Wednesday, July 2, 2025

Bằng cách nào, lưu ý gì để bắt đầu sống xanh?

Thực hành sống xanh trong giới trẻ đang mang một diện mạo rất khác so với trước. Đâu là lời khuyên để các bạn trẻ có thể tự tin bắt đầu hành trình này?

Bằng cách nào, lưu ý gì để bắt đầu sống xanh?

Sinh viên tìm hiểu về một hoạt động sống xanh

ẢNH: NVCC

Ngày càng có nhiều sáng kiến, sản phẩm giúp thúc đẩy lối sống xanh 

Là đại biểu Việt Nam từng tham gia các chương trình giao lưu quốc tế về chủ đề môi trường và phát triển bền vững, chị Nguyễn Minh Huyền (TP.HCM) chia sẻ việc thực hành sống xanh của giới trẻ đang có nhiều điểm khác biệt so với thời điểm 2-3 năm trước. Chẳng hạn, khi được hỏi “Bạn có đang sống xanh?”, thay vì mông lung vì không biết tiêu chuẩn của sống xanh là gì thì nay các bạn tự đo lường dấu chân carbon (tổng lượng khí nhà kính mà một cá nhân thải ra qua việc sinh hoạt, di chuyển… – PV) của mình thông qua các công cụ miễn phí.

Hoặc khi chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay vì tin tưởng vào lời quảng cáo thì nay các bạn trẻ sẽ tìm hiểu rõ doanh nghiệp đó từ lúc thu thập nguyên liệu đến khi hoàn thiện sản phẩm có thực sự “xanh” hay chỉ là chiêu trò greenwashing (tẩy xanh, tức là truyền bá thông tin sai lệch để thể hiện mình có trách nhiệm với môi trường dù thực chất lại không – PV). “Các bạn có sự tiếp nhận, đánh giá và phản tư tốt hơn”, chị Huyền nói.

Quan sát với góc độ toàn cảnh hơn, chị Huyền cho rằng Việt Nam ngày càng có nhiều sáng kiến, sản phẩm giúp thúc đẩy lối sống xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia châu Á đặt quyết tâm cao về Net Zero (phát thải ròng bằng 0), với cam kết giảm 43,5% lượng phát thải vào 2023, đạt Net Zero vào 2050. “Chúng ta đang ở trong điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi xanh”, chị Huyền kết luận.

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận thực tế rằng ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mọi người đang sử dụng rất nhiều sản phẩm tiện lợi, chỉ dùng một lần và chắc chắn là chưa bền vững. So sánh với một quốc gia phát triển là Nhật Bản, dù họ cũng tiêu dùng nhựa một lần rất nhiều nhưng bản thân họ có quy trình yêu cầu các bên phải tham gia, như phải làm sạch thế nào trước khi bỏ đi, tái chế ra sao…, theo nữ đại biểu.

“Đây là điểm nghẽn mà các quốc gia Đông Nam Á chưa thể làm tốt”, chị Huyền nhận định. “Nhiều bạn trẻ còn vô thức ủng hộ greenwashing như tiêu dùng những sản phẩm được cho là bền vững nhưng thực chất lại không, như túi vải hay túi giấy vì những sản phẩm này tiêu hao lượng lớn điện và nước”.

Vì thế từ khóa nữ đại biểu muốn nhắn nhủ tới sinh viên là “tiêu dùng vừa đủ”, cố gắng kéo dài vòng đời của các vật dụng cá nhân và hạn chế sử dụng một lần. Bởi lẽ, nếu thải liên tục ra môi trường thì không chỉ tạo áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như nước mà còn tăng số lượng nguyên liệu dùng để xử lý nó.

Gửi lời đến sinh viên, chị Huyền khuyên các bạn nên tìm động lực để duy trì lối sống xanh. Đó có thể là mong muốn được tiếp cận nhiều cơ hội du học và giao lưu quốc tế hơn, vì đến 50% các chương trình trao đổi hiện nay được cho là về chủ đề phát triển bền vững; đó cũng có thể là mong muốn thay đổi diện mạo quê nhà… “Hãy bắt đầu từ một hành động nhỏ như chọn một đồ vật mình hay dùng một lần, ví dụ như ly cà phê, và tìm phương án thay thế để dùng lâu dài. Hãy biến sống xanh thành thói quen, là thứ được lập trình trong mình…”, chị Huyền chia sẻ.

Các hoạt động ngoại khóa sống xanh

Không chỉ thực hành lối sống xanh, các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, còn góp phần lan tỏa tinh thần phát triển bền vững tới bạn bè đồng trang lứa. Trong đó, điển hình là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đơn vị đã khởi xướng chương trình “Green University” (ĐH xanh) từ năm 2018 theo 3 giai đoạn dự kiến kéo dài tới năm 2030.

Bằng cách nào, lưu ý gì để bắt đầu sống xanh?

Sổ tay La Bàn Xanh do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) xuất bản

ẢNH: NGỌC LONG

Mới đây nhất vào ngày 30.6, trường này xuất bản sổ tay thực hành lối sống bền vững mang tên La Bàn Xanh nhằm giúp các bạn sinh viên tìm hiểu chi tiết các kiến thức cốt lõi về phát triển bền vững và lối sống xanh; xây dựng những thói quen xanh từ các hành động nhỏ khi còn là sinh viên; tìm hiểu các tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường; cũng như tham khảo lời khuyên hữu ích từ thầy cô.

Điểm đặc biệt của quyển sổ tay này là được thực hiện hoàn toàn bởi các bạn sinh viên dưới sự hướng dẫn của ban cố vấn gồm lãnh đạo nhà trường và các chuyên gia trong ngành. Và từ các thông tin trong quyển sổ tay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lần đầu tiên tổ chức ngày hội sống xanh với chủ đề “Dệt Xanh”, thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự trong chuỗi hoạt động từ sáng đến chiều.

Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm 2 khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trưởng ban tổ chức ngày hội, chia sẻ hoạt động đã được các bạn lên kế hoạch rồi tổ chức gấp rút trong khoảng 3 tuần. Trong đó, cái tên “Dệt Xanh” vừa mang ý nghĩa kết nối và lan tỏa lối sống xanh, vừa ám chỉ việc lan tỏa thời trang bền vững khi thời trang nhanh – một xu hướng gây hại cho môi trường – lại cực kỳ thịnh hành với giới trẻ.

“Dệt hy vọng, xanh tương lai, đó chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm”, Thư nói.

Để hiện thực hóa mong muốn này, nữ sinh cho biết ngày hội được kết cấu với 3 hoạt động chính là triển lãm sống xanh “Dệt đất lành”, chạy trạm “Dệt chân xanh”, talkshow “Dệt dở dang” về thời trang bền vững. Ở mỗi hoạt động chính còn có những hoạt động nhỏ hơn để người tham gia không chỉ có cơ hội quan sát và lắng nghe mà còn được trực tiếp tương tác để hiểu rõ, hiểu sâu về lối sống xanh và phát triển bền vững, Thư cho hay.

Một điểm đáng chú ý khi tổ chức ngày hội, theo Thư, là các bạn sinh viên đều không mang theo bất kỳ đồ dùng nhựa nào. Bên cạnh đó, người tham gia cũng chăm chú lắng nghe chia sẻ của diễn giả và hầu như không ai dùng điện thoại di động. Những dấu hiệu này phần nào đó cho thấy giới trẻ đang thật sự quan tâm tới lối sống xanh chứ không chỉ xem đây là khẩu hiệu trên mặt giấy.

“Không chỉ có các bạn, mà bản thân tôi cũng thay đổi so với trước. Bây giờ tôi hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa nhất có thể, và hành động này cũng lan tỏa đến bạn bè xung quanh tôi”, Thư kể.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img