Sunday, May 25, 2025

Tái tạo ngôi nhà của biển

VTV.vn – Hành trình trả lại sự sống trong lòng đại dương được Nguyễn Thụy Vũ và các cộng sự bắt đầu tại chính nơi môi trường thiên nhiên bị hủy hoại.

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km, trong đó có hơn 1.100km2 rạn san hô gần bờ. Sống cùng với hệ sinh thái này có 400 loài cá cùng nhiều hải sản quý và trên 2.000 loài sinh vật đáy. Đây cũng là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của hệ động thực vật biển. Tuy nhiên, hệ sinh thái rạn san hô gắn với giá trị cốt lõi của biển Việt Nam đang bị bức tử bởi lối khai thác hủy diệt, sức ép từ san lấp xây dựng, chất thải ven bờ.

Những lời “kêu cứu” của san hô đã bắt đầu cho ý tưởng của Nguyễn Thụy Vũ cùng nhóm bạn trẻ yêu biển. 8 năm trước, công việc được Nguyễn Thụy Vũ tập trung nghiên cứu khiến nhiều người cho là không bình thường. Nhưng điều không bình thường với người khác lại là lẽ đương nhiên đối với Vũ cũng như đối với bất cứ ai xót xa khi chứng kiến san hô bị hủy hoại. Anh chia sẻ: “Càng đi nhiều nơi khắp vùng biển Việt Nam, chúng tôi càng thấy có rất nhiều vùng rạn san hô bị hủy hoại, rác và chất thải tràn ngập ven bờ. Chúng tôi phải hành động nhanh để cứu lấy môi trường biển, phải tái tạo san hô theo cách tự nhiên bằng các vườn ươm bởi tái tạo tự nhiên là cách duy nhất để phục hồi rạn san hô bền vững”.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 1.

Nguyễn Thụy Vũ cùng nhóm bạn trẻ yêu biển.

Hành trình tái tạo ngôi nhà chung của biển

Hành trình trả lại sự sống trong lòng đại dương được Vũ và các cộng sự bắt đầu tại chính nơi môi trường thiên nhiên bị hủy hoại. Theo Vũ, vùng biển có rạn san hô bị hủy hoại là nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất để tái tạo. 

Ở vịnh Nha Trang, khu vực biển này có tên là Bãi Sạn, là nơi từng có nhiều san hô. Nhưng những năm qua, san hô ở Bãi Sạn cùng chung số phận của san hô vịnh Nha Trang, nghĩa là cũng bị suy giảm trầm trọng.

Ven bờ Bãi Sạn được các trẻ khoanh vùng chọn làm nơi triển khai công việc hoàn toàn trái ngược với tập quán đánh bắt lâu đời của ngư dân trên đảo. Ngày qua ngày, các chất ô nhiễm ở nền đáy được thu dọn. Những khối san hô chết ngổn ngang trong lòng biển được nhóm thợ lặn cần mẫn di dời, xếp đặt thành từng cụm để chuẩn bị cho việc nuôi cấy và cải tạo mặt cát.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 2.

Công việc thầm lặng dưới lòng đại dương.

Nguyễn Quốc Sinh, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Hành trình tái tạo san hô trong lòng đại dương giúp chúng tôi thấy rõ hơn thực trạng hệ sinh thái biển đang bị tác động bởi con người. Vùng biển không còn sức sống khi thảm san hô bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Rác thải, cỏ biển và nước ấm gần bờ đã hủy hoại hầu hết các loại san hô. Tôm cá và các loài động vật biển khác cũng không còn hiện diện nơi đây khi môi trường thiên nhiên không còn phù hợp. Những công việc thu dọn rác thải, vệ sinh môi trường biển để bảo vệ san hô, bảo vệ biển cũng khó thành hiện thực trước những hệ lụy từ thói quen cuộc sống con người đang tạo ra tại khắp các vùng miền ven biển”.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 3.

Tái tạo rạn san hô.

Kiến thức tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài, từ những chuyên gia san hô đã giúp Vũ làm được một việc mà lâu nay tưởng như chỉ là việc của các nhà khoa học: trồng san hô. Một khung treo có thiết kế đặc biệt để chịu được tác động của sóng ngầm được Vũ và các cộng sự chế tạo để làm giá đỡ linh động cho san hô  trong lòng đại đương.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 4.

Trồng san hô.

Ngày qua ngày, tỉ mỉ với bao việc trong lòng biển, nhóm bạn trẻ này đã khẳng định một điều là có thể phục hồi san hô, dù đây là việc khó gấp trăm nghìn lần so với phục hồi rừng trên đất liền. Những bạn trẻ trong nhóm San hô Việt Nam, mỗi người một xuất phát điểm nhưng họ có điểm chung là yêu vẻ đẹp trong lòng biển, muốn giữ lấy san hô và sẵn sàng dành thời gian và công sức để tái tạo ngôi nhà chung của biển. 

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 5.

Vẻ đẹp trong lòng biển.

Trước khi có mặt ở vịnh Nha Trang, Vũ và nhóm cộng sự đã từng trồng thành công san hô ở một số vùng biển tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và vùng biển Vạn Ninh bên bờ vịnh Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa. Kinh nghiệm tích lũy qua mùa mưa bão cho thấy, phương pháp treo san hô sẽ giảm thiểu nguy cơ tác động của sóng gió, để đánh giá sự thích nghi. 

Vũ nhớ lại, ban đầu việc trồng san hô gặp nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết của các bạn trẻ, việc cũng dần trở nên đơn giản. Điều quan trọng nhóm muốn hướng đến chính là lan tỏa trong cộng đồng công việc trồng san hô ở vịnh Nha Trang để bà con làng biển cùng chung tay giữ lấy san hô, giữ lấy sự sống đại dương.

Chăm cá trong lòng biển

Những nỗ lực đầy trách nhiệm với thiên nhiên của các bạn trẻ đã tạo nên điều kỳ diệu giữa biển khơi. Thiên nhiên đã sớm bù đắp những nỗ lực không ngừng của những người sống có trách nhiệm với biển. Sau hai năm, những vùng rạn san hô tưởng chừng bị hủy diệt đang dần được hồi sinh tại những nơi Vũ và các cộng sự dày công tái tạo. 

Sự chuyển biến sống động của thiên nhiên trong vùng rạn san hô gây ngỡ ngàng đối với những người trực tiếp gắn bó hàng ngày với biển. Một công viên san hô được tái tạo, trở thành ngôi nhà chung cho hệ sinh thái biển cùng ngụ cư, sinh trưởng. 

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 6.

Hệ sinh thái dần hồi phục. Ngôi nhà chung cho hệ sinh thái biển cùng ngụ cư, sinh trưởng.

Chuyến trải nghiệm trong lòng đại dương cùng Vũ và các cộng sự giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra tin hiệu tích cực từ cách ứng xử phù hợp giữa con người với thiên nhiên. Điều thú vị hơn là được tận mắt chiêm ngưỡng hơn 200 loài san hô cùng hàng trăm loài sinh vật biển đầy sắc màu đã tạo nên cảnh quan sinh động tại vùng rạn san hô ven bờ, nơi trước đây từng bị hủy hoại do ngư dân khai thác hủy diệt. Một điểm đến đầy hấp dẫn, không chỉ lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bởi  thông điệp yêu biển rõ nét được các thợ lặn truyền tải bằng hành động.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 7.

Sắc màu trong lòng đại dương.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thân thiện giữa thiên nhiên và con người trong lòng đại dương hoang dã. Chăm sóc cá trong lòng biển, việc không tưởng lại trở nên giản đơn đối với các thành viên. Các bạn trẻ ở đây đều cùng chung suy nghĩ: cá đánh bắt, ăn xong là hết giá trị, còn cá nuôi ở đây để du khách tới trải nghiệm dịch vụ, giá trị tăng lên rất nhiều lần qua năm tháng. Đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, vì môi trường, cộng đồng sẽ đón nhận để phát triển. Đó là hướng đi phát triển kinh tế bền vững.

Tái tạo ngôi nhà của biển - Ảnh 8.

Vẫn còn nhiều việc phải làm cho môi trường biển Việt Nam.

​Việt Nam là quốc gia gắn liền với biển. Trên dải đất hình chữ S, biển là không gian sinh tồn. Việc làm đầy trách nhiệm với thiên nhiên của Vũ và các cộng sự rồi sẽ được lan tỏa để nhiều người cùng thức tỉnh và hành động. Mỗi rạn san hô hình thành sẽ là một sự khởi đầu mới trong lòng đại dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img