Friday, May 9, 2025

Dần hé lộ lai lịch ‘tàu cổ’ ở bờ biển Hội An

Quá trình điều tra, khảo sát của cơ quan chuyên môn đối với con ‘tàu cổ’ phát hiện ở bờ biển Cẩm An (TP.Hội An, Quảng Nam) cho thấy con tàu này có niên đại hàng trăm năm.

Chiều 7.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam), cho biết đơn vị đã có báo cáo gửi UBND TP.Hội An về lai lịch của con “tàu cổ” được phát hiện ở bờ biển Cẩm An sau thời gian dài điều tra, khảo sát và phân tích mẫu.

Có niên đại hàng trăm năm

Từ các kết quả khảo sát và phân tích mẫu tàu cổ cho thấy tàu cổ nằm bên dưới đồi cát ven biển, cạnh con đường đất đỏ được người Pháp xây dựng. Nhiều đoạn đường gần vị trí con tàu ngày nay không còn dấu vết, do bị biển xâm thực.

Thông qua các bản đồ, ảnh vệ tinh trong nhiều thời kỳ và ký ức của nhiều người dân địa phương, vị trí con tàu không chỉ nằm sâu dưới đồi cát mà còn phát hiện vào năm 1905, vị trí này có thể cách mép nước khoảng 700 – 800 m. Thời điểm con tàu bị đắm hay bỏ hoang nhiều khả năng xảy ra từ vài thế kỷ trước (nếu lấy mốc thời gian 1905). 

Điều này cho thấy từ thế kỷ 20 đến nay, biển Hội An xâm thực ngày càng mạnh. Ngoài ra, kết quả phân tích bào tử phấn hoa bước đầu nhận định tàu bị đắm (hay bỏ hoang) vào thời điểm khu vực này là biển, không phải sông ngòi.

Dần hé lộ lai lịch 'tàu cổ' ở bờ biển Hội An

Một phần thân “tàu cổ” nhô lên khi thủy triều rút ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Thông qua đặc điểm tàu, có thể nhận thấy về cấu trúc tàu thể hiện đặc trưng kết cấu thuyền truyền thống Biển Đông. Đây là kiểu thuyền lai tích hợp 2 kỹ thuật đóng tàu tiến bộ của Đông Nam Á và Trung Quốc.

Cụ thể, theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tàu cổ phát hiện tại bờ biển Cẩm An thể hiện một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Đông Nam Á như: có lô mũi (sống mũi), có nhiều lớp ván be (ít nhất 2 lớp), ván be bao lô mũi; dùng gỗ nhiệt đới làm cấu trúc chính của vỏ và khung xương thuyền như gỗ bằng lăng (săng lẻ) làm giang, gỗ kiền kiền làm ván be.

Một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Trung Quốc như: vách ngang chia tàu thành nhiều khoang, sàn sa quạ, đinh sắt, kỹ thuật đóng đinh sắt xiên rìa cạnh ván; dùng gỗ ôn đới là thông làm vách ngang và sa quạ.

Do con tàu chưa xuất lộ đầy đủ cho nên kích thước toàn thể của con tàu chưa thể xác định chính xác, nhiều khả năng tàu dài khoảng 17,8 m.

“Bảo vật” tàu cổ cực kỳ hiếm hoi

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đến nay tuy chưa xác định niên đại tuyệt đối bằng C14, song với vị trí phát hiện con tàu từng nằm sâu trong đất liền, cùng sự tương đồng sâu sắc về các đặc điểm cấu trúc, kỹ thuật thi công cùng vật liệu xây dựng với các con tàu đắm truyền thống phát hiện trong vùng biển Đông Nam Á, cho thấy khả năng cao con tàu cổ ở biển Cẩm An có niên đại giữa cuối thế kỷ 14 đến thế kỷ 16.

Do vậy, sự tồn tại của tàu Cẩm An không chỉ là minh chứng cho một lịch sử hàng hải phát triển sôi động trước khi tiếp xúc với hàng hải phương Tây, mà còn là “bảo vật” tàu cổ cực kỳ hiếm hoi đến nay còn được bảo tồn khá nguyên vẹn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Đông Nam Á và Đông Á.

Tàu cổ được phát hiện tại bờ biển Cẩm An là bằng chứng vật chất độc đáo, sống động minh chứng cho một thời kỳ thương mại nhộn nhịp ở Biển Đông. Trong đó, vùng biển Hội An nhiều thế kỷ giữ vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải quốc tế kết nối Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Nam Á, phương Tây và là một phần của “Con đường thương mại trên biển”.

Việc phát hiện con tàu này là một phát hiện khảo cổ học quan trọng, mở ra cơ hội để nghiên cứu về lịch sử hàng hải và thương mại của vùng biển Hội An nói riêng và vùng biển Việt Nam nói chung. Đồng thời, cho thấy con tàu này là một di sản văn hóa biển vô cùng quý giá của Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa tại Hội An.

Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết sở đã giao nhiệm vụ khai quật con tàu cổ phát hiện tại bờ biển Cẩm An cho TP.Hội An, tuy nhiên đến nay vì một số lý do nên cơ quan chức năng đang thận trọng, khi nào có đủ điều kiện thì mới tiến hành khai quật.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 26.12.2023, người dân địa phương phát hiện phần khung con tàu gỗ giống như tàu cổ nổi dần lên dưới lớp cát thuộc bờ biển P.Cẩm An. Vị trí phát hiện tàu nằm sát bờ biển, cách trụ sở UBND phường khoảng 400 m.

Thời điểm phát hiện, xác tàu đo được khoảng 15 m, rộng khoảng 3 m. Phần khung gỗ ôm quanh thân nổi lên mặt cát tạo hình bao quanh thân tàu, nhìn giống kiểu tàu cổ.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img