Tuesday, April 22, 2025

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ – Kỳ 6: Phiên tòa ‘trẻ em làm mẹ’

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Đoàn luật sư TP.HCM nói ông ‘rất trăn trở và day dứt’ khi tham gia nhiều phiên tòa liên quan đến xâm hại tình dục trẻ vị thành niên.

Đó là những phiên tòa không có người thắng kẻ thua, chỉ có tổn thương, định kiến và khoảng trống về nhận thức pháp luật.

“Đứng trước tòa, nhiều thanh niên dưới 18 tuổi ngơ ngác vì ‘không ngờ’ hành vi giao cấu người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi lại bị xem là có tội”, luật sư Hiếu kể.

Theo luật sư Hiếu, có trường hợp bị hại là bé gái (14 tuổi), khi được hỏi vì sao bị cáo có hành vi xâm hại lại không kháng cự hoặc nói với người lớn, mà sau khi quan hệ xong lại còn ôm nhau ngủ, thì nhận được câu trả lời rất vô tư, hồn nhiên “đó là người quen, hàng xóm mà”.

Một trường hợp khác, cha dượng xâm hại tình dục con riêng của vợ trong nhiều năm. Nhưng khi người mẹ biết sự việc, thay vì đưa con đi tạm lánh, thì lại chiều ý chồng, vẫn để bé sống chung với gia đình. Đến khi anh trai của bé biết chuyện, hành vi sai trái của cha dượng mới được phơi bày.

Hoặc có trường hợp bé gái 15 tuổi, mẹ mất sớm, mới học xong lớp 7, sống cùng cha là lao động phổ thông, có thu nhập bấp bênh. Cháu quen bạn trai qua mạng, rồi bị dụ dỗ quan hệ nhiều lần. Khi thai nhi dần lớn, gia đình phát hiện gửi đơn tố giác thì sự việc mới dừng lại.

Luật sư Hiếu cho rằng câu chuyện pháp lý ở đây không chỉ là hiếp dâm hay giao cấu với trẻ em mà là một bức tranh u ám về việc xem nhẹ luân thường đạo lý, thiếu biện pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn tình dục, giáo dục giới tính, nâng cao nhận thức pháp luật; thậm chí là sự “đồng lõa” của những bậc làm cha mẹ.

Khoảng trống của luật pháp

Theo bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, các hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi (không phân biệt cùng hoặc khác giới tính), dù tự nguyện, thì đều bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 6: Phiên tòa 'trẻ em làm mẹ'

Nhiều trường hợp không bị xử lý hình sự vì chưa đủ tuổi

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Trong khi đó, với tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, luật hiện hành chỉ xử lý hình sự khi họ là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Như vậy, theo luật sư Hiếu, nếu một thanh thiếu niên 16 tuổi quan hệ với bạn gái 14 tuổi, làm bạn gái có thai, cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chưa đủ tuổi.

“Điều này vô hình trung tạo ra một khoảng trống, không có công cụ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi nguy hiểm xảy ra giữa những người cùng ở độ tuổi vị thành niên. Hậu quả là một đứa trẻ mang thai, sinh con, rồi bỏ học, lạc lối giữa đời khi chưa hiểu thế nào là an toàn tình dục, trách nhiệm bậc làm cha mẹ và thậm chí thế nào là luân thường đạo lý”, luật sư Hiếu nói.

Theo luật sư Hiếu, người lớn vẫn xem chuyện tình dục là điều cấm kỵ, là “chuyện nói sau”. Nhưng trẻ em bây giờ lại lớn nhanh hơn chúng ta tưởng.

Trong khi luật pháp vẫn còn bị động trong việc bảo vệ trẻ em thì mạng xã hội, phim ảnh và những lời rủ rê lại nhanh chóng xâm nhập.

Điều đáng sợ hơn, theo luật sư Hiếu, là trẻ đang sự thiếu kiến thức pháp lý trầm trọng, thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hậu quả khi mang thai sớm… Và hiện nay, những điều này rất ít được giảng dạy, tuyên truyền hiệu quả cho trẻ.

Tâm lý bị hại và nỗi đau bị phớt lờ

Luật sư Hiếu nói, một trong những điều khiến ông buồn nhất khi làm nghề, đó là sự thờ ơ, chối bỏ, thậm chí là đồng lõa của gia đình nạn nhân.

Rất nhiều vụ án, khi phát hiện con mình mang thai, có dấu hiệu bị xâm hại, cha mẹ các em chọn cách im lặng, với suy nghĩ rằng “thôi, để nó yên, đưa ra pháp luật thì mất mặt lắm”.

Họ thỏa hiệp với cái sai, chấp nhận thỏa thuận bồi thường, từ chối hỗ trợ pháp lý, thậm chí từ chối luôn vai trò người giám hộ theo luật định.

Trong thực tế, có nhiều vụ án, do cái nhìn thiển cận, cha mẹ nạn nhân không muốn hợp tác điều tra, không chịu ra tòa, không muốn “khuấy động” chuyện trong nhà. Họ nói “con mình cũng có lỗi, nó thích thằng kia, giờ tố giác cũng chẳng được gì” nên chọn cách im lặng. Cái ác cứ thế đi qua. Sự im lặng chính là cái gật đầu chấp nhận cho cái ác tiếp tục xảy ra.

Khi người phạm tội cũng là… nạn nhân

Luật sư Hiếu cho rằng nghịch lý lớn nhất là có những phiên tòa mà bị cáo vừa là người bị truy tố, vừa là một “đứa trẻ” đúng nghĩa.

Dẫn chứng một vụ việc, nam sinh học lớp 11, bị phạt 5 năm tù vì hành vi quan hệ với bạn gái còn quá nhỏ, luật sư Hiếu cho hay xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cả hai thừa nhận yêu nhau, quan hệ đồng thuận, thậm chí bé gái là người chủ động. Trước tòa, nam sinh khóc nức nở: “Cháu tưởng yêu là được… cháu không biết phạm luật”.

Có những vụ án, không có chỉ trích, lên án, chỉ có sự tiếc nuối vì nhận thức sai lầm, do cả hai bên không được giáo dục đúng đắn để tránh một bi kịch có thể phòng ngừa.

“Tôi từng nghe một vị thẩm phán nói sau tuyên án: ‘Chúng ta xét xử một vụ án có thể chỉ mất vài tháng, nhưng nỗi đau thì còn lại cho cả một thế hệ’. Những đứa trẻ, dù là bị hại hay bị cáo đều là nạn nhân của một xã hội có quan tâm nhưng chưa sâu sát, có giáo dục nhưng chưa đủ để chuẩn bị hoặc dự phòng, có nâng cao ý thức nhưng chưa đủ mãnh liệt để kiến tạo được lòng can đảm dám nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề thay vì né tránh”, luật sư Hiếu nói.

Ông cũng cho rằng nếu không thay đổi từ chính sách, truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng, thì những phiên tòa “trẻ em làm mẹ” sẽ còn tiếp diễn và mỗi lần như vậy, chỉ có vô vàn bất hạnh, nước mắt diễn ra…

Đề xuất chính sách

Luật sư Nguyễn Thị Hương, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết điều cần kíp thực hiện là luật hóa trách nhiệm tố giác bắt buộc trong các trường hợp trẻ mang thai sớm.

Đồng thời, cần bổ sung quy định nếu trẻ vị thành niên mang thai, các cơ sở y tế, giáo dục hoặc chính quyền địa phương bắt buộc phải thông báo cho cơ quan chức năng để xác minh tính pháp lý của mối quan hệ dẫn đến việc mang thai. Điều này để tránh việc “cho qua” hoặc “thỏa thuận ngầm” dẫn đến bỏ lọt hành vi xâm hại.

Cũng theo luật sư Hương, cần sửa đổi luật Trẻ em và bộ luật Hình sự để có điều khoản cụ thể hơn về trách nhiệm của người thân, người giám hộ trong việc không ngăn cản hoặc bao che hành vi xâm hại.

Ngoài ra, cần bổ sung biện pháp giám sát cộng đồng như trường học, công an khu vực phải báo cáo định kỳ các trường hợp trẻ vị thành niên sống chung như vợ chồng.

Bên cạnh đó, theo luật sư, nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ vị thành niên mang thai để theo dõi, hỗ trợ lâu dài, tư vấn pháp lý miễn phí cho trẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img