Hiếm có ký giả nào mà cuộc đời và hoạt động được ghi lại khá đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của địa phương, dù trước năm 1975 ông làm báo ở Sài Gòn, như trường hợp ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc.
Quê quán ở làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc cũ, Trần Tấn Quốc (sinh năm 1914) là một trong những ký giả lừng danh của làng báo Sài Gòn xưa. Mới 16 tuổi, vì tham gia rải truyền đơn, năm 1930 ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù và đày ra Côn Đảo.
Ra tù, ông bắt đầu dấn thân vào làng báo. Cùng với Nam Đình – Nguyễn Kỳ Nam, Trần Tấn Quốc là một trong những ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn. Nam Đình làm báo từ năm 1925 và viết bằng tiếng Pháp cho tờ Công Luận. Còn Trần Tấn Quốc khởi đầu bằng loạt phóng sự Bọn móc túi ở Sài Gòn đăng hằng ngày trên tờ Việt Nam của Nguyễn Phan Long, năm 1936.
Dù cách biệt tuổi đời và tuổi nghề, nhưng Nam Đình và Trần Tấn Quốc luôn gắn bó cùng nhau qua nhiều thời kỳ. Từ năm 1940 – 1945, hai ông chủ trương biên tập nhựt báo Điển Tín của Lê Trung Cang. Từ 1946 – 1947 “nắm bút quyền” 2 tờ Tin Điển và Tin Mới của cô Anna Lê Trung Cang. Tiếp theo là 2 tờ Dư Luận và Việt Thanh của Nguyễn Phan Long rồi từ 1968 – 1972 là tờ Đuốc Nhà Nam nổi tiếng.

Ký giả Trần Tấn Quốc ẢNH: TƯ LIỆU
Trần Tấn Quốc tên thật Trần Chí Thành. Từ năm 1936 – 1975, ông đã làm báo qua 7 chế độ chính trị khác nhau. Khởi đầu từ chế độ Pháp thuộc, chế độ quân phiệt Nhật, tiếp theo là thời kỳ Việt Minh, Nam Kỳ Quốc, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Trong 40 năm làm nghề, ông ký nhiều bút danh, như: Trần Chí Thành, Trần Tấn Quốc, Thanh Tâm, Trần Tử Văn, Thanh Huyền, Trần Cao Lãnh…
Bước tập tễnh vào nghề
Theo tác giả Thiện Mộc Lan trong Bốn mươi năm làm báo, khi vừa đậu bằng Sơ học, Trần Tấn Quốc đã nuôi mộng lấy bằng Thành chung để đi làm ký giả. Mộng chưa thành thì ông bị lưu đày biệt xứ. Ra tù năm 1934, đang lúc bơ vơ ở vùng đất lạ Sài Gòn, ông may mắn gặp được Giáo sư Đinh Nho Hàng, thương tình, đưa về nhà nuôi ăn ở và cho vào học ké lớp tư thục.

Tin Điển – một trong những tờ báo Trần Tấn Quốc từng làm chủ nhiệm ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Nhiều lần tỏ ý muốn làm báo, ông bị Giáo sư Hàng vặn hỏi: “Anh làm báo để làm gì?”. Ông trả lời: “Để viết những điều mà tôi nghĩ có ích lợi cho đồng bào”. “Ai bảo anh làm thế?”. “Tôi hiểu như vậy là xét qua việc làm báo của hai ông Nguyễn An Ninh và Diệp Văn Kỳ”. Giáo sư Hàng hỏi tiếp: “Anh có biết, cũng vì làm báo để binh vực đồng bào mà ông Ninh đã mấy phen vào tù ra khám và hiện nay, một cử nhân luật khoa ở Pháp về, mà ngày ngày phải ôm cặp đi bán dầu cù là đó không?”. Ông Quốc: “Thưa, chính vì vậy mà sự ham muốn viết báo càng thúc giục tôi”.
Theo học và sống với Giáo sư Hàng hơn 1 năm, một hôm, thầy có việc đi tỉnh, ở nhà một mình buồn, ông Quốc ra bùng binh Sài Gòn ngồi chơi trên băng đá, nhìn xe hơi qua lại tới khuya. Bỗng có 2 người đàn ông xề xuống ngồi chung và nói “thứ tiếng” lạ tai:
– Khứa tứ bị cội múm.
Người kia chắc lưỡi:
– Coi khứa ni là khứa ăn bay hay khứa 77?
Người nọ liếc ông rồi nói:
– Hừ, khứa nhủ.
Không hiểu họ nói gì. Hôm sau, Trần Tấn Quốc thuật lại với ông cảnh sát ở gần nhà Giáo sư Đinh Nho Hàng. Ông ta cười ha hả, nói: “Chú em gặp mấy thằng ăn hồ rồi”. “Ăn hồ là gì?”. “Là bọn móc túi. Còn khứa tứ, cội múm… là tiếng lóng của chúng. Khứa tứ là anh tư, khứa nhủ là thằng nhỏ, khứa lẫn là ông già, cội là lính, khứa 77 là lính kín, múm là bắt, ăn bay là ăn cắp vặt… Và “khứa tứ bị cội múm” là “anh tư đã bị lính bắt”.

Buổi Sáng – một trong những tờ báo Trần Tấn Quốc từng làm chủ nhiệm ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Sau khi nghe giải thích, Trần Tấn Quốc nảy sinh ý tưởng viết phóng sự về bọn móc túi ở Sài Gòn. Được Giáo sư Hàng khuyến khích, ông xin theo chân ông cảnh sát. Vậy là trong gần 3 tháng, ông biết được hang ổ của bọn bất lương, hiểu rõ tiếng lóng và mánh lới làm ăn của chúng. Nghe ông kể lại, Giáo sư Hàng bảo: “Anh viết phóng sự đi. Đó là cách mở ngõ cho anh vào làng báo”.
Vậy là ông cắm cúi viết rồi tự mang bài đến bán cho ông Nguyễn Phan Long, Chủ nhiệm tờ Việt Nam. Với tác phẩm đầu tay này, ông được trả nhuận bút 20.000 đồng. Sau khi loạt bài đăng xong, ông được nhận làm phóng viên của tờ Việt Nam với lương tháng 30.000 đồng và chính thức gia nhập làng báo Sài Gòn từ tháng 6.1936.

Ký giả Trần Tấn Quốc trả lời phỏng vấn trên giai phẩm Xuân Dân Tộc, 1962 ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Làm báo như… bắt cóc bỏ dĩa
Năm 1946, lần đầu tiên Trần Tấn Quốc làm chủ bút tờ Tin Điển của Anna Lê Trung Cang rồi sau đó lần lượt làm chủ bút của nhiều tờ khác. “Thời Nam kỳ tự trị, chúng tôi làm báo như… bắt cóc bỏ dĩa. Hễ bị đóng cửa tờ này, chúng tôi nhảy qua tờ khác. Khi tờ khác bị rút giấy phép, chúng tôi chạy mướn manchette của tờ kia. Chỉ trong 18 tháng, tôi làm chủ bút hơn nửa chục tờ báo ngày: Tin Điển, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Sài Thành, Công Chúng“, ông kể trong hồi ký.
Trần Tấn Quốc kể trong 4 năm (1946 – 1949), ông viết báo hăng nhất dưới bút danh Trần Tấn Quốc, mặc dù 2 lần bị bắt trói ké, bịt mắt vì những bài báo đả kích chính sách Nam kỳ tự trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Giữa năm 1947, sau khi 2 tờ Tin Điển phát hành buổi sáng và Tin Mới phát hành buổi chiều bị thu hồi giấy phép, ký giả Nam Đình được ông Nguyễn Phan Long trao cho giấy phép mới ra tờ Việt Thanh. Dù cái tên Việt Thanh còn mới toanh nhưng số lượng in tới 25.000 tờ/ngày. Song, chỉ được một tuần thì 2 lần nhà in bị đập phá.
Năm 1950, lần đầu tiên, ông làm Chủ nhiệm tờ Tiếng Dội, nhưng đến cuối 1954 thì bị rút giấy phép vì “lý do chánh trị”. Trong thời gian làm tờ Tiếng Dội, cũng là lần đầu tiên ông mở trang kịch trường để thúc đẩy ngành sân khấu cải lương, đồng thời sáng lập giải Thanh Tâm dành cho giới nghệ sĩ cải lương. (còn tiếp)

Việt Thanh – một trong những tờ báo Trần Tấn Quốc từng làm chủ nhiệm ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Nguồn: thanhnien.vn