Ngành hoặc chuyên ngành về vi mạch bán dẫn bắt đầu được tuyển sinh và đào tạo năm 2024 tại một số trường ĐH. Hiện chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực này do Bộ GD-ĐT mới ban hành chỉ áp dụng với các trường nằm trong quy định.
ĐẦU VÀO NGÀNH VI MẠCH BÁN DẪN NĂM 2024 THEO 2 NHÓM
Nhìn lại thực tế tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn năm 2024 (đây là năm đầu tiên một số trường chính thức mở ngành hoặc chuyên ngành về vi mạch bán dẫn), có thể thấy điểm chuẩn phân ra thành 2 nhóm trường.
Trong đó, các trường tham gia thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn theo Quyết định 1017 của Thủ tướng Chính phủ đều có mức điểm chuẩn nhóm ngành này khá cao, trung bình mỗi môn trong tổ hợp từ 8 điểm trở lên, đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn mà Bộ GD-ĐT đề ra. Trong đó, ngành công nghệ bán dẫn của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm trúng tuyển 25,1, thiết kế vi mạch là 25,9. Ngành thiết kế vi mạch của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy 26,5 điểm. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có điểm chuẩn cho chuyên ngành vi điện tử – thiết kế vi mạch (thuộc ngành điện tử viễn thông) là 26,31.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành trong phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
ẢNH: C.N
Còn lại, chương trình kỹ thuật thiết kế vi mạch thuộc ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lấy 25,95 điểm; ngành công nghệ vi mạch bán dẫn của Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội 25,01 điểm; chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành kỹ thuật máy tính của Trường ĐH Cần Thơ 24,28 điểm; chuyên ngành công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) 24 điểm. Điểm chuẩn cao nhất là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với 26 điểm cho chuyên ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch thuộc ngành kỹ thuật máy tính.
Đối với một số trường ĐH ngoài công lập có tuyển sinh chuyên ngành và ngành về thiết kế vi mạch, bán dẫn, điểm chuẩn dao động từ 15,05 – 21, nghĩa là khoảng 5 – 7 điểm/môn.
CHẤT LƯỢNG THEO PHÂN KHÚC
Nhiều ý kiến cho rằng đã là chuẩn chương trình đào tạo thì cần áp dụng cho tất cả các trường, giống như quy định đối với ngành y dược, giáo viên hay gần đây là chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH.
Tuy nhiên, với đặc thù ngành học cần có sự đầu tư đắt đỏ và thị trường lao động ngành nghề đa dạng, nhiều phân khúc, một số lãnh đạo trường ĐH cho biết sẽ có nhiều vướng mắc.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định việc các trường được Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ chiến lược phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn cho đất nước ở phân khúc cao, là cần thiết. Theo đó, ở phân khúc này cần tuyển chọn sinh viên có năng lực đầu vào tốt, khi học được cấp học bổng…, tốt nghiệp sẽ là đội ngũ nòng cốt, ưu tú để nghiên cứu, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, hoặc trở thành quản lý.
“Song song đó, thị trường lao động vi mạch bán dẫn rất đa dạng, vẫn cần nhân lực ở phân khúc thấp hơn, nghiêng về ứng dụng sản xuất. Các trường vẫn có thể đào tạo cho phân khúc này mà không nhất thiết phải có điểm chuẩn đầu vào lên tới 24. Dù đầu vào thế nào, các trường vẫn phải đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp ở phân khúc thị trường lao động mà trường nhắm đến”, tiến sĩ Quốc Anh chia sẻ.

Đầu tư phòng thí nghiệm và các trang thiết bị đào tạo ngành vi mạch bán dẫn rất đắt đỏ và phải cập nhật thường xuyên
Ảnh: Nguyễn Lợi
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ PHÒNG LAB
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nhận định chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn bậc ĐH và thạc sĩ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành mang định hướng tiên tiến, cập nhật xu thế quốc tế, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo cả về tuyển sinh lẫn triển khai thực tiễn. Được biết Trường ĐH Lạc Hồng đang tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành vi mạch thuộc ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử.
Theo ông Quỳnh, cơ sở vật chất và học liệu của ngành vi mạch bán dẫn mang tính đặc thù cao, chương trình yêu cầu hệ thống phòng lab chuyên ngành, phần mềm thiết kế, thiết bị đo đạc, thư viện chuyên sâu. Đây đều là những hạng mục đòi hỏi đầu tư lớn, đồng bộ và khó triển khai nếu không có nền tảng công nghệ mạnh.
“Nhân lực để có thể khai thác cơ sở vật chất và học liệu ngành vi mạch cũng là một vấn đề lớn cho các trường. Tỷ lệ học thực hành và trải nghiệm thực tế rất cao, tối thiểu 25 – 30% khối lượng, tương đương 30 – 45 tín chỉ, thực hiện tại phòng lab chuyên dụng hoặc doanh nghiệp thực tế. Đây là nội dung thách thức nhất vì phòng lab vi mạch tốn kém, yêu cầu phần mềm bản quyền, thiết bị chuyên dụng, nhân sự được đào tạo bài bản. Việc tổ chức thực tập thực tế cũng sẽ gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp vi mạch tại VN còn hạn chế và phân bố không đều”, PGS-TS Quỳnh nêu vướng mắc.
Về khó khăn thực hành, thực tập do doanh nghiệp vi mạch bán dẫn ít và còn hạn chế trong việc tiếp nhận, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết bên cạnh việc thực hành tại lab của trường, trường đang hướng đến giải pháp đưa sinh viên đến doanh nghiệp ở Đài Loan, Nhật Bản thực tập từ 3 tháng đến một năm.
Về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo, theo ông Nguyễn Quốc Anh, nếu không được nhà nước đầu tư, các trường phải chấp nhận tự đầu tư, nhưng có những thiết bị chưa hẳn cứ có tiền là trang bị được. “Hiện tại thiết kế vi mạch chỉ là một chuyên ngành nằm trong ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông của trường. Trong 2 – 3 năm tới, trường cũng định hướng phát triển thành ngành trọng tâm. Để chuẩn bị cho điều đó, trường đang tuyển dụng, gửi giảng viên đi đào tạo, liên kết hợp tác với một số trường ĐH hàng đầu về đào tạo vi mạch bán dẫn và với doanh nghiệp vi mạch bán dẫn. Đồng thời trường sẽ đầu tư phòng thí nghiệm với kinh phí hàng triệu USD”, tiến sĩ Quốc Anh thông tin.
Tỉnh Bình Định sẽ đào tạo 7.500 kỹ sư bán dẫn và AI
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng giai đoạn 2025 – 2030.
Theo đề án, đến năm 2030, Bình Định đặt mục tiêu đào tạo hơn 7.500 nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm kỹ sư, cử nhân và kỹ sư thực hành. Trong đó, ngành bán dẫn dự kiến đào tạo khoảng 2.500 người; lĩnh vực AI và an ninh mạng hơn 3.700 người. Riêng giai đoạn 2025 – 2027, tỉnh này tập trung đào tạo khoảng 2.660 kỹ sư và cử nhân, 260 kỹ sư thực hành.
Song song đó, Bình Định cũng sẽ đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn hiện đại đặt tại Trường ĐH Quy Nhơn, với tổng vốn ước tính khoảng 120 tỉ đồng, tạo nền tảng hạ tầng vững chắc cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh sẽ mở mới các ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế, đóng gói, kiểm thử vi mạch; AI và an ninh mạng. Ngoài ra, tỉnh sẽ mở rộng hợp tác với các đơn vị như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… nhằm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cập nhật chương trình đào tạo, đồng thời mời gọi chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy, tư vấn học thuật.
UBND tỉnh Bình Định đã giao Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai đề án ngay trong tháng 5.2025.
Hoàng Trọng
Nguồn: thanhnien.vn