Bộ GD-ĐT vừa có quyết định về việc phê duyệt danh mục đặt hàng chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ để đưa ra tuyển chọn thực hiện từ năm 2026, liên quan đến công trình đường sắt tốc độ cao.
Nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao
Mục tiêu chung của chương trình này là xây dựng cơ sở khoa học để xác định các tiêu chí kỹ thuật cơ bản cho hạ tầng đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam, nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật chủ yếu, tiến hành chế tạo thử nghiệm một số kết cấu hạ tầng điển hình.

Bộ GD-ĐT đặt hàng nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này
ẢNH: AI
Đồng thời nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng từng phần yêu cầu tiếp nhận và chuyển giao công nghệ lõi trong xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao.
Bộ đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc xây dựng hệ thống tiêu chí kỹ thuật cốt lõi phục vụ thiết kế, thi công, thử nghiệm, kiểm định và đánh giá chất lượng một số loại kết cấu hạ tầng của đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, đề xuất và phát triển các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, bao gồm thiết kế, chế tạo thử nghiệm và đánh giá khả năng chịu lực, khả năng chế tạo và hiệu quả kinh tế kỹ thuật của một số cấu kiện đặc trưng…
Từ đây, nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo cho đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao; thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong nước trong thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt tốc độ cao thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
8 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Sience
Về sản phẩm khoa học, phải có 8 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Sience, được xếp hạng Scimago Q3 hoặc Q4; 16 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, thuộc danh mục được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính 0,5 điểm trở lên.
Về sản phẩm đào tạo, phải có 8 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ theo đúng định hướng nghiên cứu của chương trình, hoặc 7 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công chuyên đề theo hướng nghiên cứu của đề tài.
Cùng với đó phải có các sản phẩm ứng dụng như báo cáo tổng kết các hệ thống tích hợp trong đường sắt tốc độ cao; các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế hệ thống và giao diện của đường sắt tốc độ cao; báo cáo đề xuất các tiêu chí, yêu cầu và giải pháp quan trắc và cảnh báo thảm họa trong khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng công trình đường sắt tốc độ cao để đảm bảo tuổi thọ và các yêu cầu khai thác.
Những người thực hiện chương trình cũng phải đưa ra được bản hướng dẫn thiết kế kết cấu nhịp cầu, thiết kế các mố, trụ và nền móng; đưa ra mô hình tính toán 3D bằng phương pháp phân tử hữu hạn xét đến hiệu ứng vòm, hiệu ứng mảng của kết cấu cọc- lưới điện kỹ thuật; hướng dẫn phương pháp thí nghiệm phục vụ kiểm định đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chất lượng cao…
Được biết, Việt Nam đang xúc tiến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đầu tiên. Tuyến đường sắt này sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 12.2026, có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến TP.HCM, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, với tổng mức đầu tư là 1,713 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Nguồn: thanhnien.vn