Monday, April 21, 2025

Khung khổ cho doanh nghiệp xanh

Sản xuất bền vững gắn với tín dụng xanh trên thế giới đã phát triển nhiều thập kỷ, nhưng tại Việt Nam nhiều bộ Luật liên quan chỉ mới đưa ra quy định chung, chủ yếu mang tính định hướng.

Khung khổ cho doanh nghiệp xanh

Trong cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường chính đều là những quốc gia, khu vực dẫn đầu về nguyên tắc kinh tế EGS.

Vì vậy, đang thiếu cơ sở lý luận cụ thể, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng tổ hợp tiêu chí: thế nào là dự án xanh, dấu hiệu nhận biết, quy trình nào đánh giá thẩm định, cấp chứng nhận; đi kèm với đó là sự ra đời của chính sách, ưu đãi tín dụng xanh.

Những biến động khó lường của môi trường kinh doanh, thương mại toàn cầu từ đầu năm tới nay đã hối thúc các nền kinh tế thay đổi phương thức sản xuất theo hướng “xanh hóa”. Việt Nam kịp thời hành động để không bị lỗi nhịp.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí môi trường, xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh – dự kiến có 45 loại hình dự án thuộc 7 lĩnh vực được xác nhận tiêu chí môi trường để cấp tín dụng xanh.

Các lĩnh vực gồm có: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ môi trường,…

Khung khổ này cũng quy định trách nhiệm của tổ chức xác nhận độc lập và chủ dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, chủ thể phát hành trái phiếu xanh; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; các điều kiện về ngành, nghề kinh doanh của tổ chức xác nhận độc lập. Mục đích cuối cùng cho ra đời bộ tiêu chí có tính phân loại. Động thái này thực sự có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ đến cấu trúc từng doanh nghiệp, sản phẩm; quyết định hàng hóa “made in Vietnam” có thể bán được ở đâu trên thế giới.
Thứ nhất, đây là cuộc chuyển đổi mang tính bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ phải rút khỏi nền kinh tế. Không những không tiếp cận được ưu đãi về vốn, chính sách mà không gian hoạt động, chuỗi cung ứng bị thu hẹp.

Theo TS Võ Trí Thành, thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia xuất khẩu về chỉ số xanh, các yêu cầu về ESG mà đã chuyển đổi sang lĩnh vực… bất động sản!

Thứ hai, trong cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường “khó tính” chiếm khối lượng rất lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Đông – đều là những quốc gia, khu vực dẫn đầu về nguyên tắc kinh tế EGS, tiêu dùng văn minh, nhân văn.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: “Nếu như trước đây, các nước châu Âu quan tâm tới chất lượng số 1 rồi tới giá thành, thì hiện nay chứng chỉ xanh đứng đầu, sau đó mới tới chất lượng và giá thành”.

Hoặc, với thị trường Halal còn có những quy định xanh đặc thù hơn, điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có những khung khổ “đặc biệt” với doanh nghiệp. Đây chính là thách thức vô cùng lớn nhưng không phải là ngõ cụt, không ít doanh nghiệp Việt đã xanh hóa thành công, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, trước mắt doanh nghiệp rà soát lại chuỗi cung ứng, lược bỏ bớt một số khâu không đảm bảo, ví dụ nguyên liệu không rõ xuất xứ, nhà cung ứng vi phạm quyền lợi người lao động; đặc biệt là thay mới dây chuyền, công nghệ sản xuất đã lạc hậu. Về lâu dài, dựa trên định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần có nguồn quỹ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhiệm vụ này đòi hỏi có sự hợp tác đa chiều giữa doanh nghiệp và trung tâm học thuật, các quỹ đầu tư lớn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img