Friday, May 9, 2025

Hẻm ‘bát quái’ ở TP.HCM: Dung dị sống nhớ, nơi tang sự phải ra đầu hẻm

Ẩn mình sau số 334 Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có một con hẻm như mê cung chằng chịt, đường đi ngoắt ngoéo như trận đồ bát quái. Nơi những câu chuyện cũ về ‘làng ma’, về nghĩa địa xưa vẫn còn vương vấn trong ký ức cư dân.

Hẻm chồng hẻm, nhà nối nhà

Một buổi chiều đầu tháng 5.2025, chúng tôi tìm đến hẻm 334 Chu Văn An trong cái nắng đặc trưng của TP.HCM. Ngay khi rẽ vào, cảm giác đầu tiên là sự bối rối. Các nhánh hẻm đan xen, rẽ ngang rẽ dọc, nhiều đoạn chỉ vừa đủ cho 1 xe máy đi qua. Nếu không quen, ai cũng có thể “xoay vòng” trong đó hàng giờ như chơi trốn tìm với chính mình.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê ở đầu hẻm, ông Nguyễn Văn Tùng (55 tuổi), một thợ sơn gắn bó với hẻm “bát quái” gần nửa thế kỷ hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về vùng đất này. 

“Hồi đó đây là nghĩa địa, người dân gọi là “ấp làng ma” vì quạnh hiu lắm. Xung quanh cây cối rậm rạp và được vài ba căn nhà. Đêm xuống, người ta ít dám ra đường”, ông Tùng nhớ lại.

Hẻm 'bát quái' ở TP.HCM: Dung dị sống nhớ, nơi tang sự phải ra đầu hẻm

Hẻm 334 Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) từng là khu nghĩa địa rộng lớn ẢNH: UYỂN NHI

Chúng tôi tiếp tục len sâu vào hẻm theo sự chỉ dẫn của ông Tùng “hết dốc rồi rẽ trái, đi lủi lủi rồi quẹo phải…”. Nghe dễ, nhưng chúng tôi lạc vài lần, vòng vèo hết hẻm này sang hẻm khác. Ở một ngã ba, chúng tôi gặp ông Độ (64 tuổi) đang thắp nhang ở một miếu thổ địa cạnh đường. Ông Độ làm nghề thợ hồ, có 2 người con đều đã trưởng thành.

Ông Độ đi kinh tế mới và di cư về hẻm “bát quái” này từ năm 1978. Ông nhớ lại, lúc đó hẻm còn là vùng đất trống hoang vu, rải rác vài nhà lá dựng tạm. Trước đây là nghĩa địa của người Hoa. Mỗi mét lại có một gò mả, kế bên là một rừng cao su rộng mênh mông.

Thời đó, đường đất đỏ lồi lõm, người đi toàn bằng xe đạp và xích lô. Đến cuối thập niên 1980, khu nghĩa địa được giải tỏa, dân đi kinh tế mới và người lao động từ khắp nơi đổ về, dựng nhà san sát. Có người mua lại cả chuồng heo cũ để cất nhà. Dần dà, hình thành nên một khu dân cư đông đúc, đan cài bởi cả trăm nhánh hẻm nhỏ.

Cũng từ đó, mỗi căn nhà đều thu hẹp dần khi nhiều người chia nhỏ nhà ra để bán hoặc cho thuê. Có nhà chỉ siêu nhỏ, rộng khoảng 5 – 7 mét vuông. Vì nhà nhỏ nên không gian sinh hoạt gần như dồn ra ngoài hiên, ra hẻm, từ nấu ăn, rửa bát đến cả dựng bàn thờ.

Hỏi ông Độ, sống trong trận đồ hẻm thì có khó khăn gì không? Ông cười rồi nói, cực nhất là khi gia đình có việc hệ trọng. 

“Nhà có tang sự vất vả lắm. Không gian chật, xe chở linh cữu không thể vào. Nhiều nhà phải làm tang lễ tạm ngoài đầu hẻm, có nhà thì ra nhà tang lễ hoặc gửi ở chùa”, ông Tùng chia sẻ.

Hẻm 'bát quái' ở TP.HCM: Dung dị sống nhớ, nơi tang sự phải ra đầu hẻm

Ông Độ xởi lởi kể về lịch sử của hẻm 334 Chu Văn An ẢNH: UYỂN NHI

Đi khám phá hẻm “bát quái”, chúng tôi thấy có những con hẻm chỉ rộng chừng 1 mét, uốn khúc bất ngờ, nhiều ngã rẽ gấp khúc đến mức không thể nhớ nổi. Nếu không có người hướng dẫn thì khó có thể tìm được lối ra. Không chỉ vậy, hẻm “bát quái” này còn có địa hình dốc.

Hỏi thăm những người dân sinh sống tại đây, ai nấy cũng nói khổ nhất là trời mưa, nước từ trên hẻm đổ xuống đầu hẻm khiến đường ngập úng. Thế nhưng, những năm gần đây, TP.HCM lắp đặt nhiều hệ thống cống thoát nước nên tình trạng ngập cũng bớt đi.

Tình cờ gặp anh Thành, một shipper 40 tuổi đang loay hoay tìm địa chỉ trong hẻm. Anh Thành giới thiệu anh làm nghề giao hàng từ lâu, rành hẻm nhưng vào hẻm 334 Chu Văn An này vẫn khó khăn. “Tôi mất hơn 3 ngày mới học được đường ở khu hẻm này. Ở đây hẻm nào cũng na ná nhau, đi vòng vòng là quên mất lối ra liền”, anh cười.

Hẻm 'bát quái' ở TP.HCM: Dung dị sống nhớ, nơi tang sự phải ra đầu hẻm

Do các nhánh hẻm chằng chịt và ngoằn ngoèo, người dân đã lắp các biển chỉ dẫn giúp người lạ dễ dàng tìm đường ẢNH: UYỂN NHI

Từ “làng ma” đến nơi an cư bình dị

Hỏi ông Độ lúc mới đến khu này ở có sợ không? Ông cười: “Hồi đó, nghĩa trang mới giải tỏa, ai cũng sợ. Hẻm tối om, u ám, ban đêm chẳng ai dám bước chân ra ngoài. Hẻm nhiều ngã ba, ngã tư, càng đi sâu càng rối, thành ra tụi giang hồ mới hay lẩn trốn trong đó”.

Nhưng ông bảo, giờ thì khác rồi. An ninh được đảm bảo, đời sống người dân cũng dần ổn định. Người ta ở lâu rồi quen, biết từng lối nhỏ, từng mái nhà, từng người hàng xóm. 

“Ở riết rồi cũng quen, giờ đi chỗ khác lại thấy nhớ. Ở đây có cái thân thuộc không dễ gì rời xa được”, ông Độ thủ thỉ.

Hẻm 'bát quái' ở TP.HCM: Dung dị sống nhớ, nơi tang sự phải ra đầu hẻm

Người dân ở hẻm “bát quái” sống gần gũi, hòa đồng và biết giúp đỡ lẫn nhau ẢNH: UYỂN NHI

Sống ở hẻm “bát quái”, phần lớn là lao động tay chân như: phụ hồ, ve chai, bán hàng rong… Đa số những người dân sinh sống tại đây đều biết nhau và biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nào có tiệc cưới, đám giỗ là hàng xóm tự động dọn xe, nhường chỗ.

“Ấp làng ma” của nửa thế kỷ trước dường như không còn tồn tại, giờ nơi đây là nơi an cư bình dị của người dân và trở thành lát cắt chân thực của đời sống phố thị TP.HCM.

Chiều xuống, lũ trẻ đá bóng, chơi trốn tìm giữa ngã ba hẻm. Người lớn thì tụ tập ngồi chòm hỏm, chuyện trò bên ly trà đá. Ở đây, có những con người dung dị, sống chậm, sống tình và sống nhớ…

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img