Thursday, April 24, 2025

Chúng tôi nói với nhau: “Hòa bình đẹp lắm!”

Đó là cảm xúc mà những ngày qua, biết bao người trẻ đã chia sẻ và lan tỏa trên mạng xã hội. Hòa bình cho bao người bình an và hân hoan chiêm ngưỡng máy bay chiến đấu diễn tập dưới bầu trời xanh, ngắm trận địa pháo ở bến Bạch Đằng, hòa nhịp cảm xúc thiêng liêng cùng đất nước.

1. Buổi tối của ngày đầu tiên hợp luyện diễu binh trước hội trường Thống Nhất (18/4), đông đảo người dân đã tập trung trên những tuyến đường diễu hành. Các chiến sĩ đã đi trong sự chờ đón, tin cậy, tự hào và tràn đầy yêu thương của người dân thành phố mang tên Bác. Khi Quốc ca vang lên, không ai bảo ai, tất cả cùng hát vang: “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên tay người dân, đỏ rực trong đêm thành phố. Trái tim mỗi người chừng như đều cùng hòa nhịp đập của Tổ quốc trong những ngày đón mừng ngày hội non sông…
 

Học sinh TPHCM tham gia hợp luyện diễu binh trước hội trường Thống Nhất tối 18/4 – Ảnh: Thành Lâm
 
50 năm – nửa thế kỷ vàng son của đất nước – đã trôi qua với rất nhiều thăng trầm, biến động và đổi thay trên mọi lĩnh vực và bình diện của đời sống. Những ngày cuối tháng Tư rực lửa của 50 năm về trước vẫn còn được lưu lại trên các số báo Tiền Phong (số ra các ngày 30/4 – 6/5/1975). Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trên nóc dinh Độc Lập, “đồng bào đổ xuống đường, hô khẩu hiệu “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng!”. Lòng đường đầy xe, lề đường cũng khá đông người đi lại nhưng không phải để mua bán mà chính là để hòa mình vào không khí phấn khởi chung” và các chiến sĩ quân giải phóng đã “về giữa lòng dân” – theo Tiền Phong số 2460, ra ngày 6/5/1975. Hình ảnh toàn dân “xuống đường” cũng sẽ được nhìn thấy trong những ngày tới nhưng đã là một tinh thần hoàn toàn khác.
 
“Chúng tôi đã tập luyện từ tháng 12/2024 đến nay, cường độ tập rất cao và đòi hỏi phải rèn thể lực nhiều để hoàn thành tốt từng bài tập. Dù đối mặt với không ít thử thách nhưng tôi rất vui và tự hào khi được đại diện cho lực lượng mà bản thân đang theo học. Đây có lẽ là sự kiện khó quên trong cuộc đời binh nghiệp của tôi” – Đinh Thị Thu Uyên – Trường đại học An ninh nhân dân, người dẫn đầu của khối Nữ sĩ quan cảnh sát giao thông – không giấu được niềm tự hào.
 
Các nữ chiến sĩ trẻ dù phải tập luyện vất vả, thậm chí có người ngất xỉu vì thời tiết nắng nóng, đứng không vững, nói không ra hơi nhưng đều bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào khi được sống trong không khí hào hùng của dân tộc.
 
Dù đứng trong lực lượng vũ trang hay lực lượng quần chúng tham gia diễu hành/khán giả, những công dân trẻ của đất nước đều cùng nhau hòa ca với trái tim niềm biết ơn, tự hào và lòng yêu nước nồng nàn. 48 khối diễu binh/diễu hành với đầy đủ các lực lượng: vũ trang nhân dân, công nhân, nông dân, doanh nhân, kiều bào, văn nghệ sĩ, thiếu nhi… và toàn dân thành phố cùng xuống đường trong ngày lễ lớn của đất nước hòa thành một khối đoàn kết, thống nhất như non sông liền một dải.
 
2. “Ta muốn sống tự do, hòa bình và hạnh phúc bên cha mẹ già, chị và em của ta. Ta muốn ngồi bên trong ngôi nhà ấm cúng thân yêu đã che chở nắng mưa từ thuở bé…” – người lính, liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn đã viết trong những trang nhật ký chiến trường. Anh đã hy sinh ở tuổi 20 nơi mặt trận đỏ lửa Quảng Trị vào tháng 8/1970. Thế hệ cha anh ngày ấy, biết bao người đã ngã xuống, mãi mãi không thể nhìn thấy được hòa bình; biết bao người hy sinh xương máu vì đất nước, cho đến bây giờ Tổ quốc vẫn chưa thể xác định được danh tính; thân xác các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trên những cánh rừng và những người lính già – những cựu chiến binh vẫn mải miết trong hành trình lặng thầm đi tìm hài cốt đồng đội mình… “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!” – câu thơ bất khuất của người lính, nhà văn Nam Hà trên chiến trường Đông Nam Bộ thuở nào như một lời thề quyết tử của những người con yêu nước.
 
 
Đội hình tham gia hợp luyện diễu binh trước hội trường Thống Nhất tối 18/4 – Ảnh: Thành Lâm
 
Thế hệ chúng tôi được sinh ra trong thời bình, biết về chiến tranh từ những ngày còn cắp sách. “4.000 năm dựng nước và giữ nước”, “1.000 năm Bắc thuộc”, “100 năm đô hộ giặc Tây”… – đầy ắp sự kiện được ghi chép lại làm nên lịch sử. Nhưng dẫu chiến tranh có lùi xa hàng thập niên, nỗi đau vẫn còn đó trên những thân phận người, ký ức vẫn hằn sâu trong trang viết của những người lính trở về và mất mát ôm ấp cả cuộc đời của những người mẹ Việt Nam…
 
Nhà văn Trầm Hương – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, người có mặt trong đoàn diễu hành của khối văn nghệ sĩ ngày 30/4 tới – suốt những năm tháng qua đã đi dọc dải đất hình chữ S tìm những chứng nhân và đến tận nước Mỹ tìm gặp những người cựu binh từng tham chiến ngày xưa để viết cuốn sách Cái giá của hòa bình. Rất nhiều người cầm bút bước ra từ cuộc chiến và thế hệ sau đã ghi chép/tìm về với lịch sử, với những năm tháng bi tráng của dân tộc để viết nên những câu chuyện không thể lãng quên. Cái giá của hòa bình là máu xương, là sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh; là mất mát và nỗi đau không thể bôi xóa của biết bao người ở lại…
 
Ngày 20/4, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức sự kiện “Đọc và diễn xướng thơ Nguyễn Duy” với chủ đề “Tìm thân nhân”. Hoạt động mở màn cho hành trình đi dọc đất nước diễn xướng thơ của nhà thơ Nguyễn Duy – từng là một chiến sĩ; luôn viết về chiến tranh, hậu chiến, tình đồng đội, tình yêu và thân phận… Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc sẽ luôn được thế hệ trước đau đáu nhắc nhớ, kể về; sẽ luôn được thế hệ sau biết ơn bằng niềm kính trọng thiêng liêng, sâu sắc. Với thế hệ sinh ra sau chiến tranh, lớn lên từ những giá trị cội nguồn của dân tộc, được sống trọn vẹn trong hòa bình, cùng độc lập – tự do – hạnh phúc, Tổ quốc sẽ mãi mãi trong tim.
 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img