VTV.vn – Những tác động từ thuế quan cũng như biến động thương mại toàn cầu đang khiến mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% năm 2025 của kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều thách thức lớn.
Linh hoạt thích ứng
Thời hạn 90 ngày hoãn thuế đối ứng từ Mỹ là khoảng “thời gian vàng” cho cả doanh nghiệp và các ngành lên các phương án không chỉ là ứng phó cấp bách, mà còn là hướng đi lâu dài. Ngành gỗ – một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất khi bị áp mức thuế cao cũng như tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt gần 50%, đang tận dụng khoảng thời gian quý giá này để tìm những hướng đi mới.
Như tại Công ty Kim Gia, doanh nghiệp này cho biết đang sản xuất tăng ca để sớm trả hết các đơn hàng quý II. Bộ phận kinh doanh đã phải lên 2 phương án cấp bách: tìm nhà cung cấp nguyên liệu với chi phí rẻ hơn và giảm biên độ lợi nhuận để cạnh tranh được với các đối thủ Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
“Công ty có thể cắt biên độ lợi nhuận 7-10%, cố gắng tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất cũng như chi phí logistics liên quan từ đó giảm chi phí cho khách hàng”, ông Nguyễn Ngọc Hưởng, Giám đốc Công ty Kim Gia nói về định hướng sản xuất trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Việt đang nhanh chóng xem xét tăng các mặt hàng, sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là sản phẩm gỗ như gỗ xẻ, gỗ tròn… để cân bằng cán cân thương mại. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cùng các doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia các cuộc điều trần nếu như phía Mỹ yêu cầu chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ bổ trợ cho nhau.

Thị trường xuất khẩu bị tác động bởi biến động thuế quan (Ảnh: TTXVN)
Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cũng khuyến nghị trong thời gian 90 ngày, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ trung chuyển, giao hàng, để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao.
Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng phương án mở rộng thị trường mới, dần thay thế thị trường Mỹ, với trọng tâm hướng tới các khu vực tiềm năng như ASEAN, Trung Đông, Hàn Quốc và EU.
Trước những biến động khó lường từ thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2024.
Kết thúc quý I/2025, với tốc độ tăng trưởng 6,93%, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực, các động lực tăng trưởng duy trì đà tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Nhưng thách thức đang đến gần, thuế đối ứng, thuế bổ sung 10% từ Mỹ đang phủ bóng lên thương mại toàn cầu, cạnh tranh thương mại gia tăng, Việt Nam liệu có giữ được nhịp tăng trưởng để hoàn thành mục tiêu tăng GDP trên 8% trong năm 2025?
Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế
Đánh giá “sức khỏe” nền kinh tế, ông Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, con số tăng trưởng 6,93% tuy chưa đạt kỳ vọng theo kịch bản đề ra, nhưng đây là mức tăng ấn tượng khi cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây.
“Trong nhiều năm qua, xu hướng của nền kinh tế, quý I thường tăng ở mức thấp, các quý còn lại dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn. Do vậy, nếu không có những tác động bất thường, nếu các ngành, lĩnh vực vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng như hiện nay thì hoàn toàn có thể kỳ vọng những quý sau sẽ đạt được kết quả cao hơn để tiến tới mục tiêu tăng trưởng trên 8%”, ông Hoàng Văn Cường nhận định.

Ông Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Về các động lực tăng trưởng, ông Hoàng Văn Cường cho rằng cả cung và cầu của nền kinh tế đều cho thấy dấu hiệu hồi phục tốt. Khu vực nông nghiệp trong quý I đạt mức tăng 3,7% – mức tăng nhiều năm qua không đạt được. Còn công nghiệp tăng mạnh tới 7,8%, cao hơn nhiều so với 5,9% cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng 9,5% – năm 2024 chỉ khoảng 6%…
Phía cầu cũng tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, du lịch – một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cũng ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ.
Song, theo ông Hoàng Văn Cường, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức đến từ bên ngoài. Chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế xem xét lại kịch bản tăng trưởng tìm cách ứng phó. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 1%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2025 từ 3,3% xuống 2,8% – thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Nhìn ở góc độ khác, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đang tạo cho Việt Nam một thế và lực đặc biệt, khi là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Dù chính sách thuế của Mỹ có thể khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhưng Việt Nam lại có lợi thế trong việc thu hút các ngành công nghệ cao, sản xuất có giá trị gia tăng.
“Đây là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, không lún quá sâu vào con đường lao động giá rẻ. Cần chuyển sang đầu tư vào những lĩnh vực mới, những lĩnh vực có thể tạo ra một chuỗi cung ứng trọn vẹn để có giá trị gia tăng cũng như năng suất lao động cao hơn. Đây là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Tiêu dùng nội địa – động lực vô cùng quan trọng
Trong bối cảnh xuất khẩu cũng như dòng vốn FDI dự báo chịu tác động tiêu cực từ thuế quan, tiêu dùng nội địa được xem là động lực vô cùng quan trọng.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức khi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.

Tiêu dùng nội địa được xem là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế năm 2025
“Với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Nêu quan điểm về phát triển thị trường nội địa, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đây là thị trường đầy hấp dẫn với hơn 100 triệu dân cùng phân khúc thu nhập trung bình, khá ngày càng chiếm số đông.
Đại diện VCCI đánh giá, trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang được các nước dựng lên bên cạnh những yếu tố bất trắc, thị trường trong nước là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam. Doanh nghiệp muốn vững chắc cần phải đi bằng “hai chân” – thị trường nước ngoài và trong nước.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn là nguy cơ chuyển hướng thương mại. Rất nhiều hàng hóa từ các nước láng giềng, khi không xuất vào được Mỹ sẽ xâm nhập vào thị trường các nước khác, đặc biệt là thị trường Việt Nam. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Việt Nam gia nhập nhiều FTA, nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ nên sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà rất khốc liệt. Các doanh nghiệp cần luôn trong tâm thế phải phát triển, giữ được thị trường trong nước”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!