Wednesday, May 14, 2025

Để thực hiện chính sách dạy 2 buổi/ngày hiệu quả

Việc miễn học phí và dạy học 2 buổi/ngày thể hiện sự quan tâm và đầu tư lớn của giáo dục. Nhưng làm thế nào để thực hiện chính sách này thực sự có hiệu quả là vấn đề toàn ngành giáo dục phải quan tâm.

NGÀNH GIÁO DỤC PHẢI LÀM GÌ TRƯỚC DỒN DẬP TIN VUI?

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh (HS), tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho HS phát triển toàn diện, được thực hiện ngay từ năm học 2025 – 2026.

Có thể thấy cùng với tin vui này, ngành giáo dục đón cả một “chuỗi” chính sách ưu đãi lớn trong gần 1 năm qua. Từ tháng 7.2024, do tăng hệ số mức lương cơ sở lên 2,34 nên lương giáo viên (GV) được cải thiện đáng kể, một số GV, tính cả tiền trợ cấp và phụ cấp khác, lên tới 30 triệu đồng/tháng.

Để thực hiện chính sách dạy 2 buổi/ngày hiệu quả

Buổi thứ 2 không phải dạy kiến thức mà là cách học, cách tự học và học tập suốt đời, kỹ năng sống

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

GV có lương thưởng tháng thứ 13 giúp cho việc khen thưởng cuối năm được thực hiện tốt hơn và thiết thực hơn. Ngay trong năm học 2025 – 2026 tới, trẻ mầm non và HS phổ thông trường công được ưu tiên, miễn phí khi đi học. Đối với các trường dân lập, tư thục được nhà nước hỗ trợ học phí bằng mức học phí của trường công lập tương ứng…

Cái được lớn nhất từ các chính sách mới là sự kỳ vọng môi trường giáo dục được lành mạnh; hiệu quả giáo dục được nâng lên một bước; tránh dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực trong hoạt động dạy học cũng vì thế mà không còn nữa.

Có thể nói, các nhà trường trong cả nước được tiếp tục bước sang một giai đoạn phát triển mới của giáo dục. Hiển nhiên, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho trụ cột phát triển quốc gia, yếu tố then chốt trong phát triển con người và là động lực chuyển hóa xã hội.

Vậy ngành giáo dục sẽ làm gì và làm như thế nào cho xứng tầm và xứng đáng với quốc gia, trong thời gian tới?

Trước hết, với những chính sách mới, phải gấp rút hoàn thành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương. Hiện nay còn khoảng 4 tháng, trước khi năm học mới 2025 – 2026 bắt đầu nên Bộ GD-ĐT phải thực hiện theo cách “vừa chạy, vừa xếp hàng”.

KHÁC BIỆT KHI DẠY 2 BUỔI/NGÀY Ở TIỂU HỌC VÀ THCS

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở THCS rất khác ở tiểu học. Ở THCS, một lớp có nhiều GV dạy, còn ở tiểu học một lớp có một GV. Tâm sinh lý lứa tuổi của HS hai cấp cũng rất khác nhau.

Vì thế, các nhà trường không thể rập khuôn cách tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở hai cấp này giống nhau được. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chuyển sang tổ chức trường học liên cấp tiểu học và THCS, do đó chúng ta đang quá tải cho việc ăn, nghỉ bán trú tại trường ở khối tiểu học thì không thể “gánh” thêm một số lượng lớn HS khối THCS.

Dạy học buổi thứ 2 ở trường sẽ dễ làm và đơn giản nếu GV chỉ tập trung dạy kiến thức theo cách cũ. Tuy nhiên sẽ khó hơn rất nhiều nếu các nhà trường thay đổi, dạy học phát triển năng lực HS. Khó không chỉ về chọn người dạy, chuẩn bị nội dung học tập mà còn các điều kiện về vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cho học tập. Dạy học đổi mới ngày nay là học qua làm, thực hành và trải nghiệm nên sẽ khó hơn nhiều nếu dạy kiến thức kiểu cũ, chỉ cần phấn trắng và bảng đen.

Phải tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và GV để xây dựng lộ trình cho triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở THCS. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, từ đây cũng cần đề phòng sự biến tướng của dạy thêm, học thêm mà Thông tư 29 đang siết chặt.

Vấn nạn lạm thu đầu năm nếu không chú ý quản lý, cũng có cớ nảy nở. Nhà nước phải bổ sung nhiều kinh phí chi cho cán bộ quản lý và GV làm việc quá giờ theo Thông tư số 05/2025 của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với GV phổ thông, dự bị đại học. Vì thế, chắc chắn, sắp tới ngân sách chi cho hoạt động quản lý và dạy học trong các nhà trường sẽ rất lớn.

Để thực hiện chính sách dạy 2 buổi/ngày hiệu quả

Việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí cho học sinh tiểu học và THCS sẽ thực hiện từ năm học 2025 – 2026

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

BUỔI 2 KHÔNG PHẢI DẠY KIẾN THỨC MÀ LÀ CÁCH HỌC

Vì vậy, trước hết địa phương phải thống nhất được các nguyên tắc dạy học miễn phí 2 buổi/ngày. Dạy buổi thứ 2 cho HS không phải dạy kiến thức mà là cách học, cách tự học và học tập suốt đời, dạy kỹ năng sống, dạy vận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình học và vào cuộc sống đời thường.

Nhiều nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển không có quan niệm học 1 hay 2 buổi như VN. Vì vậy, có thể thí điểm theo cách tổ chức học cả ngày của họ: Các nhà trường bắt đầu học khoảng 8 – 8 giờ 30 sáng, tới trước 14 giờ 30 sẽ tan học. Họ cũng không có khái niệm bán trú cho HS các trường phổ thông, mà HS mang thức ăn nhẹ tới trường hoặc mua ở căn tin gần trường hay ăn ở căn tin tự phục vụ trong trường.

Sự khác biệt này của các nước là do quy hoạch trường gần nhà dân. Sự tự chủ độc lập của HS rất cao do các em được rèn luyện ngay từ bé, từ giai đoạn học mẫu giáo. Gia đình chủ động, tự lo việc học tập của con em. 

Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày

Mới đây, Văn phòng T.Ư Đảng có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương. Có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí và giảm áp lực với HS, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho HS phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 – 2026.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn mới về dạy học 2 buổi/ngày trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đang tích cực hoàn thiện hướng dẫn để ban hành trong tháng 5 như kế hoạch đã công bố trước đó.

 Tuệ Nguyễn

Miễn học phí HS cả nước, cấp trực tiếp cho HS tư thục từ năm học 2025 – 2026

Ủy ban Văn hóa – Xã hội Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2 vào ngày 11.5 để cho ý kiến thẩm tra dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, trong đó có nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3 – 5 tuổi và miễn học phí cho HS từ mầm non tới THPT.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc xây dựng nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi và miễn học phí cho trẻ em mầm non và HS phổ thông là thể chế hóa chủ trương của T.Ư Đảng và Bộ Chính trị.

Đối với phương thức thực hiện miễn học phí cho HS cả nước từ năm học 2025 – 2026, ông Vinh cho hay, đối với HS tại các trường công lập thì đã thống nhất rất cao, ngân sách sẽ cấp bù cho trường để HS không phải đóng khoản học phí nữa.

Với khối ngoài công lập (trường tư thục hoặc dân lập với khối mầm non), Nhà nước sẽ tính chi phí tương đương để hỗ trợ cho HS ở khối này, đảm bảo HS cả nước dù học ở trường công hay trường tư đều được hưởng chính sách miễn học phí. Cũng theo ông Vinh, phương thức chi trả trực tiếp cho HS.

Ông Vinh cũng thông tin thêm, tại kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ quyết định thêm một chính sách nữa là việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho HS ở các xã biên giới.

Trước đó, tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá GD-ĐT và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận, thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho HS tiểu học và THCS ở các xã biên giới. Trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi.

Lê Hiệp

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img