Ngày 25.4, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Nguyên tắc chọn tổ hợp môn ở lớp 10”, các chuyên gia đã tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, học sinh lớp 9 chọn nguyện vọng lớp 10 sao cho phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
CHỌN TỔ HỢP MÔN PHÙ HỢP VỚI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Năm học 2025 – 2026 sắp tới sẽ là năm thứ 4 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu định hướng nghề nghiệp được triển khai ở bậc THPT. Với phụ huynh học sinh (HS) lớp 9 chuẩn bị bước vào lớp 10, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM), cho biết ở cấp THCS, tất cả HS đều học các môn giống nhau. Tuy nhiên, ở cấp THPT có sự phân hóa và định hướng nghề nghiệp nên HS chỉ học giống nhau ở các môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục an ninh quốc phòng, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Ngoài ra, tùy theo năng lực và định hướng nghề nghiệp, HS sẽ chọn 4 trong số 9 môn: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Như vậy, sẽ có 126 cách chọn tổ hợp môn khác nhau.

Các khách mời tham gia chương trình tư vấn đưa ra những nguyên tắc giúp phụ huynh và học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp khi vào lớp 10
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tùy theo tình hình thực tế, nhà trường sẽ xây dựng một số tổ hợp trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, phù hợp năng lực và định hướng nghề nghiệp. Để có thông tin chính thức về các tổ hợp môn, phụ huynh, HS tham khảo tại cổng thông tin của mỗi trường THPT.
Trong đó, với HS chương trình tiếng Anh tích hợp, các em sẽ học 3 môn lựa chọn mặc định là vật lý, hóa học, sinh học, nên chỉ chọn thêm 1 môn từ các môn còn lại.
Với HS trường chuyên, nếu môn chuyên thuộc các môn bắt buộc, các em sẽ chọn 4 môn lựa chọn từ các môn còn lại. Nếu môn chuyên thuộc các môn lựa chọn, HS sẽ chọn thêm 3 môn từ các môn lựa chọn.
Theo hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann, việc chọn 4 môn học lựa chọn là bước ngoặt quan trọng trong 3 năm học THPT và cả tương lai vì điều này sẽ gắn với định hướng nghề nghiệp của HS. Vì thế, HS cần suy nghĩ thật kỹ, tìm hiểu đầy đủ thông tin để có lựa chọn tốt nhất cho bản thân.
5 LƯU Ý KHI CHỌN TỔ HỢP MÔN LỚP 10
Ông Nguyễn Hùng Khương đưa ra 5 lưu ý khi chọn 4 môn tự chọn: Thứ nhất, tìm hiểu thật kỹ về 4 môn học lựa chọn. Đây là quyết định quan trọng, vì nếu chọn sai, HS phải chờ đến cuối năm học để có thể thay đổi sau khi kiểm tra, khảo sát đạt yêu cầu.
Thứ hai, môn học lựa chọn liên quan đến ngành nghề tương lai. Các môn học lựa chọn từ lớp 10 sẽ quyết định tổ hợp xét tuyển đại học, ảnh hưởng đến ngành nghề sau này của HS.
Thứ ba, không chọn theo số đông, hãy chọn theo năng lực bản thân. Mỗi HS có thế mạnh và sở thích riêng, đừng chọn môn học chỉ vì bạn bè cùng chọn. Nếu HS không yêu thích hoặc không có năng khiếu với môn đã chọn, quá trình học sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, tham khảo ý kiến của giáo viên và phụ huynh. Trao đổi với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để hiểu rõ hơn về nội dung từng môn học. Bàn bạc với phụ huynh để có sự hỗ trợ và định hướng phù hợp.
Thứ năm, xem xét quy định của trường mà HS muốn vào học. Một số trường THPT có thể giới hạn tổ hợp môn học lựa chọn, vì vậy HS hãy xem xét kỹ danh sách môn học do nhà trường cung cấp.
Đề cập việc tổ chức môn học tự chọn từ lớp 10 ở hệ thống các trường ngoài công lập, ông Nguyễn Văn Ẩn, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Trường THCS và THPT Trần Cao Vân (TP.HCM), cho hay trường này thực hiện đầy đủ các tổ hợp môn định hướng khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tổ hợp môn định hướng nghệ thuật. Việc học các môn tự chọn thực hiện theo đúng quy định về thời lượng số tiết, nội dung chương trình, các chuyên đề học tập của Bộ GD-ĐT, phân công giáo viên đúng chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy. Trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy nhằm tăng sự hứng thú cho HS và phát huy được tính tích cực chủ động của người học.
Ông Nguyễn Văn Ẩn cũng thông tin trong quá trình học, nếu HS thấy tổ hợp môn không phù hợp thì cuối năm lớp 10 có thể chuyển đổi bằng tổ hợp môn khác. Tuy vậy, HS phải học các môn mới trong suốt thời gian hè để hoàn thành kiến thức môn này ở lớp 10. Sau đó, nhà trường sẽ kiểm tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì HS mới đủ điều kiện chuyển sang tổ hợp môn mới.

Học sinh lớp 9 tham gia một buổi tư vấn tuyển sinh vào lớp 10
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Hệ thống Trường quốc tế Á Châu (Asian School), cho hay các tổ hợp môn của trường đa dạng với 8 tổ hợp môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và năng khiếu để HS lựa chọn. Đội ngũ phụ trách chuyên môn kiểm tra, rà soát và hỗ trợ giáo viên bộ môn đảm bảo nội dung dạy học vừa phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại trong thời đại số. Đồng thời, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng với tư cách là thành viên của Hội đồng kiểm định các trường quốc tế CIS.
Các giáo viên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu học tập giúp HS tiếp cận kiến thức theo hướng tối ưu, nắm bài ngay tại lớp, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và làm dự án, tránh học tập theo lối truyền thống, nhàm chán không hiệu quả.
Học sinh gặp khó khăn về môn lựa chọn, nhà trường có bổ trợ kiến thức?
Gửi câu hỏi đến chương trình tư vấn, bạn đọc Trần Hữu Nghị thắc mắc: “Tham gia học tập tại Trường quốc tế Á Châu với các môn tự chọn và lợi thế tiếng Anh, khi kết thúc bậc THPT bằng cấp sẽ như thế nào? Con tôi có thể đăng ký thi ĐH trong và ngoài nước không?”.
Ông Cao Quảng Tư cho biết HS được học song song chương trình của Bộ GD-ĐT và chương trình quốc tế được xây dựng theo tiêu chuẩn American Education Reaches Out (AERO) và Common Core State Standards của Mỹ. Đối với bậc THPT, HS có thêm lựa chọn theo học chương trình Advanced Placement (AP) của College Board – Mỹ nhằm tiếp cận sớm kiến thức bậc ĐH, có cơ hội lấy tín chỉ ĐH ngay từ bậc phổ thông và xây dựng hồ sơ du học, học bổng quốc tế nổi bật.
“Đại đa số HS của trường hầu như đều đạt chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên. Sau khi tốt nghiệp THPT, có 2 hướng, hoặc là vào ĐH trong nước hoặc du học. Trong đó có nhiều HS nhận học bổng ở các trường ĐH có tiếng trên thế giới”, ông Tư nói thêm.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Trang (Long An) gửi đến chương trình câu hỏi: “HS ngoại tỉnh sẽ được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt ra sao khi học tại các trường tư thục. Với những HS còn gặp những hạn chế khi học các môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp thì Trường Trần Cao Vân hỗ trợ ra sao, phụ đạo thế nào?”.
Ông Nguyễn Văn Ẩn, chuyên gia tư vấn Trường THCS và THPT Trần Cao Vân (TP.HCM), giải đáp: “Đối với HS ngoại tỉnh, hình thức nội trú là lựa chọn phù hợp. HS sẽ học và sinh hoạt hoàn toàn tại trường, chỉ về nhà vào cuối tuần. Buổi tối, các em được giáo viên quản nhiệm trực tiếp ở cùng để hỗ trợ học bài, làm bài và quản lý các hoạt động sinh hoạt cá nhân. Ngoài giờ học, HS nội trú còn có cơ hội tham gia các hoạt động thể chất như: bơi lội, bóng đá, bóng rổ, thể hình… để phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần”.
Đối với các HS còn gặp nhiều hạn chế khi học các môn lựa chọn, ông Ẩn cho hay nhà trường có chương trình bổ trợ kiến thức hoàn toàn miễn phí. “Mục tiêu của chương trình bổ trợ không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập và sự tự tin, để mỗi HS đều cảm nhận được sự đồng hành và chăm sóc tận tình từ phía nhà trường”, ông Ẩn nhấn mạnh.
Nguồn: thanhnien.vn