Trong dự thảo luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, nội dung được quan tâm đặc biệt là việc giao quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ngành giáo dục. Quy định này càng trở nên cấp thiết khi chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình hai cấp.
Nhiều ý kiến trong chính ngành giáo dục cho rằng việc trao quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ngành giáo dục cần đặt ra những quy định khắt khe hơn về chuyên môn và tính minh bạch.
Đồng tình với việc giao quyền tuyển dụng giáo viên (GV) cho ngành giáo dục, ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhất trí cao với quy định thực hành sư phạm là nội dung phải có trong khâu tuyển dụng GV. Theo ông Dương, dù phương thức tuyển dụng là xét hay thi tuyển thì nội dung thực hành sư phạm vẫn là yêu cầu bắt buộc, nhằm giúp đơn vị tuyển dụng lựa chọn được đúng người làm nghề dạy học, đồng thời cũng tạo cơ hội để những người có nguyện vọng làm nghề giáo thể hiện năng lực, phát huy sở trường.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, đề nghị quy định tuyển dụng nhà giáo phải đảm bảo có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực chuyên môn và đặc trưng sư phạm nghề nghiệp, đáp ứng đặc trưng nghề nghiệp. Những quy định này sẽ giúp ngành GD-ĐT chủ động trong việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục.

Hầu hết các ý kiến đồng tình với việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục, theo dự thảo luật Nhà giáo ẢNH: B.NINH
TUYỂN DỤNG ĐÚNG NHU CẦU THỰC TẾ
Bà Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hải Đường (H.Hải Hậu, Nam Định), cũng cho rằng Sở GD-ĐT là cơ quan quản lý về chuyên môn nên nắm bắt sâu sát năng lực của cán bộ quản lý, GV cũng như nhu cầu thừa thiếu của từng đơn vị để từ đó bổ nhiệm, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ sẽ phù hợp và đạt hiệu quả.
Theo bà Minh, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, sở GD-ĐT tuyển dụng, chỉ tiêu được phân bổ rõ ràng cho từng đơn vị. Điều này giúp mỗi ứng viên chỉ đăng ký một nơi phù hợp với nhu cầu thực tế. Khi đó, quy trình tuyển dụng GV được tối ưu hóa, đảm bảo sự công bằng và minh bạch, tạo thuận lợi cho các trường trong quá trình hoạt động.
Bà Tạ Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (H.Sóc Sơn, Hà Nội), nhìn nhận đây là quy định mang tính đột phá vì trước kia việc bổ nhiệm, điều động do cấp huyện đảm nhiệm. Khi sở GD-ĐT thực hiện chức năng bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý, nhà giáo trong tỉnh, việc điều chỉnh biên chế cán bộ, GV, nhân viên các nhà trường sẽ hài hòa, hợp lý hơn, tránh tư tưởng cục bộ, địa phương. Đồng thời, cán bộ quản lý, nhà giáo có cơ hội trao đổi, học hỏi và phát huy năng lực, sở trường trong môi trường giáo dục khác nhau trên địa bàn tỉnh.
“Không chỉ vậy, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, GV từ mầm non đến THCS trong phạm vi toàn tỉnh còn góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa nội thành và ngoại thành”, bà Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Thức góp ý việc tuyển dụng, tiếp nhận đội ngũ nhà giáo đã giao cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì hoặc giao cho người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo phân cấp. Các điều khoản khác về thuyên chuyển nhà giáo, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục cũng cần được điều chỉnh theo hướng này.
Theo đó, cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện thuyên chuyển, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, đề nghị thống nhất chủ trương phân cấp và giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo tại luật Nhà giáo, đồng bộ với các luật sửa đổi như luật Viên chức (sửa đổi), luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo.
PGS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục, khẳng định giao sở GD-ĐT quyền bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý, GV là hoàn toàn hợp lý. Ngành giáo dục các tỉnh sẽ có quy hoạch đội ngũ tổng thể, từ đó tiến hành luân chuyển đội ngũ GV từ nơi thừa sang nơi thiếu và tuyển dụng đúng nhu cầu thực tế.
RẤT CẦN CƠ CHẾ GIÁM SÁT
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, công tác tại Trường CĐ Lào Cai, bày tỏ đồng tình với việc giao quyền tuyển dụng, chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục, việc này cũng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Dù vậy, bà Lan Anh đề nghị cần tính đến việc thẩm quyền tuyển dụng của các cơ quan tại địa phương trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, cần phải có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, nếu không có cơ chế này sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ, lạm phát làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ.
Từ đó, bà Lan Anh đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo, xác lập cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát đối với thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng, quy định rõ trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ sở quản lý cấp trên khi xảy ra sai phạm, có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng.

Dự thảo luật Nhà giáo đã có nhiều chính sách để phát triển đội ngũ, đặc biệt chính sách về bồi dưỡng nhà giáo và đãi ngộ, ảnh: Đào Ngọc Thạch
QUYỀN LỢI PHẢI GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học TT.Hạ Hòa (Phú Thọ), nhận định dự thảo luật Nhà giáo đã có nhiều chính sách để phát triển đội ngũ, đặc biệt chính sách về bồi dưỡng nhà giáo và đãi ngộ. Đây cũng là điều kiện để giáo dục vùng khó, đặc thù có điều kiện phát triển cùng với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi hơn. Từ đó, thu hút được lực lượng GV có chuyên môn tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bà Hạnh cũng quan tâm đến việc nhà giáo được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, sức khỏe nghề nghiệp mà dự thảo luật đề cập. Đây là điểm mới thể hiện sự đãi ngộ đối với nhà giáo. “Tất nhiên, đi đôi với chế độ đãi ngộ sẽ đòi hỏi mỗi nhà giáo về trách nhiệm, phải không ngừng nâng cao chất lượng công việc được giao”, bà Hạnh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Oanh, GV Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội), cho rằng nếu luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện nay trong nghề giáo, đặc biệt là việc phân biệt rõ ràng giữa trách nhiệm và quyền lợi của GV. Từ đó, tránh tình trạng GV phải đối mặt với nhiều áp lực công việc nhưng không nhận được sự hỗ trợ tương xứng.
Hơn nữa, theo bà Oanh, luật sẽ là cơ sở để xây dựng hệ thống đánh giá, khen thưởng và xử lý công bằng, minh bạch, tạo động lực cho mỗi GV không ngừng hoàn thiện bản thân, gắn bó lâu dài với nghề.
Bổ sung một số đối tượng ưu tiên tuyển dụng
Về đối tượng ưu tiên tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị tại dự thảo nghị định cần bổ sung nhà giáo giảng dạy trong môi trường độc hại, ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm, nhà giáo giảng dạy các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội đang có nhu cầu cao như công nghệ, cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao. Điều này là cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn thực tiễn tuyển dụng GV trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp tại các vùng khó khăn.
Về điều động nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, dù dự thảo luật đã quy định bảo lưu chế độ phụ cấp khi điều động nhà giáo sang cơ quan quản lý giáo dục, bà Lan Anh cho rằng cần bổ sung trong trường hợp vị trí mới có hệ số lương thấp hơn thì được bảo lưu thêm phần chênh lệch hệ số lương cho đến khi được nâng ngạch. Việc bảo lưu này sẽ khuyến khích nhà giáo có năng lực tham gia công tác quản lý mà cũng yên tâm công tác.
Ông Trần Văn Thức cũng cho rằng cần có những quy định cụ thể về việc điều động biệt phái, thuyên chuyển đội ngũ nhà giáo, trong đó quan tâm đến việc bảo lưu và thực hiện chế độ, chính sách với các nhà giáo này. Ngoài ra, cần có các chính sách nhằm tăng cường giữ ổn định đội ngũ nhà giáo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nguồn: thanhnien.vn