm rơi vào khoảng 551 – 600 (với 17.540 TS), kế đến là 601 – 650 (16.741), cho thấy phần lớn TS đạt điểm chỉ ở mức trung bình khá.
Phổ điểm trung bình đợt 1 năm nay thấp hơn năm ngoái
Thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, trong 126.297 bài thi được chấm, điểm trung bình của TS là 618,4 điểm, 142 TS đạt trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất kỳ thi ở mức 1.060 điểm và TS có điểm thi thấp nhất là 40 điểm.

Phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2015
Ảnh: ĐHQG TP.HCM
Có thể thấy, phổ điểm trung bình của TS dự thi đợt 1 năm nay thấp hơn năm ngoái. Ở đợt 1 năm 2024, điểm trung bình của 93.828 bài thi ở mức 643,4 điểm. Bài thi đạt điểm cao nhất và thấp nhất của năm ngoái cũng cao hơn năm nay, tương ứng mức 1.076 và 203 điểm. Tuy nhiên, so với năm ngoái, năm nay số TS đạt trên 1.000 điểm nhiều hơn (năm nay có 142 bài trong khi năm ngoái chỉ 80 bài).
Hà Ánh
Lời khuyên khi thi đợt 2 đánh giá năng lực
Trong bối cảnh ĐH Quốc gia TP.HCM chưa công bố công thức quy đổi điểm thi ĐGNL về thang chung, thạc sĩ Bùi Văn Công khuyên TS, nhất là những trường hợp đạt từ 751 – 950 điểm, nên dự thi tiếp đợt 2 để đạt mức điểm có lợi nhất khi quy đổi. Đồng thời, bởi tất cả phương thức đều quy về thang chung nên TS cân nhắc đầu tư toàn lực vào một kỳ thi thay vì quá dàn trải, theo thầy Công.
“Qua trao đổi với học viên, tôi nhận thấy nhiều bạn có cách tiếp cận đề thi chưa ổn cũng như chưa có sự chuẩn bị tốt, như dành quá nhiều thời gian để làm các môn thi thế mạnh, đến cuối cùng lại không có đủ thời gian làm các câu dễ ở các môn khác, hoặc chưa nắm vững kiến thức ở một số nội dung. Đây là những hạn chế có thể cải thiện được trong hai tháng tới”, thạc sĩ Công nêu quan điểm.
Vừa đạt 1.022 điểm thi ĐGNL vào đợt 1, Nguyễn Nhật Nam, TS lớp 12 từ Trường Quốc học Quy Nhơn (Bình Định), cho biết em không hề có bí quyết cao siêu, chủ yếu chỉ đến từ sự nỗ lực đều đặn. Nam kể, trong giai đoạn nước rút, mỗi ngày em đều làm một đề thi thử, và khi làm xong đều dò kết quả và đúc kết lại những lỗi sai để khắc phục. Trong khi đó, ở những tháng trước, mỗi tuần em cũng đều luyện một đề. “Em dành đủ thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi chứ không thức khuya ôn tập”, Nam nói và chia sẻ thêm: “Khi vào phòng thi, em ưu tiên làm phần thi thế mạnh của mình là toán, sau đó mới đến các phần khác. Riêng với những môn không học, em chỉ thuần túy dựa vào suy luận của bản thân chứ không cần phải đọc thêm kiến thức bên ngoài, bởi đề đã cho sẵn công thức hoặc nội dung cần áp dụng chứ không ra câu hỏi theo hướng không học là sẽ không biết làm”.
Nam sinh này cho biết thêm trong quá trình luyện đề, em thường dư cỡ 20 – 30 phút cuối giờ để kiểm tra lại những câu chưa làm, song khi thi thực tế thì chỉ còn 10 phút. Đây là điểm TS cần lưu ý để phân bổ thời gian làm bài phù hợp. Cũng theo Nam, giải xong câu nào, em đều tô ngay đáp án câu đó vào phiếu trả lời trắc nghiệm, không đợi tới cuối giờ mới bắt đầu làm.
Nguồn: thanhnien.vn