VTV.vn – Khánh Hòa – xứ Trầm hương có bề dày văn hóa, lịch sử với những lễ hội truyền thống độc đáo, phản ánh đời sống tinh thần cộng đồng phong phú của người dân nơi đây.
Ẩn sau vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, Khánh Hòa – xứ Trầm hương còn có bề dày văn hóa, lịch sử với những lễ hội truyền thống độc đáo, phản ánh đời sống tinh thần cộng đồng phong phú của người dân nơi đây. Từ tháng Ba âm lịch, Khánh Hòa như bừng tỉnh, rộn ràng bước vào mùa lễ hội lớn nhất và được mong chờ nhất trong năm.
Am Chúa – Khai màn lễ Mẫu tháng Ba
Tọa lạc trên núi Đại An (hay còn gọi là núi Dưa) yên bình thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Di tích quốc gia Am Chúa không chỉ là một thắng cảnh mà còn là cội nguồn của huyền thoại về Thánh Mẫu Thiên Y A Na – người Mẹ Xứ sở đã dạy dân cày cấy, dệt vải, chở che cho cuộc sống người dân. Câu nói “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ, khẳng định vị trí khởi nguồn thiêng liêng của nơi này. Hằng năm, cứ vào những ngày đầu tiên của tháng Ba âm lịch (Mùng 1 đến Mùng 3), hàng ngàn người dân địa phương cùng du khách và các đoàn hành hương từ khắp mọi miền đất nước lại nô nức tìm về Am Chúa. Lễ hội được cử hành với đầy đủ nghi thức cổ truyền, thể hiện lòng thành kính sâu sắc. Phần Lễ diễn ra trang nghiêm với Lễ Tế cổ truyền do các bậc cao niên trong làng chủ trì, tái hiện những nghi thức tế tự xa xưa. Phần Hội lại mang đến không khí tưng bừng, rộn rã với âm thanh của trống, phách réo rắt trong các giá Chầu văn, Hát văn, những điệu Múa bóng uyển chuyển và tiếng trống lân rộn ràng. Lễ hội Am Chúa không chỉ là một sự kiện tín ngưỡng, mà còn là dịp để cộng đồng ôn lại cội nguồn, thắt chặt tình đoàn kết và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo.

Lễ hội Am Chúa trên núi Đại An, Diên Khánh, Khánh Hòa.
Tháp Bà Ponagar – Đầy màu sắc và cuốn hút
Tiếp nối mạch nguồn thờ Mẫu, Lễ hội Tháp Bà Ponagar (thường diễn ra từ 20-23/3 âm lịch) tại khu di tích Tháp Bà Ponagar cổ kính ở Nha Trang được xem là đỉnh cao của mùa lễ hội tháng Ba, nơi Mẹ Xứ Sở “hiển thánh”. Các nghi lễ chính như Lễ thay y cho tượng Mẫu, Lễ thả hoa đăng, tế cổ truyền… diễn ra vô cùng trang trọng. Đặc biệt, các sân khấu Múa Bóng tại Tháp Bà quy tụ những nghệ nhân tài hoa từ khắp nơi, tạo nên một không gian nghệ thuật dân gian – tâm linh đầy màu sắc và cuốn hút, thể hiện lòng tôn kính và ước vọng của con người gửi đến Thánh Mẫu.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar tại di tích Tháp Bà Ponagar cổ kính.
Lễ hội các đình làng Diên Khánh
Không chỉ có Am Chúa, vùng đất Diên Khánh cổ kính còn lưu giữ đậm nét văn hóa làng xã qua hệ thống đình làng và các lễ hội truyền thống tại đây. Hầu như mỗi làng cổ đều có một ngôi đình thờ Thành Hoàng (vị thần bảo trợ của làng) cùng các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng. Lễ hội lớn nhất tại các đình thường là Lễ kỳ yên (cầu an) hoặc lễ tế Xuân, tế Thu, diễn ra vào những thời điểm khác nhau trong năm (thường là mùa Xuân hoặc mùa Thu). Phần Lễ trang trọng với các nghi thức tế tự cổ truyền, dâng vật phẩm thể hiện lòng biết ơn thần linh và tiền nhân. Phần Hội thường sôi nổi với các màn biểu diễn hát bội (hát tuồng) đặc sắc ngay tại sân đình, cùng với múa lân và các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo bà con trong làng và các vùng lân cận tham gia. Lễ hội đình làng chính là dịp để người dân hướng về cội nguồn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Lễ hội đình làng là dịp để người dân hướng về cội nguồn.
Độc đáo lễ hội Đảo Yến – Hòn Nội
Một sắc màu lễ hội rất riêng của Khánh Hòa không thể không nhắc tới là Lễ hội Đảo Yến, thường được tổ chức vào khoảng ngày 10/5 âm lịch tại Đảo Yến – Hòn Nội. Đây là dịp để tri ân, tưởng nhớ công đức của các bậc Thủy tổ, Thánh mẫu và các vị tiền nhân đã có công khai sinh, phát triển nghề khai thác yến sào đầy gian nan nhưng cũng rất tự hào của xứ Trầm Hương (tiêu biểu như ông Lê Văn Đạt thời Tây Sơn). Lễ hội thường bao gồm các hoạt động trang trọng như đoàn thuyền rước lễ ra đảo, lễ tế tại Đền thờ Tổ nghề trên đảo, dâng hương, thả hoa đăng… Lễ hội không chỉ tôn vinh một ngành nghề truyền thống độc đáo, cầu mong sự phát triển bền vững mà còn kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa, tâm linh và quảng bá du lịch sinh thái biển đảo. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa của người dân Khánh Hòa còn gắn liền với biển cả qua Lễ hội Cầu Ngư – tín ngưỡng thờ Cá Ông (Ngài) sâu sắc của cộng đồng ngư dân ven biển, thể hiện qua các nghi lễ trang trọng tại Lăng Ông và phần hội náo nhiệt cầu mong những chuyến biển bình an, bội thu.

Lễ hội Đảo Yến – tri ân, tưởng nhớ công đức của các bậc Thủy tổ, Thánh mẫu và các vị tiền nhân đã có công khai sinh, phát triển nghề khai thác yến sào.
Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển
Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển năm 2025 dự kiến diễn ra xuyên suốt tháng trong 6/2025, với hơn 30 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc. Trong đó nổi bật có các hoạt động: Đại nhạc hội và bắn pháo hoa tầm cao, chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, các lễ hội đặc sản bản địa như Yến sào, Trầm hương, lễ hội ẩm thực quốc tế, chuỗi giải thể thao biển, các cuộc thi sắc đẹp uy tín, cùng Carnaval diễu hành xe hoa… Không gian sự kiện, tạo điều kiện để người dân và du khách dễ dàng tham gia, trải nghiệm. Qua đó, khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa – du lịch biển hàng đầu cả nước, đồng thời xây dựng hình ảnh một Khánh Hòa năng động, hội nhập, mến khách và giàu bản sắc. Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển 2025 được kỳ vọng không chỉ thu hút hàng triệu lượt khách, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về một Khánh Hòa mới – nơi giao thoa văn hóa, khơi nguồn sáng tạo và kết nối toàn cầu.

Lễ hội Văn hóa – Du lịch biển năng động, hội nhập, mến khách và giàu bản sắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!