Thursday, May 8, 2025

Những tuyệt tác thiên nhiên: Chư Hreng – Bình phong huyền thoại của phố núi

Trong ánh sương mờ buổi sớm, Chư Hreng hiện lên như bức bình phong khổng lồ che chở cho phía nam TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Tựa lưng vào trời, chân sà xuống đồng bằng, dãy núi hùng vĩ ấy là biểu tượng của vùng đất mang đậm dấu ấn truyền thuyết.

BIỂU TƯỢNG CỦA PHỐ NÚI Kon Tum

Dãy Chư Hreng dài khoảng 11 km, trải từ làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa) đến đèo Sao Mai (xã Hòa Bình), nơi giáp ranh với dãy Chư Pao (Gia Lai). Núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam như một bức bình phong của phố núi. Chiều cao trung bình của dãy núi Chư Hreng đạt khoảng 1.000 m, đỉnh cao nhất vươn tới 1.150 m, giữa mây trời và tiếng gió, ngọn núi tựa như người gác cổng cần mẫn của Kon Tum, ngày đêm lặng lẽ dõi nhìn dòng Đăk Bla trôi bên dưới.

Điểm độc đáo của Chư Hreng không chỉ nằm ở hình thế mà còn bởi hệ sinh thái rừng đa dạng. Ông Đào Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Chư Hreng, cho biết nơi đây có khoảng 20 ha rừng nguyên sinh, còn rừng tái sinh hơn 1.000 ha. Khí hậu mát mẻ, trong lành của Chư Hreng được tạo ra bởi độ cao và thảm thực vật đa dạng.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Chư Hreng - Bình phong huyền thoại của phố núi

Đỉnh núi Chư Hreng là điểm săn mây lý tưởng của những người ưa xê dịch ẢNH: NGUYỄN THỊNH

Không chỉ được mệnh danh là “nóc nhà” của TP.Kon Tum, Chư Hreng còn là “pháo đài quan sát” lý tưởng cảnh quan phố núi. Với địa hình hiểm trở, nhiều năm trước, việc tiếp cận khu vực này chủ yếu bằng xe chuyên dụng. Thời gian gần đây, để thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã xây dựng một tuyến đường lên núi.

Dọc tuyến đường lên núi, những cánh rừng xanh tốt nối tiếp nhau. 500 ha rừng trồng là thành quả, sự nỗ lực của người dân cũng như chính quyền địa phương để phủ xanh ngọn núi trong suốt nhiều năm qua. Càng lên cao, cảnh vật, địa hình và khí hậu ở núi cũng dần thay đổi. Những dãy cỏ lau, cây dại dần nhường chỗ những hàng thông thẳng tắp. Khí hậu trở nên mát mẻ dễ chịu hơn.

Đặt chân lên đỉnh, du khách được chiêm ngưỡng “bữa tiệc” thị giác: mây trắng là là, TP.Kon Tum thu nhỏ dưới chân, dòng Đăk Bla uốn lượn như dải lụa, ôm trọn ruộng đồng. Các bản làng Ba Na, Xơ Đăng ẩn hiện trong sương, tiếng gà gáy vọng về, thân quen mà lạ lẫm giữa đại ngàn.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Chư Hreng - Bình phong huyền thoại của phố núi

Núi Chư Hreng như bức bình phong chắn phía nam TP.Kon Tum ẢNH: ĐỨC NHẬT

TRUYỀN THUYẾT VỀ THẦN NÚI

Ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở VH-TT-DL Kon Tum, kể lại một truyền thuyết kỳ bí về thần núi Hreng, vị thần từng ngự trị trên đỉnh non cao.

Tương truyền, khi đất trời chưa phân định, thần Hreng đã ngự trị nơi đây. Thần có quyền năng nhưng độc đoán và tàn bạo.

Thuở ấy, một ngôi làng dưới chân núi có cô gái vừa đến tuổi cập kê, sắc đẹp của nàng nức tiếng xa gần. Tất cả các chàng trai từ khắp nơi đều muốn cưới cô làm vợ. Nhưng nàng khước từ tất cả, bởi trong lòng còn mong chờ một người xứng đáng. Câu chuyện về nàng chẳng mấy chốc đến tai thần núi Hreng. Một hôm, khi nàng đang lên rừng hái bông đem về dệt vải, thần liền bắt nàng mang về hang sâu trên đỉnh núi, toan ép làm vợ.

Bấy giờ trong làng có hai anh em sinh đôi người Ba Na, đều to cao lực lưỡng như người khổng lồ. Thấy chuyện bất bình, hai anh em cùng nhau mang gươm lên hang núi chiến đấu với thần để giải cứu cô gái. Trận chiến diễn ra trong nhiều ngày đêm bất phân thắng bại.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Chư Hreng - Bình phong huyền thoại của phố núi

Chư Hreng hấp dẫn du khách bởi quang cảnh như ở chốn bồng lai ẢNH: BAN NGUYÊN

Một đêm nọ, khi màn sương mù phủ kín đỉnh Hreng và thần núi chìm sâu trong giấc ngủ kiêu hãnh, người em lặng lẽ men theo lối mòn lên hang đá. Dưới ánh trăng lờ mờ, chàng len lỏi qua những vạt cây rậm rạp, lách qua khe đá hẹp, rồi nhẹ như bóng sương, trộm được thanh gươm báu. Chỉ chờ có thế, chàng cất tiếng hú vang vọng khắp núi rừng. Nghe tiếng hú, người anh lập tức trèo núi nhập hội, cả hai hợp sức xông vào hang đá. Trận chiến cuối cùng diễn ra dữ dội giữa đêm núi rừng tĩnh mịch. Bằng tình thân, trí dũng và lòng quả cảm, hai anh em đã đánh bại được vị thần hung bạo, trả lại sự bình yên cho bản làng dưới chân núi.

Sau khi tiêu diệt thần núi, hai anh em dũng sĩ đưa cô gái trở về làng trong niềm hân hoan của mọi người. Vẻ đẹp rạng ngời và tài hoa của nàng khiến cả hai đều đem lòng thương mến. Nhưng giữa tình yêu và tình thân, người em chọn cách lặng lẽ rời làng. Trước khi đi, chàng lên núi, nơi từng diễn ra cuộc chiến sinh tử, dùng thanh gươm báu phạt ngang một chỏm núi. Rồi chàng mang gươm đặt trên đỉnh Chư Mom Ray (H.Sa Thầy, Kon Tum). Từ đó, chàng sống cô quạnh giữa đại ngàn, mỗi ngày đều ngước mắt nhìn về chỏm núi đã từng gắn bó, để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nỗi thương anh trai và cả người con gái đã khiến lòng chàng vấn vương.

Theo ông Lâm, đỉnh núi bị phạt từng được dùng làm bãi đáp trực thăng thời chiến. Hang đá thần ngự thuở nào vẫn còn đó, lặng lẽ giữa rừng xanh, chưa ai khám phá.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, chia sẻ: “Núi không xa trung tâm, lại có khí hậu dễ chịu, thảm thực vật đa dạng. Nếu biết khai thác du lịch sinh thái đúng cách, nơi này sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây nguyên”.

Thực tế, nhiều nhóm bạn trẻ đã chọn Chư Hreng làm điểm cắm trại cuối tuần. Đêm ngủ lều dưới trời sao, sáng dậy giữa mây trắng bảng lảng, cảm giác như đang sống trên một tầng trời khác. Cảnh vật nơi đây hợp với du lịch trekking, dã ngoại, săn mây, và có tiềm năng lớn để phát triển các tuyến du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa. (còn tiếp) 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img