Saturday, May 17, 2025

Chuyển dịch năng lượng xanh: Nền tảng “tư nhân hoá”

Cần cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn thúc đẩy đa dạng hoá các thành phần kinh tế đầu tư vào chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Chuyển dịch năng lượng xanh: Nền tảng “tư nhân hoá”

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Năng lượng T&T (T&T Energy), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)

Chia sẻ với DĐDN, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Năng lượng T&T (T&T Energy), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đánh giá, “tư nhân hóa” là hướng đi hiệu quả để thực thi nhanh các cam kết Net Zero, phát triển bền vững và chuyển dịch xanh lĩnh vực năng lượng.

Bà đánh giá thế nào về tiềm năng lĩnh vực năng lượng nói chung và công nghiệp phụ trợ năng lượng tại Việt Nam?

Với các điều kiện tự nhiên sẵn có, năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Hơn nữa, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo, yêu cầu về sản lương điện theo đó sẽ rất lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chúng ta cũng đã có cam kết rõ ràng về chuyển đổi năng lượng và đạt Net Zero vào năm 2050.

Bên cạnh đó, với các chủ trương chính sách như hiện nay, năng lượng tái tạo đang có môi trường phát triển rất thuận lợi. Đặc biệt, Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh mới đã đưa ra tổng công suất năng lượng tái tạo rất lớn trong tổng công suất nguồn điện. Cụ thể, mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) trong cơ cấu nguồn điện lên khoảng 28 – 36% vào năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ đạt mức ấn tượng 74 – 75%. Bên cạnh đó, tinh thần xuyên suốt của Quy hoạch là thúc đẩy khuyến khích đa dạng hoá thành phần đầu tư. Đây sẽ là nền tảng kiến tạo bức tranh phát triển lĩnh vực năng lượng mới cho các nhà đầu tư.

Cũng mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành chính sách về giá điện với yêu cầu lắp đặt hệ thống pin lưu trữ cho các dự án mới, đồng thời có cơ chế giá cho hệ thống pin này. Đó cũng là quy định nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống tích hợp pin lưu trữ, giải toả nhược điểm bất ổn hệ thống của năng lượng tái tạo. Các quy định đã tương đối rõ ràng, khoảng thời gian năm 2026-2030 sẽ là thời điểm phát triển mạnh mẽ của pin lưu trữ với các dự án. Bắt nhịp cơ hội đó, chúng tôi đang triển khai dự án về pin lưu trữ sản xuất tại Việt Nam với mục tiêu chiếm 40% – 50% thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, dự kiến ra mắt sản phẩm vào năm 2026.

Chuyển dịch năng lượng xanh: Nền tảng “tư nhân hoá”

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, ngành của hai nước, T&T Group đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc.

Dù nhiều tiềm năng nhưng T&T energy dường như chọn bước đi “khó” khi đầu tư vào pin năng lượng, thách thức của doanh nghiệp là gì thưa bà?

Trên thế giới và đặc biệt là Trung Quốc đã đầu tư vào sản xuất pin lưu trữ khoảng 10 năm nay, do đó các sản phẩm và thương hiệu của họ là khá mạnh. Do đó, thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh thị trường. Nhưng nếu chúng ta có hướng đi đúng đắn, cạnh tranh về giá, về chất lượng sản phẩm, nắm bắt rõ nhu cầu nhà đầu tư, thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ rất khuyến khích sản xuất mặt hàng pin tại Việt Nam, do các nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư, chắc chắn sẽ có cơ chế ủng hộ ưu đãi để doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh áp lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, doanh nghiệp năng lượng cũng phải đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng xanh, thưa bà?

Quá trình chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu với tất cả các lĩnh vực không riêng về năng lượng. Chúng ta không thể đi ngược mà phải có chiến lược đúng đắn, nắm bắt cơ chế chính sách để doanh nghiệp có lộ trình phù hợp nhất thực hiện kế hoạch về tăng trưởng xanh.

Với T&T Energy chúng tôi đã xác định ngay từ đầu là trọng tâm ưu tiên vào năng lượng sạch, tỷ lệ đầu tư năng lượng sạch của chúng tôi hiện chiếm hơn 90% các dự án. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 đạt được tổng công suất lắp đặt 18.000 – 20.000 Mw chiếm 10% tổng công suất lắp đặt nguồn điện.

Vậy theo bà, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút dòng đầu tư vào chuyển đổi xanh lĩnh vực năng lượng như thế nào?

Việt Nam hiện đã quan tâm và có những chính sách tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuy nhiên chúng tôi vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi khi chuyển dịch năng lượng xanh đòi hỏi sự bền vững, nhưng đã có những thời điểm mà quy định chính sách đối về năng lượng thay đổi và khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Như do dịch Covid-19, có gần 100 dự án không “cán đích” thành công để hưởng giá ưu đãi – giá FIT và phải chờ đợi tháo gỡ rất lâu, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Chúng tôi mong muốn Chính phủ quan tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp có thêm niềm tin, cơ chế đủ mạnh đủ hấp dẫn để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Đồng thời, có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân trong nước tiếp cận các dự án liên kết khu vực. Tăng cường xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát triển các quỹ tài chính xanh, quỹ hợp tác năng lượng hỗ trợ các dự án xuyên quốc gia trong khu vực.

Trân trọng cảm ơn bà!

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img