Tuesday, April 29, 2025

Nơi bắt đầu của những đổi mới trong giáo dục

50 năm đất nước thống nhất là một hành trình giáo dục có rất nhiều thay đổi của TP.HCM, tạo nên thương hiệu là nơi đi đầu của những đổi mới, sáng tạo.

HỌC ĐỂ TẠO RA “SẢN PHẨM”

Hệ thống trường học phổ thông tại TP.HCM luôn đổi mới để theo kịp xu hướng. Trong phương pháp dạy học, từ việc chú trọng kiến thức, lấy vai trò người thầy làm trung tâm đã dịch chuyển sang coi người học là chủ thể, hạt nhân của việc dạy học với việc đề cao kỹ năng, thái độ.

Học sinh (HS) ngày nay không chỉ học giỏi là được mà cần phải biết ứng xử linh hoạt với cuộc sống, thông thạo các kỹ năng mềm, biết làm việc nhóm. Giáo dục chú trọng kỹ năng, nên đề cao việc nghiên cứu, học để tạo ra “sản phẩm”. Vì vậy việc dạy học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cũng được lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM chú trọng.

Cơ sở vật chất trong nhà trường ngày càng hoàn thiện và hiện đại hóa. Hệ thống nghe nhìn, kết nối mạng ngày càng hiện đại, tiện nghi. Thư viện điện tử cũng là một mô hình tiên phong của giáo dục TP.HCM.

Hiện đại hóa và đổi mới cách thức hoạt động phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường cũng là điểm nhấn của giáo dục TP. Nhiều trường trở thành mô hình kiểu mẫu trong việc tư vấn tâm lý cho HS, phụ huynh và xã hội.

Nơi bắt đầu của những đổi mới trong giáo dục

Lồng ghép STEM vào chương trình, hoạt động phổ biến trong các trường học ở TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

SỐ HÓA TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, ngành giáo dục TP.HCM cũng đã là người đi đầu trong đường đua này.

Hình ảnh người thầy với những tập giáo án viết tay, bản in đánh máy giảm hẳn, thay vào đó là các phương tiện dạy học hiện đại, kết nối trực tiếp với internet trong tiết giảng nên tính gợi mở rất cao. Các hoạt động về chuyên môn, hồ sơ, điểm số, thi cử, họp hành đều phát huy thế mạnh của công nghệ số.

Không còn thấy cảnh phụ huynh chen chúc xếp hàng đóng học phí như trước đây. 100% trường học hiện nay tại TP.HCM đều áp dụng thanh toán trực tuyến. Phụ huynh cũng không phải chờ đến định kỳ mới biết điểm số của con em qua phiếu liên lạc bằng bản in giấy mà có thể nhận thông tin qua hệ thống kết nối tin nhắn điện tử.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu áp dụng học bạ số cho HS tiểu học. Về quản lý điểm số HS, sổ liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, các trường tại TP.HCM sử dụng hoàn toàn bằng phần mềm công nghệ điện tử. Phần mềm này kết nối trực tuyến với nhiều ứng dụng. Vì vậy, khi tham gia kết nối, phụ huynh có thể xem tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ở mọi nơi, mọi thời điểm.

Dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường tại TP.HCM kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nhiều nền tảng công nghệ. Điều này giúp việc học tập, kiểm tra, đánh giá đa dạng hơn về hình thức, tạo được hứng thú cho HS xây dựng thói quen tự học.

THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Ngành giáo dục hướng đến việc xây dựng môi trường học đường văn hóa, dân chủ, hạnh phúc, nhân văn. Tại TP.HCM, từ nhiều năm nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã quán triệt các trường thực hiện xây dựng không gian văn hóa, giảm áp lực trong kiểm tra, thi cử. Các đánh giá, xếp loại, khen thưởng cũng dần thay đổi theo lộ trình thực hiện chương trình phổ thông mới, hợp lý, toàn diện hơn với người học.

Với chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc, có thể tự hào khẳng định đây là một trong những dấu ấn của giáo dục TP.HCM năm 2023. TP là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường. Mục tiêu của trường học hạnh phúc là góp phần xây dựng hình ảnh con người TP “sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”, từ đó hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.

Nơi bắt đầu của những đổi mới trong giáo dục

Hệ thống trường học phổ thông tại TP.HCM luôn đổi mới để theo kịp xu hướng

Ảnh: Nhật Thịnh

ĐI ĐẦU ĐỔI MỚI VIỆC DẠY VÀ HỌC MÔN NGỮ VĂN

Có thể nói, một trong những dấu ấn đặc biệt của TP.HCM là đi đầu trong việc đổi mới dạy và học văn.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn của TP.HCM từ lâu đã trở thành thương hiệu, được nhiều giáo viên trong cả nước khen ngợi về sự tiên phong, đổi mới. Chẳng hạn đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2015, mang tính thực tiễn khi nêu câu chuyện thần tượng của tuổi mới lớn và sự vô cảm với người thân trong gia đình. Ngoài ra đề thi còn lồng ghép giáo dục lòng yêu nước thông qua hát Quốc ca… Điểm thú vị nhất của đề thi là ở tính nhạy bén và thời sự khi bài viết ngày 8.6.2015 về Cảm xúc SEA Games 28 trên Báo Thanh Niên đã được đưa vào đề thi ngày 11.6.2015. Liên tục đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn từ chục năm trở lại đây đều được đánh giá cao về tính thời sự, có ý nghĩa giáo dục cao và tạo được hứng thú đặc biệt cho thí sinh khi làm bài. Đề minh họa cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới theo Chương trình mới 2018 cũng đã thực sự “lột xác”, hứa hẹn đề thi chính thức có nhiều đổi mới. Đề thi HS giỏi môn văn (lớp 9, 12) của TP.HCM cũng luôn đổi mới không ngừng, được dư luận đánh giá cao.

Việc dạy môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông tại TP.HCM nhiều năm qua đổi mới rất nhiều. Trong đó, biểu hiện dễ thấy nhất là ở những tiết thao giảng trường, thao giảng cụm; và ngay cả những tiết học bình thường trong lớp, nhiều giáo viên cũng đã ý thức về sự đổi mới để đem đến nhiều tiết học thú vị cho HS. Các tiết học giảm hẳn lối truyền đạt một chiều thầy nói trò nghe mà thay bằng nhiều hình thức sáng tạo.

STEM hóa tiết dạy học ngữ văn cũng là xu hướng đổi mới hiện nay của trường học tại TP.HCM. Giáo viên đem đời sống thực tiễn vào giờ dạy học văn, vì thế không khí lớp học trở nên rất sôi nổi, vui tươi.

Kiểm tra, đánh giá HS cũng toàn diện hơn thay vì chỉ qua bài kiểm tra viết như trước đây. 

Sẽ công nhận 50 trường học số

Để kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai Bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số như một bước đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

Đây không chỉ là công cụ đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục đạt chuẩn trường học số, mà còn là một tiền đề chiến lược để định hướng các giải pháp sáng tạo và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Bộ tiêu chuẩn này gồm 6 tiêu chuẩn lớn: Thể chế số, cơ sở vật chất và hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, quản trị và điều hành số, giáo dục số.

Về thể chế số, các quy định và quy trình được thiết kế để đảm bảo việc sử dụng công nghệ số trong giáo dục một cách hiệu quả và an toàn. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập nền tảng quản trị số tại các cơ sở giáo dục.

Hạ tầng và cơ sở vật chất số được đề xuất gồm các trang thiết bị hiện đại như phòng học thông minh, hệ thống quản lý dữ liệu, và thiết bị hỗ trợ giảng dạy trực tuyến.

Tiêu chuẩn dữ liệu số đảm bảo thông tin về HS, nhân sự, cơ sở vật chất và học liệu số phải đạt tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, giúp tăng cường khả năng phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Bộ tiêu chuẩn nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, và nhân viên về công nghệ thông tin và an toàn thông tin, đảm bảo mọi thành viên đều đáp ứng yêu cầu làm việc trên nền tảng số.

Giáo dục số là trọng tâm của bộ tiêu chuẩn, với mô hình học tập kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thông qua các hệ thống quản lý học tập hiện đại như LMS và LCMS. Các hoạt động giáo dục trực tuyến và bài giảng tương tác được khuyến khích, mang lại môi trường học tập phong phú và đa dạng.

Hiện nay Sở GD-ĐT đã có danh sách 100 trường đáp ứng các tiêu chí, từ đó sẽ chọn ra 50 trường.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất xây dựng các phòng studio để sản xuất học liệu số, phòng thí nghiệm STEAM, và các phòng thí nghiệm mô phỏng hiện đại, nhằm khuyến khích sáng tạo và thực hành trong học tập. Mô hình “lớp học không biên giới” là một ý tưởng tiên phong, cho phép HS tại TP.HCM kết nối với bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác và học hỏi toàn cầu.

Bích Thanh

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img