Thursday, May 8, 2025

Úc hỗ trợ Việt Nam mở ‘lò’ đào tạo nhân lực IUU cho châu Á-Thái Bình Dương

Cán bộ kiểm ngư của vùng châu Á-Thái Bình Dương đang tập trung ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tham dự tập huấn về theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MSC) do Trường ĐH Nha Trang tổ chức với mục tiêu nâng cao năng lực ứng phó nạn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp ở các nước.

 
Úc hỗ trợ Việt Nam mở ‘lò’ đào tạo nhân lực IUU cho châu Á-Thái Bình Dương

Các nội dung tập huấn từ cơ bản đến nâng cao. Ảnh: Thụy Miên

Từ ngày 5-23.5, Trường ĐH Nha Trang phối hợp với Bộ Nông – Lâm – Thủy sản Úc (DAFF) tổ chức khóa tập huấn “Theo dõi, kiểm soát và giám sát nghề cá” khóa 3, đợt 1 năm 2025. Đây là chương trình do chính phủ Úc tài trợ nhằm nâng cao năng lực ứng phó hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở các nước khu vực.

Tập huấn ở tầm châu Á – Thái Bình Dương

Với khóa đầu tiên trong năm nay, tổng cộng 38 học viên là cán bộ kiểm ngư của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia, với đội ngũ giảng viên đến từ Cơ quan Quản lý nghề cá Úc, các chuyên gia trong khu vực và nhân lực của Trường ĐH Nha Trang.

Khóa đào tạo dự kiến cung cấp cho học viên kiến thức lý thuyết và thực hành liên quan tới hoạt động theo dõi, kiểm soát và giám sát nghề cá nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề IUU (viết tắt từ hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo).

Khóa tập huấn kéo dài 3 tuần và bao gồm các nội dung chính như học lý thuyết về MCS; Thực hành thu thập số liệu nghề cá tại cảng cá Hòn Rớ; Thực hành thao tác hải đồ giấy, sử dụng máy điện hàng hải và các trang thiết bị trên tàu cá tại phòng thực hành thủy nghiệp & hải đồ, Viện Khoa học & Công nghệ khai thác thủy sản; Thực hành giám sát tàu cá tại cảng cá Hòn Rớ theo kịch bản do giảng viên thiết kế.

Úc hỗ trợ Việt Nam mở ‘lò’ đào tạo nhân lực IUU cho châu Á-Thái Bình Dương

Các học viên thực nghiệm lấy mẫu cá để xét nghiệm gien. Ảnh: Thụy Miên

Khi đoàn báo chí tham gia chương trình Media Tour 2025 do Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM tổ chức tham quan các dự án phát triển và doanh nghiệp của Úc tại khu vực Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, các học viên của MSC được hướng dẫn lấy mẫu để xét nghiệm gien cá.

Đây là biện pháp cho phép cán bộ kiểm ngư có thể định loại mẫu vật để tiến tới xác định liệu ngư dân có hành vi đánh bắt phi pháp hay không.

Sáng kiến từ Việt Nam

Thạc sĩ Trần Văn Hào, giảng viên Viện KH&CN Khai thác thủy sản Trường ĐH Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết khóa tập huấn MSC là một phần của dự án khởi nguồn từ sáng kiến của Trường ĐH Nha Trang và nhận được tài trợ của chính phủ Úc.

Ban đầu, phía Trường ĐH Nha Trang đề xuất với chính phủ Úc xây dựng chương trình nâng cao năng lực MSC cho các cán bộ kiểm ngư của Việt Nam để ứng phó IUU. Tuy nhiên, chính quyền Canberra nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải đẩy mạnh tăng cường năng lực này cho cả khu vực. Kết quả là dự án được thông qua với tầm mở rộng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Úc hỗ trợ Việt Nam mở ‘lò’ đào tạo nhân lực IUU cho châu Á-Thái Bình Dương

Ông David Power của Cơ quan Quản lý nghề cá Úc. Ảnh: Thụy Miên

Theo nội dung chương trình, trong vòng 3 năm ước tính khoảng 110 học viên được đào tạo MSC (dựa trên số liệu tham gia thực tế sau 3 khóa). Họ là các cán bộ kiểm ngư đến từ 8 nước ASEAN có biển (trừ Lào, Myanmar) và Timor Leste, Papua New Guinea.

Đến tháng 6 năm nay, dự kiến 18 cán bộ đến từ các nước khu vực sẽ tham gia chương trình trao đổi ở Thái Lan để nghe nước này chia sẻ kinh nghiệm gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản, chỉ danh sách các nước bị cảnh báo về khai thác thủy hải sản trái phép.

Ông David Power, Quản lý cấp cao – Phòng chính sách tuân thủ đối ngoại của Cơ quan Quản lý nghề cá Úc, đánh giá cao vai trò của Trường ĐH Nha Trang trong việc đưa ra sáng kiến mang đến lợi ích cho khu vực. Sau thời gian thẩm định, phía chính phủ Úc quyết định kéo dài dự án thêm một năm, tức đến năm 2027, so với kế hoạch ban đầu là chỉ 5 năm (2022-2026).

Theo ông Power, chương trình cũng giúp xây dựng mạng lưới cán bộ kiểm ngư của khu vực, từ đó tăng cường hợp tác giữa các nước tham gia hành động chống khai thác IUU khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Úc hỗ trợ Việt Nam mở ‘lò’ đào tạo nhân lực IUU cho châu Á-Thái Bình Dương

Ông Robert Ano, cán bộ kiểm ngư của Papua New Guinea. Ảnh: Thụy Miên

Trả lời Thanh Niên, bà De Fatima Belo Maria cho biết bà là một trong hai đại diện của Timor Leste tham gia chương trình, mà theo bà đánh giá là quan trọng để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm ngư của Timor Leste.

Còn ông Robert Ano, cán bộ kiểm ngư của Papua New Guinea, cho hay khóa tập huấn mang đến cơ hội tốt để tiếp cận những kỹ thuật mới trong lĩnh vực kiểm ngư, cập nhật thông tin về IUU mà các nước bạn đang áp dụng, chia sẻ ý tưởng và bổ sung những kiến thức, kỹ thuật mới nhằm tăng cường năng lực chấp pháp, đồng thời thúc đẩy hợp tác hơn nữa về chống IUU trong khu vực.

Trong thời gian tham gia tập huấn, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với các nước láng giềng như Indonesia và Úc trong việc thi hành năng lực MSC chống đánh bắt thủy sản phi pháp.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img