Những con đường xuất khẩu sách Việt
Một người bạn của tác giả Nick M muốn mua cuốn sách Cũ vừa ra mắt của anh. “Khi biết mô hình của Tiệm Mọt đưa sách tiếng Việt tới độc giả ở châu Âu, bạn tôi đặt sách qua đây. Qua Tiệm Mọt, tôi quyết định đưa thêm sách đến với kiều bào Việt Nam tại nước ngoài vì có lẽ nhiều câu chuyện trong Cũ giúp họ nhớ về quãng thời gian cũ ở quê nhà”, tác giả Nick M nói.
Chị Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh, một bà mẹ trẻ người Việt hiện sinh sống tại Phần Lan, là người đã có ý tưởng thành lập Tiệm Mọt. “Khi dịch Covid-19 bùng phát, không về được Việt Nam, tôi không tìm mua được cuốn sách tiếng Việt nào cho con”, chị Hạnh cho hay. Và thực tế là không chỉ có mình chị mà nhiều người Việt đang sống tại nước ngoài muốn đọc sách Việt nhưng khó khăn khi tìm mua sách. “Vì giá vận chuyển sách sang nước ngoài rất đắt nên khi về nước, tôi thường chất đến nửa va li là sách để mang sang”, chị Nguyễn Quỳnh Trang, người Việt đang sống tại Đức, cho biết. Vậy nên, khi biết đến Tiệm Mọt, chị Trang đã mong muốn trở thành người đại diện chi nhánh của tiệm sách tiếng Việt này tại Đức.
Sau nửa năm hoạt động, Tiệm Mọt đã kết nối với nhiều đơn vị xuất bản cũng như tác giả trong nước, đưa sách tiếng Việt đến độc giả ở châu Âu với các chi nhánh ở Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Anh, Đức và mới đây là khu vực Bắc Mỹ với chi nhánh tại Canada. Khách hàng của Tiệm Mọt khá đa dạng, không chỉ là kiều bào Việt Nam mà cả những người nước ngoài quan tâm đến con người, đất nước, văn hóa Việt Nam. “Chúng tôi khá bất ngờ khi trung bình mỗi tháng Tiệm Mọt bán tới 1.000 cuốn riêng ở thị trường châu Âu”, chị Hạnh cho hay.
Bên cạnh đó, có nhiều tín hiệu khả quan từ những dự án đưa sách Việt ra ngoài từ những đơn vị xuất bản trong nước. Năm ngoái, một container gồm 20.000 cuốn của 500 đầu sách Việt đã được Alpha Books đưa sang California, Mỹ. Theo thông tin từ Alpha Books, đây là bước đi đầu tiên của dự án xuất khẩu sách Việt ra thế giới của đơn vị này. Hay như cuốn sách Chang hoang dã – Gấu của tác giả Trang Nguyễn do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành đã được NXB Pan Macmillan mua bản quyền phát hành ở Anh và bán bản quyền sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty Chibooks cũng vừa khởi động dự án Tủ sách văn hóa Việt. Theo đó, một số đầu sách (đã xuất bản và sắp xuất bản tại Việt Nam) thuộc thể loại du ký, tạp văn về văn hóa, lịch sử, ẩm thực nhiều vùng miền như Vắt qua những ngàn mây, Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ, Nha Trang mùa đẹp nhất, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm, Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời, Hà Nội những phố những người, Tình đất mặn trong tủ sách sẽ được chuyển ngữ đưa đến độc giả nước ngoài, tham dự những hội chợ sách quốc tế…
“Thử mở kênh bán hàng Amazon sẽ thấy thị trường mảng sách văn hóa Việt Nam gần như còn trống, nếu có thì chủ yếu là những đầu sách xuất bản đã lâu liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Như vậy, độc giả nước ngoài khó có cái nhìn toàn diện và cập nhật về Việt Nam. Chúng tôi muốn độc giả thế giới nhìn thấy sự phong phú, đa dạng về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đương đại”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, cho hay và nói thêm, mục tiêu của dự án cũng là xuất khẩu sách của tác giả Việt.
Cần chính sách khuyến khích
Chị Quỳnh Trang cho biết tại Đức có một NXB Đức xuất bản sách song ngữ Đức – Việt cho trẻ em. Tuy nhiên, những đơn vị xuất bản tại Việt Nam có sách song ngữ phục vụ thị trường này còn quá hiếm hoi. “Một số tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều, hay tác phẩm của Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… có thể tìm thấy những bản dịch tiếng Đức. Tuy vậy, người Đức hầu như không biết đến những tác phẩm mới của Việt Nam vì có rất ít bản dịch”, chị Trang nói. Đó cũng là tình trạng lâu nay của xuất bản Việt.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi nhớ câu chuyện cách đây 8 năm khi Chibooks thực hiện dự án đưa văn học Việt ra nước ngoài: là đơn vị xuất bản tư nhân Việt Nam đầu tiên có gian hàng tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức), vào thời điểm đó Chibooks đã giới thiệu những tác phẩm của nhiều tác giả đương thời như Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Hồn Nhiên, Di Li… “Không ít đơn vị xuất bản nước ngoài quan tâm. Nhưng đáng tiếc là khi họ muốn xem tác phẩm được dịch trọn vẹn bằng tiếng Anh thì lại không có”, dịch giả Lệ Chi cho hay. Tuy nhiên, bước đi đầu tiên đó của Chibooks đã giúp văn học đương đại Việt được chú ý tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Sau đó, nhà văn Hồ Anh Thái đã được mời sang đây trò chuyện với độc giả, những đơn vị xuất bản thế giới…
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc chuyển ngữ những đầu sách Việt nổi bật ở nhiều thời kỳ để đưa đến với công chúng quốc tế như một số nước trong khu vực đã thực hiện. Bên cạnh đó, theo dịch giả Lệ Chi, cơ quan chức năng cần khuyến khích việc xuất khẩu sách Việt qua những chính sách như rút ngắn thời gian cấp phép (nhất là với những tác phẩm đã xuất bản trong nước khi được chuyển ngữ), ưu đãi về thuế xuất khẩu sách… “Khi gửi tặng sách cho đơn vị bán bản quyền ở nước ngoài, chúng tôi bị tính thuế bán sách. Chúng tôi mong rằng nếu có thể, cơ quan chức năng hãy tháo gỡ những điều bất cập để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đưa sách ra nước ngoài”, bà Chi bày tỏ.