Ít ai ngờ rằng, hai tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa xanh mát hiện nay lại từng là nỗi ám ảnh đối với nhiều thị dân TP.HCM.
Qua quá trình cải tạo vào năm 2014 và sự chăm chút của người dân, đường Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay đã trở thành con đường xanh tươi, tràn đầy sức sống, nhộn nhịp các hoạt động tôn giáo, ẩm thực.
Đường Trường Sa, Hoàng Sa có gì đặc biệt?
Nếu chỉ nhìn thoáng qua trên bản đồ, Trường Sa và Hoàng Sa là hai con đường dài chạy song song theo dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối liền nhiều quận trung tâm như Q.1, Q.3, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình và Q.Tân Phú. Nhưng để hiểu điều đặc biệt của hai con đường này, người ta cần bước chậm lại để lắng nghe và cảm nhận từng nhịp sống đang diễn ra mỗi ngày.
Đường Hoàng Sa và đường Trường Sa nằm song song nhau ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
“Cha đẻ” của hai con đường này là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tác giả của cuốn sách Đường phố nội thành TP.HCM. Ông là người đã góp công rất lớn trong việc nêu đề xuất đặt 1.000 tên đường mới ở thành phố sau ngày đất nước thống nhất (sau 1975).
Đến đường Trường Sa, Hoàng Sa, có thể thấy điểm đặc biệt là 2 con đường này đi qua rất nhiều các con đường lớn ở trung tâm thành phố như Điện Biên Phủ, Trương Định, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Người dân hay nói đùa rằng, Trường Sa, Hoàng sa là hai con đường “sinh đôi” vì hình dáng quanh co, uốn lượn khá giống nhau. Đi dọc hai tuyến đường này, sẽ thấy nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Đối với người dân sống lâu năm dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa đã trở thành phần không thể thiếu trong nhịp sống hàng ngày.
Người dân thường đi bộ hai bên vỉa hè trên đường Trường Sa và Hoàng Sa vào sáng sớm ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Chúng tôi đến đây vào một buổi sáng tháng cuối tuần và tình cờ gặp được ông Đỗ Minh Long (45 tuổi, ở Q.Phú Nhuận).
Mỗi sáng sớm, ông Long đều cùng vợ đi bộ thể dục dọc vỉa hè xanh mát. Ông chia sẻ, trên vỉa hè dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa đều được trồng cây xanh, có cả những loài hoa trổ bông rất đẹp. Hơn nữa, cứ cách vài trăm mét lại có nhiều máy tập thể dục nên ông rất thường xuyên ra đây.
“Tôi chuyển về đây chỉ mới vài năm, thấy rằng ở đây rồi thì chẳng còn muốn đi đâu nữa. Sáng sớm có mấy ông bạn già cùng đi tập, xong xuôi ghé uống ly cà phê, cuộc sống cứ vậy nhẹ nhàng trôi qua. Những tháng Sài Gòn nắng đổ lửa, bờ kè Nhiêu Lộc trở thành nơi trốn nắng cho rất nhiều người”, ông Long nói.
Với kinh nghiệm của mình, ông Long hướng dẫn thêm cho chúng tôi, đi đường này phải lưu ý giao thông. Trên cùng một tuyến đường nhưng có những đoạn cho xe chạy 2 chiều, có đoạn chỉ 1 chiều. Khi tìm đường cũng cần lưu ý số thứ tự của các cây cầu để tránh nhầm lẫn.
Có lợi thế nằm sát bờ kênh, nhiều nhà hàng, quán cà phê nằm trên hai tuyến đường này cũng trở nên thu hút giới trẻ vì có “view triệu đô”. Hai tuyến đường còn giáp với phố ẩm thực Phan Xích Long, chợ Phạm Văn Hai, hay các khu ăn uống lân cận.
Hai cung đường mang đậm bản sắc riêng
Chạy dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đường Hoàng Sa và Trường Sa là hai tuyến đường mang vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn. Nơi đây không chỉ nổi bật bởi hàng cây xanh mát, không gian mát mẻ mà còn mang đến cảm giác thư thái giữa lòng phố thị.

Vào đại lễ Phật đản Vesak, chùa Pháp Hoa (nằm trên đường Trường Sa) khoác lên mình một diện mạo mới ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Từ chân cầu Lê Văn Sỹ, chúng tôi bị ấn tượng với cảnh quan được trang hoàng trang nghiêm tại chùa Pháp Hoa. Đây là một trong những công trình Phật giáo nổi bật nhất trên tuyến đường Trường Sa.
Những ngày này, ngôi chùa khoác lên mình tấm áo rực rỡ của đại lễ Phật đản Vesak. Mặt tiền hướng ra dòng kênh Nhiêu Lộc được trang hoàng lộng lẫy bằng những đóa hoa sen hồng tỏa sáng, đèn lồng treo thành chuỗi uốn lượn theo lan can, cờ Phật giáo bay phấp phới trên nền trời trong vắt. Phía dưới, dòng nước in bóng hoa sen và chánh điện huyền ảo, tạo thành một bức tranh hòa quyện giữa đất trời, đạo pháp và đời sống đô thị.
Hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa hòa chung vào không khí đại lễ Vesak ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Đến chiêm bái tại chùa Pháp Hoa, bà Lê Thị Mai (52 tuổi, ở Q.Tân Bình) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào một đại lễ Phật đản lớn và trang nghiêm như vậy. Ngay từ khi đi ngang đường Trường Sa, tôi đã bị ấn tượng với khung cảnh chùa Pháp Hoa rực rỡ trong ánh đèn và những cánh hoa sen hồng nở rộ. Đến chùa vào dịp lễ này, tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn đi, bao lo âu muộn phiền đều tan biến”.
Cách chùa Pháp Hoa không xa là chùa Changtarangsay. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Khmer tại TP.HCM mà còn là điểm đến quen thuộc của người dân trong các dịp lễ lớn. Năm nay, ngôi chùa cũng hòa chung không khí đại lễ khi trang hoàng bằng cờ Phật giáo dọc mặt tiền và hàng rào sát bờ kênh.
Đặc biệt, trên tuyến đường Trường Sa, một tiểu cảnh Phật đản sinh được thiết kế nổi bật bên kênh, xung quanh là hoa tươi rực rỡ và băng rôn “Vesak Celebration 2025” thu hút người dân dừng lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

Một tiểu cảnh Phật đản sinh được thiết kế nổi bật trên đường Trường Sa ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Khi mặt trời dần khuất sau tán cây, đường Hoàng Sa và Trường Sa khoác lên mình vẻ nhộn nhịp mà bình dị của một Sài Gòn về đêm. Hàng trăm quán ăn lên đèn, xe đẩy vỉa hè thu hút thực khách.
Không khí mát rượi bên dòng kênh khiến trải nghiệm ẩm thực ở đây thêm phần dễ chịu. Người ta chọn ngồi ăn ở lề đường không chỉ vì món ăn ngon, giá bình dân mà còn bởi cảm giác khoan khoái khi gió từ mặt nước lùa qua mái tóc, xua tan cái oi bức phố thị.
Dọc trên hai cung đường Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều quán cà phê cũng lên đèn. Những quán cà phê ở đây đa số có giá cả phải chăng, không gian mát mẻ nên thu hút rất nhiều vị khách ghé thăm.

Một quán cà phê kế con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè rất mát mẻ ẢNH: THÁI THANH – HOÀI NHIÊN
Đường Trường Sa và Hoàng Sa đã trở thành một phần ký ức sống động của người Sài Gòn. Giữa những đổi thay không ngừng của đô thị, hai tuyến đường này vẫn giữ cho mình nét bình dị rất riêng.
Chính sự giao thoa giữa thiên nhiên, tín ngưỡng và đời sống thường nhật đã tạo nên một bản sắc đô thị đặc biệt, khiến hai con đường này không chỉ là nơi để đi qua, mà là nơi để ở lại, để sống và để yêu một Sài Gòn rất đỗi thân quen.
Nguồn: thanhnien.vn