Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Điện Biên không chỉ góp phần tái tạo lại “hàng rào sinh thái” mà còn thúc đẩy nguồn thu nhập vững chắc cho người dân địa phương.
Những năm qua, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tạo nhiều chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm đối với mỗi cánh rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.
Theo thống kê, năm 2024, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 429.820,41 ha, trong đó, diện tích rừng cung ứng DVMTR là 412.109,48 ha. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 5.024 chủ rừng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này, với tổng số tiền chi trả đạt trên 211 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2019 – 2023, tổng số tiền quỹ DVMTR đã chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng hơn 994 tỷ đồng.
Bà Mai Hương – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: “Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính hiệu quả, gắn quyền lợi của người dân với công tác bảo vệ rừng”
Tính riêng quý I/2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên chủ động bám sát chỉ đạo của Hội đồng Quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến ngày 14/3, Quỹ đã chi hơn 7,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân và cộng đồng (bao gồm cả nguồn kết dư từ năm 2024), giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.
Để công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng hiệu quả, bền vững, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với mục tiêu xây dựng hệ thống chi trả công khai, minh bạch, kịp thời, lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, các hoạt động trọng tâm của Quỹ đang từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét, tăng cường sinh kế và gắn kết cộng đồng với công tác bảo vệ tài nguyên rừng.
Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận tiện trong việc chi trả, Quỹ cũng đã tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh để mở tài khoản và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đến ngày 13/3, toàn tỉnh đã có 4.684/5.028 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ trên 93%, cho thấy hiệu quả từ công tác vận động, hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng.
Chi trả DVMTR đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực, đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định đối với người làm nghề rừng, đời sống từng bước được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, từ nguồn tiền chi trả DVMTR, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, các thôn, bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư công trình phúc lợi xã hội, phục vụ lợi ích chung của thôn, bản như làm mới, tu sửa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường… Mặt khác, các hộ gia đình còn sử dụng nguồn kinh phí này quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, mua phân bón, cây, con giống, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, một phần sử dụng chi tiêu nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.
Hàng rào sinh thái
Chi trả DVMTR cũng mở ra “luồng gió mới” trong công tác giữ rừng tại Điện Biên. Các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bán tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong việc phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép… Chi trả DVMTR đã gắn kết được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời huy động được nguồn nhân lực lớn cho tuần tra bảo vệ rừng, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng một cách chủ động, thường xuyên.
Song song với việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều hộ dân còn tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế, phủ xanh các đồi trọc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ông Khoàng Văn Van – Bí thư xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên bày tỏ: “Nhờ giữ rừng mà người dân có thêm nguồn thu ổn định, lại hiểu được rằng rừng mang lại không chỉ tiền mà còn giữ nước, giữ đất, chống xói mòn, hạn hán… Người dân xã Chà Nưa không chỉ giữ rừng mà hàng năm còn trồng thêm hàng trăm ha rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng”.
Bà Mai Hương – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: “Năm 2024, toàn tỉnh đã chi trả tiền DVMTR cho trên 5.000 chủ rừng. Chính sách này đã góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên duy trì ổn định ở mức trên 43%, nhiều xã đạt trên 60%. Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính hiệu quả, gắn quyền lợi của người dân với công tác bảo vệ rừng. Nhờ có chính sách này, tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn hộ dân tham gia tuần tra, khoanh nuôi rừng, góp phần giảm áp lực cho lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương”.
Không chỉ dừng lại ở việc chi trả, Quỹ còn mở rộng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng và sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách DVMTR. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên liên tục đẩy mạnh giáo dục ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sống đến mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, hạt kiểm lâm và các địa phương về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, quy chế sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong việc chung tay giữ lá phổi xanh của Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.
Chi trả DVMTR đã thực sự trở thành giải pháp kinh tế hiệu quả, là điểm tựa kinh tế mới cho người dân Điện Biên yên tâm lạc nghiệp gắn trách nhiệm với những cánh rừng. Đáng chú ý, công tác này cũng hình thành một “hàng rào sinh thái” vững chắc, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên rừng quý giá cho thế hệ sau.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn