Những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại các tỉnh, thành miền Tây, nhiều thủ tục thiết yếu như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kết hôn, khai sinh, giấy phép kinh doanh… đều được xử lý nhanh chóng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng sớm 2.7, người dân đã tập trung khá đông tại Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) P.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Với 8 quầy giao dịch đảm nhiệm 260 thủ tục hành chính thuộc 12 lĩnh vực, trung tâm mang đến sự thuận tiện cho người dân trong quá trình nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Người dân ngồi đợi theo số thứ tự để được giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm PVHCC P.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ
ẢNH: DUY TÂN
Bà Tống Gia Tha (70 tuổi, ở P.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ – trước đây là P.Tân An, Q.Ninh Kiều) chia sẻ: “Tôi chờ ngày phường hoạt động trở lại từ 3 tháng nay. Hôm nay đến làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi được cán bộ hướng dẫn rất chi tiết, dễ hiểu, không có gì khó khăn”.
Ông Nguyễn Anh Hoài, Phó chủ tịch UBND, kiêm Giám đốc Trung tâm PVHCC P.Ninh Kiều, cho biết đơn vị đã chủ động rà soát và bổ sung cơ sở vật chất như internet, máy vi tính, máy tra cứu thủ tục để phục vụ người dân tốt nhất. “Mỗi công chức đều được trang bị máy tính riêng. Đội kỹ thuật túc trực xuyên suốt để xử lý mọi trục trặc, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt”, ông Hoài nói.

Người dân đến rất đông tại Trung tâm PVHCC P.Bình Thủy, TP.Cần Thơ trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
ẢNH: DUY TÂN
Ngoài tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, trung tâm còn bố trí bàn hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và phối hợp với bưu điện để cung cấp dịch vụ chuyển phát kết quả tận nhà theo yêu cầu.
Ghi nhận tại Trung tâm PVHCC P.Bình Thủy (TP.Cần Thơ), các thủ tục thiết yếu như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), đăng ký kết hôn, khai sinh, giấy phép kinh doanh… đều được xử lý nhanh chóng, trật tự; trong đó lĩnh vực đất đai có nhiều người dân đến giao dịch nhất. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (37 tuổi, ở P.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Mặc dù người dân đến làm thủ tục rất đông, nhưng đều được cán bộ hướng dẫn tận tình, dễ hiểu. Các bước đều diễn ra trôi chảy, không chen lấn. Tôi rất hài lòng”.
Đồng Tháp: Nhân viên làm thêm giờ để kịp giải quyết hồ sơ cho dân
P.Cao Lãnh (Đồng Tháp) được sáp nhập từ 9 xã, phường của TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp trước đây), dân số gần 138.000 người. Ghi nhận trong ngày 1.7 và hết buổi sáng 2.7, lượng người dân đến Trung tâm PVHCC P.Cao Lãnh rất đông. Vì vậy, 23 cán bộ, nhân viên của trung tâm phải làm việc thêm giờ để xử lý hết thủ tục của người dân.

Chỉ trong buổi sáng 2.7, đã có gần 500 người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm PVHCC P.Cao Lãnh, Đồng Tháp
ẢNH: TRẦN NGỌC
Ông Lê Chí Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm PVHCC P.Cao Lãnh, nói: “Trong ngày 1.7, trung tâm tiếp nhận và làm thủ tục 727 hồ sơ, tăng gấp đôi so với thời gian cao điểm còn là Trung tâm PVHCC của TP.Cao Lãnh. Hồ sơ chứng thực tư pháp tiếp nhận nhiều nhất, với hơn 300 hồ sơ. Thủ tục về chứng thực phải thực hiện và trả kết quả trong ngày nên lãnh đạo UBND phường phải ký hồ sơ liên tục. Nhiều nhân viên Trung tâm PVHCC P.Cao Lãnh trước đây làm ở xã, phường, lượng hồ sơ giải quyết ít nên khi sáp nhập phải học việc lại hoàn toàn. Ban đầu, lượng hồ sơ nhiều nên anh em có phần bỡ ngỡ và “ngộp”, chúng tôi phải động viên cùng nhau cố gắng, nỗ lực phục vụ người dân”.
Theo nhân viên trực hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính của P.Cao Lãnh, trong buổi sáng 2.7 có hơn 500 lượt người dân đến Trung tâm PVHCC phường làm thủ tục, hồ sơ. Nếu như trước đây, khi còn là Trung tâm PVHCC của TP.Cao Lãnh, chỉ bố trí 6 quầy tiếp nhận và trả kết quả thì hiện nay trung tâm của phường bố trí tổng cộng 10 quầy, trong đó phải bố trí đến 3 quầy tiếp nhận thủ tục và trả kết quả về thủ tục chứng thực tư pháp.

Từ ngày 30.6 đến nay, nhân viên Trung tâm PVHCC P.Cao Lãnh tranh thủ làm thêm giờ để kịp giải quyết hồ sơ cho người dân
ẢNH: TRẦN NGỌC
“Ngày 30.6, chúng tôi xử lý hơn 800 thủ tục hồ sơ cho người dân. Ngày 1.7, giải quyết hơn 700 hồ sơ, nhưng chỉ trong buổi sáng 2.7 đã hướng dẫn gần 500 người rồi”, nhân viên này cho biết.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù gần kết thúc giờ làm việc buổi sáng 2.7, nhưng có cả trăm người chờ đến lượt gọi số thứ tự đến quầy làm thủ tục. Ông Nguyễn Văn Hậu, ở P.Cao Lãnh, nói: “Tôi đến trích lục giấy tờ đất đai để làm thủ tục thừa kế nhưng quá đông nên ngồi chờ lâu. Thấy mấy anh chị tiếp nhận thủ tục cũng áp lực, nhưng họ vẫn hướng dẫn, xử lý hồ sơ rất nhiệt tình nên bà con ai cũng thấy vui”.
Đất Mũi cực nam Tổ quốc: Người dân không phải đi xa mất thời gian
Xã Đất Mũi (Cà Mau) mới được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ xã Đất Mũi cũ, một phần xã Viên An và một phần xã Tân Ân (H.Ngọc Hiển, Cà Mau khi chưa sáp nhập). Trụ sở UBND xã đặt tại địa điểm cũ của xã Đất Mũi, còn trụ sở Đảng ủy xã tạm thời đặt tại xã Viên An cũ, cách nhau khoảng 20 km.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm PVHCC xã Đất Mũi, Cà Mau
ẢNH: GIA BÁCH
Đến làm hồ sơ nhận trợ cấp bệnh hiểm nghèo tại Trung tâm PVHCC xã Đất Mũi, ông Quách Văn Tịch (ở xã Đất Mũi) cho biết: “Trước kia, tôi phải lên huyện, đi tới đi lui tốn thời gian. Giờ cán bộ ở xã làm nhanh, tiếp đón niềm nở, tôi thấy nhẹ cả người”.
Không riêng ông Tịch, anh Hồng Văn Hùng (ở xã Đất Mũi) cũng tranh thủ ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp để nộp hồ sơ hủy giấy phép kinh doanh và tìm hiểu thêm thủ tục đất đai. “Mấy anh em cán bộ ở đây hướng dẫn kỹ lưỡng, dễ hiểu. Tôi đi một lần là xong hết”, anh Hùng nói.
Ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết mọi hoạt động đều diễn ra ổn định, không có tình trạng ùn ứ hay quá tải. “Chúng tôi đang phối hợp vận hành cả 2 trụ sở để đảm bảo xử lý công việc hành chính, phục vụ người dân không bị gián đoạn. Trước mắt là thích ứng linh hoạt, lâu dài sẽ đề xuất điều chỉnh để tổ chức bộ máy gọn hơn, thuận tiện hơn”, ông Phú nói.

Ông Quách Văn Tịch (ở xã Đất Mũi, Cà Mau) đi làm thủ tục nhận trợ cấp bệnh hiểm nghèo
ẢNH: GIA BÁCH
Theo ông Lý Hoàng Ca, chuyên viên Trung tâm PVHCC xã Đất Mũi, từ ngày 1.7, người dân có thể nộp hồ sơ ngay tại xã hoặc thông qua môi trường điện tử, không cần phải đến huyện. Mọi thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả đúng hẹn tại xã.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, tại P.Bạc Liêu, Cà Mau (được sáp nhập từ các P.1, P.2, P.3, P.7 và P.8 của TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũ), không khí làm việc tại Trung tâm PVHCC P.Bạc Liêu diễn ra khá nhộn nhịp, khẩn trương. Người dân, doanh nghiệp được liên hệ làm việc ở một nơi khang trang hơn, cán bộ hướng dẫn, phục vụ nhân dân nhanh nhẹn, niềm nở. Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, niêm yết công khai toàn bộ thủ tục hành chính cấp xã và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm PVHCC P.Bạc Liêu, Cà Mau
ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Chị Trương Thị Mỹ Vân, chuyên viên Trung tâm PVHCC P.Bạc Liêu, chia sẻ tâm trạng có chút bỡ ngỡ, chút lo lắng do mới tiếp nhận quy trình mới, nhưng khi bắt tay vào việc thì mọi thứ khá trơn tru. Khi tiếp nhận quy trình liên thông từ Cà Mau so với Bạc Liêu trước đây cũng không có gì thay đổi đó là quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả được thực hiện khoa học, minh bạch và nhanh gọn.
“P.Bạc Liêu sáp nhập từ 5 phường thành 1 phường nên lượng người dân đến làm các thủ tục rất đông. Ngoài các thủ tục về đất đai, lĩnh vực người có công cũng có khá nhiều người đến giải quyết các thủ tục cần thiết. Nhìn chung công việc khá trôi chảy”, chị Vân nói.
Ông Trần Thanh Long (ở khóm 8, P.Bạc Liêu), đến làm thủ tục đất đai tại đây, cho biết: “Qua tuyên truyền của địa phương, tôi hiểu rằng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hướng đến mục tiêu gần dân, tạo điều kiện để người dân liên hệ và thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Tôi cũng như đông đảo người dân rất phấn khởi và kỳ vọng sự đổi mới này sẽ là tiền đề cho xu thế phát triển của kỷ nguyên mới”.

Cán bộ Trung tâm PVHCC P.Bạc Liêu (Cà Mau) tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính
ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Theo ông Phan Hải Phương, Phó chủ tịch UBND P.Bạc Liêu, để đơn vị hành chính mới với rất nhiều trọng trách và nhiệm vụ hoàn toàn mới đi vào vận hành thông suốt, cán bộ, công chức, viên chức của phường đã phải khẩn trương hoàn tất các bước chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến sắp xếp nhân sự, phân công nhiệm vụ. Mục tiêu là rút ngắn khoảng cách giữa người dân với chính quyền địa phương, tạo điều kiện để người dân liên hệ và thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Nguồn: thanhnien.vn