Từ hôm nay (1.7), TP.HCM triển khai hệ thống y tế mới với 38 trung tâm khu vực, 168 trạm y tế, 296 điểm y tế, 162 bệnh viện, đảm bảo không gây xáo trộn.

Người dân chờ khám tại BV Nhân dân 115, TP.HCM
Ảnh: Nhật Thịnh
Về tuyến cơ sở, TP.HCM duy trì 443 trạm y tế phường, xã như hiện nay nhằm đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh ban đầu không bị xáo trộn. Trong vòng 60 ngày, Sở Y tế sẽ chuyển đổi thành 168 trạm y tế theo địa giới hành chính mới và 296 điểm y tế.
38 trung tâm y tế quận, huyện chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực, phụ trách điều hành 168 trạm y tế. Riêng 4 trung tâm y tế có giường bệnh trước đây (quận 3, 5, 10 và H.Cần Giờ) sẽ trở thành trung tâm y tế không giường bệnh. Nhân lực, đặc biệt là bác sĩ, sẽ được tăng cường cho các trạm y tế tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên.
TP.HCM cũ hiện có 1 trung tâm cấp cứu 115 và 45 trạm cấp cứu vệ tinh, chủ yếu tập trung ở nội thành. Trong giai đoạn tới, mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh sẽ được mở rộng, phủ đều toàn TP mới.
TP.HCM mới có tổng cộng 162 BV, trong đó 12 BV bộ, ngành; 32 BV đa khoa, 28 BV chuyên khoa và 90 BV ngoài công lập. Ngoài ra, có gần 9.886 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và 15.611 nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược.
Về hệ thống an sinh xã hội, TP.HCM mới có 110 trung tâm bảo trợ, gồm 15 trung tâm công lập và 95 trung tâm ngoài công lập. Sở Y tế đang đề xuất hợp nhất các trung tâm có cùng chức năng như Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm giám định pháp y, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động.
Để quản lý hệ thống y tế quy mô lớn và đa dạng, ngành y tế TP.HCM mới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Sở Y tế sẽ triển khai quản trị tập trung, đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng kết nối giữa các cơ sở, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân lực thích ứng với mô hình mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Đáng chú ý, nguy cơ quá tải tại các BV tuyến cuối ở TP.HCM mới cũng là điều được dự báo. Cụ thể, số lượt khám bệnh sẽ tăng từ trên 42 triệu lượt/năm, dự báo sẽ tăng lên trên 51 triệu lượt/năm (cộng cả 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây). Tương tự, dự báo số lượt điều trị nội trú sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt/năm lên trên 3,8 triệu lượt/năm. Như vậy, nếu so sánh trên phạm vi cả nước thì hệ thống y tế TP.HCM sẽ cung ứng khoảng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.
Trong khi đó, các BV hiện hữu ở trung tâm TP.HCM hiện cũng đã có những giải pháp như huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, luân phiên cán bộ về tuyến dưới, cùng với đó là các chính sách đào tạo nhân lực tại chỗ cho tuyến dưới bền vững.
Nguồn: thanhnien.vn