Saturday, May 24, 2025

Bộ trưởng GD-ĐT: ‘Mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt’

Bộ trưởng GD-ĐT bày tỏ: ‘Chúng tôi mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt, nên chủ trương bố trí phân bổ các trường công chất lượng tốt ở khu vực ngoại thành, đông dân cư’.

Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non. Ủng hộ tính chất cần thiết và nhân văn của chủ trương phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3 – 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) băn khoăn khi đối tượng tập trung vào nhóm 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến lớp chủ yếu là trẻ vùng sâu vùng xa. 
Bộ trưởng GD-ĐT: 'Mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt'

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội)

ẢNH: GIA HÂN

Theo ông, cần bổ sung thêm trẻ em con nhà lao động tự do như phụ hồ, giúp việc gia đình, bán hàng rong, nhặt rác… Đây là những gia đình rất khó khăn, thu nhập thấp. 

Mặt khác, để chương trình đạt hiệu quả thì khi tổ chức thực hiện phải phân công cụ thể, triển khai phải tận tụy, chính quyền địa phương phải vào cuộc, nắm rõ địa bàn và hướng dẫn người dân.

Còn theo đại biểu Trương Xuân Cừ, mục tiêu của giáo dục mầm non với miền núi chủ yếu là để phổ cập, để học tiếng Việt. 

“Năm 2003 tôi đi kiểm tra mấy trường ở trung tâm xã của miền núi, nói một em học sinh đứng lên đọc, nhưng cậu lớp trưởng đứng dậy bảo thầy ơi bạn đó không biết chữ đâu. Nhiều trẻ em miền núi thậm chí đến lớp 7 chưa nói thạo tiếng Việt”, ông cho hay.

Từng gắn bó 25 năm với ngành giáo dục, theo ông Cừ, việc phổ cập mầm non với khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi rất quan trọng. Bên cạnh đó, lao động tự do nếu không được hỗ trợ thì việc học tập của con cái họ cũng rất khó.

Tuy nhiên, ông cho rằng, các tỉnh, thành cần xây dựng đề án phù hợp với từng địa phương. Như miền núi sáp nhập 3 xã, mỗi người ở cách xa nhau cả quả đồi, chỉ có 4 – 5 cháu thì đặt điểm trường ở đâu, huy động giáo viên ra sao? 

Hướng đến giáo dục công lập không thu học phí

Góp ý thêm với chính sách miễn học phí, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, đã “ưu việt thì ưu việt hết”. Nếu đã miễn học phí các trường công lập thì các loại phí khác của trường công lập như học thêm cũng nên giảm tối đa. 

Chia sẻ với ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nghị quyết phổ cập mầm non dự kiến triển khai trong 5 năm, nên nhiều đại biểu lo lắng là đúng vì cần nhiều nguồn lực, triển khai công phu. 

Ông cũng đồng tình với đại biểu Trương Xuân Cừ về việc phổ cập mầm non rất quan trọng ở khu vực miền núi để đưa các cháu đến lớp dạy tiếng Việt.

Về băn khoăn khi miễn học phí trường công có khiến học sinh trường tư chạy sang công lập không, theo Bộ trưởng GD-ĐT, tỷ lệ học sinh tại khu vực công lập rất cao. Nhiều trường công lập tại Hà Nội học sinh phải xếp hàng để vào học. 

Chưa kể, theo ông Sơn, nhiều trường tư đã khẳng định được danh tiếng không kém trường công, nên không cần quá lo lắng việc dịch chuyển từ trường tư sang trường công gây áp lực lên hệ thống trường công.

Bộ trưởng GD-ĐT: 'Mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt'

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

ẢNH: GIA HÂN

“Chúng tôi mong muốn cuộc cạnh tranh vào trường công giảm bớt, nên chủ trương bố trí phân bổ các trường công chất lượng tốt ở khu vực ngoại thành, đông dân cư”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.

Thông tin thêm về đề xuất các trường học công lập ngoài miễn học phí thì cũng hạn chế các khoản thu khác, theo Bộ trưởng Sơn, hiện đã có quy định không thu học phí với 3 đối tượng học thêm. Cụ thể, học sinh còn yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và đối tượng chuẩn bị thi tốt nghiệp đều không thu học phí. 

“Tổng Bí thư đã chỉ đạo lên phương án tổ chức buổi học thứ 2 không thu học phí. Bộ GD-ĐT chuẩn bị phương án với tinh thần không thu học phí của học sinh, sẽ triển khai bắt đầu từ năm học mới, hướng đến giáo dục công lập không thu học phí”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, và cho hay, hiện kinh phí cho giáo dục tối thiểu đạt 20% ngân sách, trong đó 18% chi cho lương giáo viên toàn hệ thống.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img