Theo ông Nguyễn Văn Hòa, qua kinh nghiệm vụ án Trương Mỹ Lan, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã phối hợp Bộ Công an, tòa án, viện kiểm sát và các luật sư để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra.
“Cần phối hợp để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra”
Theo ông Hòa, qua kinh nghiệm từ vụ án Trương Mỹ Lan, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan C03 – Bộ Công an, tòa án, viện kiểm sát và các luật sư để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra nhằm đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM
ẢNH: NGUYỆT NHI
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng lưu ý về khó khăn, khi tại giai đoạn xét xử, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà chỉ căn cứ cáo trạng, kết luận điều tra để tuyên án, dẫn đến thi hành án gặp nhiều vướng mắc khi xử lý tài sản.
Ví dụ như bản án tuyên tài sản thuộc về người phạm tội, nhưng thực tế lại do người khác đứng tên dẫn đến tranh chấp; giấy phép dự án hết hạn do quá trình điều tra kéo dài; chưa có quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai; quy trình xử lý cổ phần, cổ phiếu thông qua kiểm toán hay thông qua định giá…
“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất xây dựng quy trình riêng cho xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để tận dụng lợi thế trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản. Tuy nhiên, đây vẫn là nội dung cần trao đổi và hoàn thiện”, ông Nguyễn Văn Hòa nói thêm.
Trong 3 năm, cơ quan thi hành án TP.HCM thu hồi trên 50.000 tỉ đồng
Theo ông Hòa, trước đây, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thi hành án chủ yếu tập trung vào tội danh và hình phạt. Song, hiện nay việc thi hành án đặc biệt chú trọng đến vấn đề thu hồi tài sản.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, công tác thi hành án kinh tế, tham nhũng tại TP.HCM chiếm tỷ lệ cao. Trong 3 năm gần đây, Cơ quan thi hành án TP.HCM đã thu hồi được trên 50.000 tỉ đồng, chiếm từ 76 – 96% tổng giá trị tài sản thu hồi của cả nước.
Đối với án kinh tế, tham nhũng ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt thì giá trị thu hồi tài sản đạt được bao nhiêu mới quan trọng. Kết quả thu hồi trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét; song vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ, nhiều đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản…
Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang phối hợp với cơ quan điều tra để thi hành án xử lý tài sản trước khi tuyên án theo tinh thần Nghị quyết 164/2024 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
“Còn nhiều bất cập trong định giá tài sản”
Liên quan những bất cập trong định giá tài sản, luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, cho rằng việc yêu cầu khi áp dụng phương pháp so sánh, đơn vị định giá phải khảo sát và thu thập thông tin về tài sản tương tự từ các phương tiện thông tin đại chúng sẽ dẫn đến những băn khoăn về tính pháp lý và xác thực của các nguồn thông tin này.
Chưa kể trong một số trường hợp, chứng thư thẩm định giá yêu cầu không chỉ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, mà theo yêu cầu của pháp nhân, đương sự có sự khác biệt về giá trị thẩm định từ chính các đơn vị thẩm định nằm trong danh mục do Bộ Tài chính cung cấp thì việc xác định giá của bất động sản để bán đấu giá được giải quyết như thế nào.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam
ẢNH: NGUYỆT NHI
Về thực tế thi hành và triển khai áp dụng, luật sư Hoài dẫn chứng ví dụ trong vụ án Trương Mỹ Lan có đến hơn 1.166 tài sản sử dụng để thế chấp cho các khoản vay.
Trong đó, chỉ có hơn 726 mã tài sản được định giá và kết quả định giá của các công ty cũng chênh nhau lên đến hơn 193.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều tài sản là cổ phần cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai không được xem xét định giá trong khi những tài sản này có giá trị rất lớn.
Bên cạnh đó, còn là sự khác biệt trong kết quả thẩm định giá đối với bất động sản của các công ty thẩm định giá. Theo luật sư Hoài, đã từng có vụ án được giải quyết nhưng khi so sánh kết quả định giá của hai công ty thẩm định giá thì lại có sự chênh lệch rất lớn, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo cũng như quá trình thi hành án.
Từ đó, luật sư Hoài đề xuất cần có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý; định giá tài sản theo giá thị trường; thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn; hoàn thiện quy định về thu thập thông tin khách quan, xác định thời điểm định giá, và hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù, đảm bảo tính thống nhất và có lợi cho người phạm tội. Ví dụ Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi tài sản trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Tại bản án phúc thẩm giai đoạn 1, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17.10.2022, tương đương số tiền 673.800 tỉ đồng.
Đối với bản án phúc thẩm giai đoạn 2, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền và 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp với bản án tử hình ở giai đoạn 1 của vụ án, buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, toàn bộ tiền chiếm đoạt từ hành vi phát hành trái phiếu, các bị cáo đều chuyển cho bị cáo Lan sử dụng vào các mục đích cá nhân, nên bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.
Liên quan vấn đề thi hành án, căn cứ vào Công văn số 1948/CTHADS-NV2 của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, tính đến ngày 24.3, về tiền mặt đã có hơn 8.659 tỉ đồng nằm trong tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và trong các tài khoản bị phong tỏa. Có hơn 15.383 tỉ đồng là tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Tổng số tiền theo Công văn 1948 là hơn 24.043 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn