Chưa đầy hai tuần, Hải Phòng đã liên tiếp khánh thành hai công trình hạ tầng trọng điểm: Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) và Cảng Quốc tế TIL Hải Phòng (HTIT).
Tầm quan trọng chiến lược
Ngày 5/4/2025, Tổng công ty Hateco và UBND TP Hải Phòng đã chính thức khánh thành HHIT tại Khu bến cảng Lạch Huyện, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz. HHIT được xây dựng trên diện tích 73 ha với cầu cảng dài 900 m và độ sâu trước bến từ -16,8 m đến -18,4 m, cho phép tiếp nhận đồng thời hai tàu container trọng tải đến 200.000 DWT, kích cỡ ≥18.000 TEU và chiều dài 400 m.
Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) do công ty phát triển cảng quốc tế APM Terminal (thuộc Tập đoàn Maersk) và doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng Việt Nam Hateco Group phát triển.
Hai bến số 5 và 6 của HHIT là cảng “thông minh” đầu tiên do tư nhân phát triển ở Việt Nam, trang bị 10 cẩu bờ STS, 36 cẩu e‑RTG chạy điện, 1.350 ổ cắm container lạnh cùng hệ thống vận hành NAVIS N4, quét QR, OCR, camera giám sát 24/7 và hệ thống đặt lịch xe TAS tự động, đảm bảo quá trình xếp dỡ nhanh chóng, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh: “Dự án có đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam, ưu tiên công nghệ xanh tiên tiến và tự động hóa để giảm phát thải”. Trong khi Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, lưu lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng 12–15%/năm, đạt 190 triệu tấn năm 2024 và dự kiến 212 triệu tấn cuối 2025.
Chỉ 11 ngày sau, chiều 16/4/2025, chuyến tàu thương mại đầu tiên MSC MAKALU III thuộc tuyến Orchid của MSC đã cập cầu số 3 và 4 tại HTIT, chính thức khai thác thương mại cảng container nước sâu mới tại cụm cảng Lạch Huyện, Cát Hải. Tàu dài 210 m, trọng tải 38.629 tấn, vận chuyển 484 container (829 TEU), là minh chứng rõ nét cho khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn của HTIT. Đây là liên doanh giữa Công ty CP Cảng Hải Phòng và Terminal Investment Limited (TIL), đơn vị khai thác thuộc MSC, tạo nên sức mạnh tổng hợp về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý cảng quốc tế.
Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Trong thời gian vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, chúng tôi đã hoàn thành việc đưa giai đoạn 1 của bến cảng số 3, số 4, cảng Hải Phòng vào khai thác. Với cảng Hải Phòng, đây là một “bước tiến dài” ra biển lớn, mang theo khát vọng của bao thế hệ của cán bộ công nhân viên cảng Hải Phòng”.
Hạ tầng đồng bộ
Trên thực tế, điều làm nên sự khác biệt của Hải Phòng là sự kết hợp có chủ đích giữa công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Là khu vực duy nhất của Việt Nam có khả năng tiếp cận toàn diện với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và vận tải biển sâu, Hải Phòng đang sẵn sàng ban hành các kế hoạch dài hạn cho tăng trưởng bền vững. Cơ sở hạ tầng hàng hải của thành phố – được neo giữ bởi Cảng nước sâu Lạch Huyện – đóng vai trò quan trọng trong cả thương mại khu vực và toàn cầu.
Bến cảng số 3, số 4 của cảng Hải Phòng được liên doanh giữa cảng Hải Phòng với Tập đoàn Khai Thác Cảng TIL của hãng tàu MSC. Ảnh Thu Duyên.
Năm 2024, mạng lưới cảng tại Hải Phòng đã xử lý hơn 190 triệu tấn hàng hóa, đưa nơi đây trở thành trung tâm vận chuyển hàng đầu ở miền Bắc Việt Nam và là thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng xuất khẩu của đất nước. Thành phố cũng đã phát triển thành một trung tâm sản xuất quan trọng cho các linh kiện điện tử và sản phẩm tiêu dùng, chủ yếu được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư từ các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, phụ tùng ô tô, máy móc hạng nặng và linh kiện tàu là những mặt hàng xuất khẩu chính, bên cạnh quần áo và giày dép được sản xuất cho các thương hiệu quốc tế.
Nhìn chung, HHIT và HTIT không chỉ là dấu mốc hạ tầng, mà còn là bước chạy đà cho tham vọng phát triển bền vững của Hải Phòng, từ dịch vụ cảng xanh, thông minh đến chuỗi logistics đa phương thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt, Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút đầu tư có chọn lọc và xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại chủ động.
Việc Hải Phòng có thể trở thành “Singapore của Việt Nam”, là trung tâm logistics hàng đầu Đông Nam Á, và tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng hai chữ số. Câu trả lời có thể sẽ được hé mở qua chính những bước tiến tiếp theo của cảng biển, khu công nghiệp và mạng lưới giao thông nơi đây.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn