Saturday, May 10, 2025

Bộ Y tế siết quản lý thực phẩm chức năng, bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả

VTV.vn – Trước thực trạng thực phẩm chức năng giả tràn lan, Bộ Y tế đang siết chặt quản lý, sửa đổi chính sách và tăng cường hậu kiểm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, Bộ Y tế đã có những động thái mạnh mẽ nhằm tăng cường quản lý, siết chặt hậu kiểm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà Trần Việt Nga – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chia sẻ cụ thể về nguyên nhân, thực trạng và định hướng hành động trong thời gian tới.

Bộ Y tế siết quản lý thực phẩm chức năng, bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả - Ảnh 1.

Theo bà Trần Việt Nga, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, trong đó có cả các sản phẩm như sữa bột, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. “Chúng tôi nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng và hy vọng đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân phi đạo đức,” bà Nga nhấn mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, xuất phát từ một số bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định 15/2018/NĐ-CP hiện hành cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà không cần thẩm định trước từ cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế thông thoáng này vốn nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm nhanh, tuy nhiên cũng bị một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng ra thị trường, lách luật thông qua việc tự công bố sai nhóm sản phẩm – đặc biệt là thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt.

Hơn nữa, thủ tục tự công bố hiện nay khá đơn giản, không mất phí và không yêu cầu xác thực ngay về số lượng sản xuất thực tế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa hồ sơ công bố và hoạt động thực tế. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm tại các địa phương còn hạn chế cả về nhân lực lẫn kinh phí, khiến công tác kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang tích cực tham mưu sửa đổi Nghị định 15 theo hướng tăng cường điều kiện công bố, phân loại chặt chẽ nhóm sản phẩm và nâng cao hiệu quả hậu kiểm. Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đang được rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung quy định về quảng cáo, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều sản phẩm được quảng bá sai sự thật trên mạng xã hội, thậm chí giả danh bác sĩ hoặc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

Bà Trần Việt Nga nhấn mạnh: “Để bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả, cần sự phối hợp từ ba phía: doanh nghiệp cần tuân thủ đạo đức và pháp luật, cơ quan quản lý phải tăng cường thanh kiểm tra, còn người dân cần trang bị kiến thức và tỉnh táo trong lựa chọn sản phẩm”. Theo bà, mỗi người tiêu dùng cần chủ động kiểm tra thông tin nhãn mác, nguồn gốc, số công bố và tra cứu cảnh báo từ cơ quan chức năng trước khi sử dụng sản phẩm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn thực phẩm chức năng có uy tín, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng và đã được công bố trên hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường sau sử dụng, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường thanh tra liên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm và siết chặt quản lý thị trường thực phẩm chức năng – với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img