Friday, May 30, 2025

Câu chuyện bảo vệ bảo vật

Trên thế giới, không ít những di sản, báu vật, hiện vật mang giá trị lịch sử quý giá từng bị tấn công bởi những hành động phá hoại đến từ những động cơ rất khác nhau.

Nhiều mục đích

Năm 1914, Mary Richardson, nhà hoạt động người Canada đấu tranh vì quyền phụ nữ, dùng dao rạch hỏng kiệt tác năm Rokeby Venus của danh họa Diego Velázquez tại London để phản đối việc Chính phủ Anh bắt giữ người lãnh đạo phong trào nữ quyền. Năm 1974, một nhà hoạt động chống chiến tranh xịt sơn đỏ lên kiệt tác Guernica của danh họa Picasso tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York như một hành động phản đối chiến tranh Việt Nam.

!8a.jpg
Mona Lisa – bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại của danh họa Leonardo trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Pháp

Mona Lisa, bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại, biểu tượng nổi tiếng của Bảo tàng Louvre ở Pháp, cũng từng nhiều lần bị ném đá, phun sơn, thậm chí cả… bị ném bánh kem. Nàng Mona Lisa sau đó đã được cất giấu sau lớp kính chống đạn. Gần đây, năm 2022, nhóm Just Stop Oil đã ném súp cà chua vào bức Hoa hướng dương của danh họa Van Gogh ở Anh, nhằm phản đối ngành công nghiệp dầu mỏ. Và một lần nữa, kính bảo vệ lại cứu kiệt tác này.

Không chỉ tác phẩm hội họa, những biểu tượng ngoài trời cũng là mục tiêu dễ bị tổn thương. Tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen từng bị chặt đầu, đổ sơn, hay viết khẩu hiệu phản đối săn cá voi. Những hành động phá hoại trên cho thấy di sản, bảo vật… không chỉ mang tính thẩm mỹ hay lịch sử, mà còn là nơi va chạm của những dòng chảy xã hội và chính trị, kể cả những mưu đồ phục vụ lợi ích cá nhân.

Cách bảo vệ đa dạng

Trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi và phức tạp, nhiều bảo tàng trên thế giới đã không ngừng nâng cấp hệ thống bảo vệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, sao cho vẫn giữ được tính thân thiện, gần gũi, vẫn tạo được điểm “chạm” tinh thần với khách tham quan. Hiện hầu hết những hiện vật quan trọng thường được đặt trong hộp kính đặc chế. Những hộp này vừa trong suốt để người xem dễ dàng chiêm ngưỡng, vừa có khả năng chống đạn, chống rung, điều tiết độ ẩm bên trong. Một số bảo tàng còn tích hợp cảm biến chuyển động hoặc rung động, tự động gửi cảnh báo đến nhân viên an ninh nếu có hành vi bất thường.

!8b.jpg
Năm 1970, một quả bom gần như đã phá hủy tác phẩm Người suy tư (The Thinker) của Auguste Rodin (1840-1917). Ảnh: Timeout

Ngày nay, không chỉ dừng lại ở việc ghi hình, nhiều bảo tàng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi đám đông, phát hiện những động tác đáng ngờ hoặc hướng đi bất thường, từ đó cảnh báo sớm nguy cơ phá hoại hay trộm cắp trước khi sự việc xảy ra. Một số hiện vật có giá trị đặc biệt thường được đặt ở khoảng cách nhất định so với lối đi của khách, có rào chắn mềm hoặc đường kẻ giới hạn. Điều này vừa đảm bảo an toàn, vừa không gây cảm giác bị ngăn cản, hay cấm đoán đối với khách tham quan.

Trung Quốc là quốc gia sở hữu số lượng cung điện cổ và bảo tàng đồ sộ, trong đó nổi bật là Tử Cấm Thành, hay còn gọi là Cố Cung Bắc Kinh, nơi trưng bày hơn 1 triệu cổ vật. Cố Cung được trang bị hàng ngàn camera bố trí kín đáo, với một trung tâm kiểm soát vận hành 24/7 theo dõi toàn bộ không gian. Nhân viên an ninh thường phục được bố trí như khách tham quan để nhanh chóng tiếp cận nếu xảy ra sự cố. Một số công nghệ được Alibaba Cloud và Hikvision – hai công ty hàng đầu của Trung Quốc – áp dụng trong lĩnh vực AI phân tích hành vi. Qua giám sát hình ảnh, AI sẽ theo dõi ánh mắt, cử chỉ, hành vi bất thường của khách tham quan (nếu dừng lại quá lâu, tiếp cận vật thể quá gần…), AI sẽ thông báo cho đội an ninh chỉ trong vài giây.

Tại nhiều bảo tàng lớn như Louvre, Prado (Tây Ban Nha) hay Uffizi (Italy), nhân viên an ninh được huấn luyện bài bản, không chỉ về quan sát và xử lý kỹ thuật, mà còn về tâm lý học hành vi để kịp thời nhận diện những đối tượng khả nghi trước khi vụ việc xảy ra. Trong bối cảnh xung đột vũ trang, thiên tai và sự bùng nổ của các phong trào xã hội cực đoan, các di sản văn hóa ngày càng dễ bị tổn thương. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các nước cần xây dựng chiến lược an ninh văn hóa mang tính hệ thống, từ nhận diện rủi ro, phòng ngừa, ứng phó đến khôi phục sau tổn hại.

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img