Friday, May 23, 2025

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Ở trung tâm TP.HCM, không khó để chúng ta bắt gặp những trạm điện mang kiến trúc của Pháp có in nổi chữ CEE. Vậy chữ CEE có nghĩa là gì?

Dạo quanh các tuyến đường nội đô TP.HCM như Pasteur, Nguyễn Du… đến các tuyến đường quanh nhà thờ Đức Bà (Q.1) không khó để bắt gặp những trạm biến áp nhỏ bé, nép mình dưới bóng cây với bức tường sơn màu be, vàng hoặc xanh đậm. 

Trên mặt tiền của các trạm nổi bật với chữ CEE vừa lạ lẫm với giới trẻ, vừa quen thuộc với những ai gắn bó với TP.HCM lâu năm.

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Trạm biến áp chữ CEE ở đường Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM) mang kiến trúc Pháp

ẢNH: UYỂN NHI

Chữ CEE ở các trạm điện nghĩa là gì?

3 chữ cái CEE là dấu tích từ thế kỷ trước, khi TP.HCM có nhà máy điện đầu tiên và cả thành phố bước vào một giai đoạn mới. Chữ CEE (viết tắt từ Compagnie d’Électricité d’Indochine), tức là Công ty điện lực Đông Dương. Đây là một công ty của Pháp, có trụ sở chính tại Paris, chính thức đặt văn phòng điều hành tại Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ 20.

Để tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Công ty CEE, chúng tôi lật giở cuốn sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của tác giả Trần Hữu Quang, được biết nhà máy điện đầu tiên ở TP.HCM được xây dựng năm 1896 và khánh thành sau 1 năm bởi ông Hermenier và một số nhà đầu tư Pháp. Công trình đặt tại khu vực gần đường Hai Bà Trưng, phía sau Nhà hát TP.HCM, P.Bến Nghé, Q.1 (hiện nay là trụ sở Tổng công ty điện lực miền Nam).

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Trạm CEE trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM)

ẢNH: UYỂN NHI

Đến năm 1906, Công ty điện lực Sài Gòn lúc này đã trở thành Công ty nước và điện Sài Gòn.

Chỉ 3 năm sau, Công ty điện nước Đông Dương (CEE) chính thức hoạt động và tiếp quản hệ thống điện tại Sài Gòn và Chợ Lớn, thay thế cho Công ty nước và điện Sài Gòn lẫn Điện lực Viễn Đông.

Công ty CEE không chỉ phục vụ cho Sài Gòn – Chợ Lớn, mà còn mở rộng dịch vụ sang Phnom Penh (Campuchia), nhiều tỉnh Nam bộ và khu vực Nam Trung bộ.

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Trạm CEE trên đường Cách mạng Tháng 8 (Q.1, TP.HCM)

ẢNH: UYỂN NHI

Tháng 5.1909, CEE bắt đầu xây dựng nhà đèn Cầu Kho, đây là nhà máy phát điện lớn đặt bên rạch Bến Nghé. Công trình được hoàn thành vào năm 1912, cùng năm với việc khánh thành nhà đèn Chợ Quán (nằm giữa cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Văn Cừ, Q.5) có công suất lên tới 5.000 kW.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, công ty này tiến hành cải tiến toàn bộ hệ thống. Từ năm 1932, họ bắt đầu thay thế dòng điện một chiều bằng dòng điện xoay chiều và hoàn tất quá trình chuyển đổi này vào năm 1937, giúp điện năng truyền tải mạnh mẽ và ổn định hơn cho toàn đô thị.

Với quy mô lớn và vai trò tiên phong, “nhà đèn xưa” này được cấp quyền khai thác đặc nhượng trong vòng 35 năm (tính từ năm 1932 đến năm 1967). Đúng như thỏa thuận, khi đặc nhượng kết thúc, đến năm 1967, một công ty mới mang tên Sài Gòn Điện lực Công ty được thành lập để kế nhiệm CEE.

Chỉ 3 năm sau, Sài Gòn Điện lực Công ty và Điện lực Việt Nam được sáp nhập, hình thành nên Công ty điện lực Việt Nam, đảm nhận việc phân phối điện trên toàn miền Nam.

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Chữ được xây nổi trên các trạm điện

ẢNH: UYỂN NHI

Dấu tích hơn 1 thế kỷ giữa lòng TP.HCM

Hiện nay trên các trạm điện ở mỗi địa chỉ sẽ gắn với tên gọi khác nhau như: trạm nông sơn, trạm quốc hội, trạm an ninh, trạm đô chính…

Dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, không ít trạm biến áp xưa được xây dựng hơn 10 thập kỷ trước vẫn đang bền bỉ hoạt động giữa lòng thành phố hiện đại. Trên mặt tường, chữ CEE vẫn hiện rõ dù nhiều nơi lớp sơn đã bong, thậm chí bị graffiti phủ kín.

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Chữ CEE gần 100 tuổi trên các trạm điện kiểu Pháp ở TP.HCM nghĩa là gì?

Các trạm điện áp có ở khắp trên các tuyến đường TP.HCM

ẢNH: UYỂN NHI

Trong dòng chảy hối hả của đô thị, những trạm điện CEE không còn nằm trong tâm điểm chú ý. Nhưng chúng là “nhân chứng sống” vừa có giá trị kỹ thuật, vừa chứa đựng tinh thần đô thị, gắn với bản sắc lịch sử.

Một số trạm điện đã được tích hợp vào mạng lưới điện hiện đại. Một số khác đã dừng hoạt động, nhưng vẫn được giữ lại như những “hộp thời gian” nép mình dưới gốc cây cổ thụ để chúng ta nhớ về Sài Gòn – TP.HCM một thuở.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img