Trong khi Khánh Hòa đang áp dụng mô hình quản lý cảng cá hiệu quả, hướng đến truy xuất nguồn gốc thủy sản rõ ràng và tuân thủ quy định chống khai thác IUU, thì Ninh Thuận vẫn loay hoay với tình trạng tàu “né” cảng, cơ sở vật chất xuống cấp.
105 km và 4 cảng cá được đầu tư gồm cảng Cà Ná (cảng loại 2) thuộc địa bàn H.Thuận Nam; cảng Đông Hải (cảng loại 3) thuộc địa bàn TP.Phan Rang-Tháp Chàm; cảng Ninh Chữ (cảng loại 2) và cảng Mỹ Tân (cảng loại 3) thuộc địa bàn H.Ninh Hải, Ninh Thuận có đủ tiềm năng để quản lý hiệu quả hoạt động của hơn 2.450 tàu cá. Tuy nhiên, nghịch lý đang diễn ra là sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh.

Khai thác cá ngừ qua cảng cá Hòn Rớ, TP.Nha Trang
Ảnh: Hiền Lương
Nguyên nhân chính, theo ông Lê Hồng Phong, Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) cảng cá Ninh Thuận, là sau khi khai thác thủy sản, ngư dân thường đưa tàu vào các bãi ngang như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Mỹ Hiệp, Phú Thọ… tiện lợi hơn về khoảng cách và thời gian. Điều này khiến công tác xác lập nguồn gốc thủy sản gặp nhiều khó khăn. Việc không ghi chép nhật ký khai thác, không cập cảng theo quy định khiến công tác giám sát sản lượng thủy sản bị thiếu dữ liệu và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy tắc quốc tế.
Mặc khác, các cảng cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động đã nhiều năm, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, không còn đáp ứng tiêu chuẩn ngành nhưng do đơn vị đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính 100%, chỉ đáp ứng cho chi thường xuyên nên không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục, nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Ngoài ra, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) cũng chưa được triển khai đồng bộ. Nhiều chủ tàu không quen thao tác với phần mềm, hoặc thiếu thiết bị kết nối, khiến việc cập nhật dữ liệu chậm trễ, sai lệch. Dù Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền, nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, cho biết đơn vị đang phối hợp các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, vận động chủ tàu cá chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), nhất là việc ghi, nộp nhật ký khai thác/nhật ký thu mua, chuyển tải; không cho tàu thuyền cập bến tại bãi ngang…
Khánh Hòa từng bước hiện đại hóa quản lý cảng cá
Khác với những khó khăn trong quản lý tàu cá cập cảng tại một số tỉnh, Khánh Hòa đang từng bước hiện đại hóa công tác này, tạo nền tảng vững chắc cho nghề cá phát triển bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 5 cảng cá chính, trong đó cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang) và Đá Bạc (TP.Cam Ranh) đã được Bộ NN-MT công nhận đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Đây là tiền đề quan trọng để Khánh Hòa kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hải sản, góp phần chống khai thác IUU.
BQL các cảng cá tại Khánh Hòa đã thiết lập quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với tàu cá xuất, nhập cảng, đảm bảo 100% tàu thực hiện thông báo trước 1 giờ. Lực lượng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu và sản lượng bốc dỡ, tuân thủ nghiêm ngặt luật Thủy sản và các thông tư hướng dẫn.
Đặc biệt, Khánh Hòa đã triển khai hiệu quả việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp và chủ nậu vựa thu mua trực tiếp tại cảng. Quy trình này được hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đối với hàng hóa xuất khẩu, quy trình cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện nhanh chóng và minh bạch thông qua hệ thống hồ sơ điện tử E-Office của Sở NN-MT.
Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay cho thấy riêng BQL cảng cá Hòn Rớ đã kiểm tra cấp xác nhận nguyên liệu cho gần 2.700 tấn hải sản. Chi cục Thủy sản, biển và hải đảo đã cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 98 lô hàng (hơn 1.050 tấn), phần lớn trong số đó xuất khẩu sang thị trường EU, vốn đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ hồ sơ xác nhận và chứng nhận đều được lưu trữ đầy đủ và hệ thống, dễ dàng truy xuất khi có yêu cầu.
Toàn tỉnh hiện có 3.414 tàu cá đã được đăng ký, đạt tỷ lệ 100%, được cập nhật đầy đủ lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase. Tỷ lệ tàu đủ điều kiện cấp phép khai thác đạt gần 100%. Tỉnh cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho gần như toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, đồng thời tăng cường kiểm tra, thẩm định an toàn thực phẩm cho đội tàu này.
Với cách làm chặt chẽ và khoa học, tỉnh Khánh Hòa đang vững bước trên con đường hiện đại hóa nghề cá, tạo dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Kinh nghiệm và cách làm hiệu quả từ Khánh Hòa có thể là kinh nghiệm quý giá để các tỉnh ven biển khác tham khảo, cùng nhau nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU và phát triển nghề cá một cách bền vững.
Bình Thuận chỉ có cảng cá Phan Thiết hội đủ tiêu chuẩn
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn chỉ có cảng cá Phan Thiết đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về xuất khẩu thủy sản sang EU. Ngoài ra, các cảng cá như Phú Hài, La Gi, Phan Rí Cửa chủ yếu chỉ định cho tàu trên 15 m vào cập bến để bốc dỡ thủy sản, và hiện cơ quan chức năng đang làm thủ tục để được công nhận đạt tiêu chuẩn cho các cảng cá này.
“Do vậy, tàu cá của ngư dân bán cá ngoài khơi cho các tàu thu mua, thì tàu thu mua phải có nhật trình ghi chép rõ ràng, sau đó đem thủy sản vào cảng chỉ định mới được công nhận xuất xứ”, một lãnh đạo Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho hay. Cũng theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện nay tỉnh đang kiến nghị Chính phủ công nhận cảng Phú Quý đủ điều kiện cho tàu cá trên 15 m của ngư dân ngoài đảo Phú Quý cập cảng bốc dỡ thủy sản đúng quy định. “Hiện nay, sở dĩ Bình Thuận có rất ít cảng đạt tiêu chuẩn do yêu cầu về hạ tầng các cảng cá đều không đạt, nhất là về hệ thống xử lý nước thải”, lãnh đạo này nói thêm.
Quế Hà
Cảng cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều nhưng cần nâng cấp
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có tổng cộng 10 cảng cá, nằm ở TP.Vũng Tàu, H.Xuyên Mộc, H.Long Đất và H.Côn Đảo. Trong đó, có 5 cảng đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (cảng Bến Đá, Incomap, Cát Lở, Tân Phước, Lộc An).
Ông Nguyễn Bi, Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát được hơn 3.200 lượt tàu cá cập cảng, trên 4.200 lượt tàu cá rời cảng. Tổng sản lượng thủy sản được giám sát qua cảng gần 26.000 tấn; cấp 65 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho hơn 1.000 tấn. Cũng theo ông Bi, ngoài tiếp nhận tàu cá địa phương thì có nhiều tàu cá ở các tỉnh Bình Định, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… và miền Tây cũng cập cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu để lên hàng.
Tuy nhiên, theo các chủ tàu cá, dù có nhiều cảng nhưng đa số cảng cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị cạn, tàu cá vào, ra cảng phải đợi nước lên mới vào neo được. “Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải nâng cấp cảng cá, nạo vét luồng lạch, xây dựng đê chắn sóng để phục vụ cho tàu cá khi vào cảng tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Nhỏ (ở H.Long Đất), chủ của 6 tàu đánh bắt hải sản vùng khơi xa, đề nghị.
Nguyễn Long
Nguồn: thanhnien.vn