Holocaust là tên gọi cuộc thảm sát của Đức Quốc xã đã cướp đi sinh mạng 6 triệu người Do Thái ở châu Âu. Sự kiện này là một chương đen tối, một vết nhơ không thể tẩy sạch trong lịch sử nhân loại, bởi nó minh chứng cho những gì con người có thể gây ra khi sự suy đồi đạo đức vượt qua lằn ranh lý trí. Vậy làm sao có thể tái hiện sự kiện kinh khủng ấy cho hậu thế thông qua phương tiện là… truyện tranh?
Graphic novel – tiểu thuyết tranh cho người lớn
Không ngoa khi nói sự xuất hiện của MAUS: Chuyện một kẻ sống sót vào thập niên 1980 – 1990 đã mở đường cho hàng loạt tác phẩm graphic novel có nội dung phản chiến khác.

MAUS: Chuyện một kẻ sống sót tái hiện Holocaust dưới dạng truyện tranh Ảnh: N.D
Graphic novel là thể loại chưa phổ biến ở VN. Thuật ngữ này cũng chỉ mới xuất hiện từ những thập niên cuối thế kỷ 20 tại phương Tây. Theo Britannica định nghĩa, graphic novel cũng là truyện tranh, nhưng hướng đến độc giả trưởng thành vì nội dung nghiêm túc và cách kể chuyện sâu sắc hơn. Do định kiến rằng truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi nên những người trong ngành buộc phải đặt ra thuật ngữ “graphic novel” nhằm mục đích tiếp thị và định vị lại truyện tranh cho đối tượng độc giả lớn tuổi. Trong khi đó, ở các thị trường đã hình thành văn hóa đọc truyện tranh như Pháp, Nhật Bản thì không có sự phân loại này.
Về mặt hình ảnh, MAUS thoạt nhìn có thể không bắt mắt vì toàn bộ tác phẩm được vẽ bằng mực đen, tạo nên không khí u ám, ngột ngạt. Các khung tranh dày đặc, lời thoại chi chít tưởng chừng dễ gây mỏi mắt. Thế nhưng nhờ lối dẫn dắt khéo léo và những chi tiết nhỏ đầy sức gợi, độc giả vẫn dễ dàng bị cuốn vào những sự kiện thăng trầm trong cuộc đời ông Vladek Spiegelman.
Tái hiện Holocaust
Sử dụng lối kể đan xen giữa hai dòng thời gian hiện tại và quá khứ, câu chuyện bắt đầu khi tác giả Art Spiegelman đã trưởng thành, đang theo nghề họa sĩ truyện tranh và cần thu thập tư liệu cho dự án MAUS của mình. Ông phỏng vấn người cha Vladek đang sống ở Mỹ, từ đó mở ra một quãng đời đầy đau đớn và mất mát mà người kể phải gắng gượng nhớ lại.
Lối kể kết hợp hai dòng thời gian và dùng loài vật làm biểu tượng giúp câu chuyện bớt nặng nề hơn. Các nhân vật Do Thái được khắc họa dưới dạng chuột, còn loài mèo tượng trưng cho lính Đức Quốc xã. Có lúc, nhằm tái hiện một cách tinh tế việc giả dạng danh tính trong thời chiến, tác giả vẽ những nhân vật người mang mặt nạ chuột, hoặc chuột mang mặt nạ lợn, mèo.
Qua lời kể của tác giả Art, hình ảnh Vladek hiện lên vô cùng sống động, một con người vừa khó ưa, vừa đáng ngưỡng mộ nhưng cũng nhiều lúc thật đáng thương. Mối quan hệ cha con giữa Art và Vladek không thực sự êm đẹp. Lớn lên trong thời bình, tác giả Art Spiegelman luôn cảm thấy mình không thể sánh bằng người cha đã sống sót trong thời chiến. Ông thừa nhận mình chọn nghề vẽ vì không muốn cạnh tranh với người bố “cái gì cũng biết”.
Sự vắng mặt của mẹ ông, bà Anja Spiegelman, như một bóng ma đè nặng lên cả câu chuyện. Cái hay của tác giả là thông báo trước cho độc giả về cái chết của mẹ ngay từ đầu. Thế nên ngay cả khi biết bố mẹ ông đều sống sót và đoàn tụ sau cuộc chiến, ta vẫn phải hiểu rằng: không có kết thúc “hạnh phúc mãi mãi” nào ở đây.
Khác với chồng mình, Anja bị tác động tâm lý nặng nề và chọn cách tự kết thúc đời mình khi cậu con trai Art vừa chạm tuổi trưởng thành.
Bị ám ảnh bởi sự ra đi của mẹ, cũng như cảm thấy bản thân không đủ sức tái hiện lại một giai đoạn tăm tối trong lịch sử nhân loại, chính Art cũng kiệt sức trong lúc thực hiện dự án MAUS. Đến đây, Art không chỉ đơn thuần là người vẽ lại trải nghiệm của bố, mà chính ông cũng là nạn nhân hứng chịu những dư chấn từ bi kịch quá khứ. Càng đi sâu vào tâm điểm ký ức của Vladek – trại tập trung Auschwitz – tác giả tự vấn phải chăng mình đã quá kiêu ngạo khi tham vọng tái hiện một thảm họa lịch sử mà chính ông còn chưa trải qua.
Trên hết, cuốn sách còn đặt ra một nan đề đáng suy ngẫm: sinh tồn trong chiến tranh liệu có phải là một cuộc đua kẻ thắng người thua? Rằng kẻ sống thì đáng ngưỡng mộ còn người chết thì kém cỏi?
Tác giả ngầm khẳng định sống chết trong chiến tranh hoàn toàn là sự ngẫu nhiên của số phận. Kẻ sống không phải người giỏi nhất, còn chết không có nghĩa là yếu đuối.
Có lẽ vì ý thức rõ những khía cạnh nhạy cảm trong việc khắc họa Holocaust, cũng như trọng trách của người truyền đạt, nên MAUS mới đem đến một câu chuyện đầy sức nặng đến vậy.
Quyển sách tranh của Art Spiegelman kể lại Holocaust bằng hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận, nhưng vẫn tái hiện nguyên vẹn nỗi đau và sự tàn bạo của cuộc diệt chủng, giúp người đọc ở mọi lứa tuổi có thể nhận thức về Holocaust như một vết thương chưa bao giờ thực sự khép miệng và vẫn tiếp tục rỉ máu trong ký ức nhân loại.
Nguồn: thanhnien.vn