Nhiều ý kiến cho rằng nếu Nghị định 103 áp dụng mức thuế bổ sung 5,4% mỗi năm đối với khoản tiền sử dụng đất chưa nộp như trong dự thảo có thể khiến doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định 103, đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết trước ngày luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành nhưng chưa quyết định giá đất thì thực hiện tính và thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 điều 257 luật Đất đai 2024. Khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất theo quy định tại luật này được tính bằng mức thu 5,4%/năm tính trên số tiền sử dụng đất phải nộp.

Nghị định 103 có thể khiến nhiều doanh nghiệp “chết oan”
Ảnh: Đình Sơn
Theo ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Group, nghị định này sẽ làm nhiều doanh nghiệp (DN) “chết oan” vì nhiều dự án dù đã được giao đất nhưng nhà nước không ra thông báo thuế dẫn đến DN không đóng được. Đến khi được đóng thì vẫn phải nộp phạt 5,4%/năm tính từ lúc giao đất. “Trần Anh Group có khả năng bị tính hơn 100 tỉ đồng tiền phạt này cho dự án Hồng Đạt ở tỉnh Long An (nay đã sáp nhập với tỉnh Tây Ninh). Dự án được giao đất từ năm 2018 nhưng đến nay chưa đóng được tiền sử dụng đất. Nếu năm 2025 được đóng, số tiền sử dụng đất dự kiến là khoảng 300 tỉ đồng, số tiền này nhân với 5,4% nhân với 7 năm là 114 tỉ đồng. Việc nhà nước giao đất nhưng không ra được thông báo cho DN đóng tiền sử dụng đất là do sự tắc trách của cơ quan nhà nước mà bắt DN phải nộp bổ sung là hết sức vô lý. Bởi DN nào cũng muốn đóng số tiền này càng sớm càng tốt”, ông Trần Đức Vinh bức xúc.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thanh, cho biết DN có dự án tại Q.Bình Tân (cũ), TP.HCM, từ năm 2011 đã được giao đất và được Sở Tài chính thẩm định tiền sử dụng đất 18 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó luật có sự thay đổi nên chức năng thẩm định giá đất được chuyển về Sở NN-MT. Dự án sau đó được thẩm định lại với số tiền tương đương. Tuy nhiên công ty thẩm định giá bị mời lên làm việc nhiều lần nên sau đó họ đã hủy kết quả, không làm việc nữa. Đến nay, cơ quan chức năng đã 11 lần đăng báo tìm công ty thẩm định mới nhưng không có DN nào tham gia. Nếu quy định nói trên có hiệu lực, công ty của ông sẽ phải đóng tiền thuế bổ sung 5,4% dù lỗi không phải do mình.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, quy định trong dự thảo rất vô lý bởi DN nào cũng muốn đóng sớm tiền sử dụng đất. Vì dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không đủ điều kiện thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo, bao gồm cả việc mở bán sản phẩm cho khách hàng hay cầm cố vay vốn từ ngân hàng. Không chỉ vậy, dự án không thể triển khai, không thể huy động vốn, dẫn đến chi phí cơ hội bị mất đi, chi phí tài chính (lãi vay ngân hàng) tăng cao trong khi dự án dậm chân tại chỗ. Đây là gánh nặng kép, có thể đẩy DN đến bờ vực phá sản hoặc buộc phải dừng dự án. Đáng nói, việc dự án đã được giao đất nhưng không có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính là lỗi của nhà nước, không phải của DN.
“Bắt DN đóng 5,4% là bất hợp lý vì luật ban hành có hiệu lực năm 2024 nên không thể hồi tố. Lỗi này cũng không phải của DN mà DN luôn muốn đóng càng nhanh càng tốt, bởi không đóng được tiền sử dụng đất thì DN thiệt hại rất nhiều khi không cấp được sổ hồng, không vay vốn ngân hàng được và dự án không triển khai thì chi phí vốn tăng lên”, ông Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Theo thống kê, Tập đoàn Hưng Thịnh có đến 20 dự án bị ảnh hưởng nếu quy định trong dự thảo có hiệu lực. Với các dự án này, DN đã được giao đất từ lâu nhưng mới tạm đóng tiền sử dụng đất. Trong quá trình triển khai dự án có thay đổi quy hoạch nên cần phải đóng thêm tiền sử dụng đất bổ sung. “Đây chỉ là tạm nộp nên số tiền sử dụng đất phải đóng thực tế sẽ còn cao hơn. Khi đó tiền sử dụng đất chính thức trừ đi số tiền tạm nộp sẽ ra con số cần phải đóng thêm, nhân với tiền bổ sung 5,4% sẽ ra số tiền đóng cuối cùng”, đại diện tập đoàn lo lắng.
Chỉ nên áp dụng với TRƯỜNG HỢP chây ì không đóng
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN Đặng Hồng Anh cho hay đã nhận được phản ánh của các DN hội viên về quy định trong dự thảo Nghị định 103. Bản thân ông cũng thấy quy định này đang gây không ít băn khoăn, lo ngại cho các DN. Bởi tiền này là khoản tiền lãi hoặc tiền phạt chậm nộp áp dụng cho khoảng thời gian mà DN chưa thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tuy nhiên, việc chậm nộp không phải do DN chây ì, mà do cơ quan chức năng chưa hoàn tất công tác định giá và tính tiền sử dụng đất. Nếu được thông qua, quy định sẽ tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư khi thực hiện những dự án cần diện tích đất lớn, thời gian tính tiền sử dụng đất kéo dài, đi ngược lại nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của Chính phủ và đi ngược lại nguyên tắc công bằng và minh bạch trong quản lý.
Các hội viên trong hội đều thống nhất kiến nghị hủy bỏ hoàn toàn quy định này. Trách nhiệm hành chính cần được quy rõ cho cơ quan có lỗi. Việc thu bổ sung 5,4%/năm chỉ nên thực hiện đối với các trường hợp mà cơ quan chức năng đã hoàn thành việc tính toán nghĩa vụ tài chính và thông báo cho DN nhưng DN sau đó không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền đúng hạn. Hoặc, việc áp dụng có thể triển khai khi chứng minh DN được hưởng lợi rõ ràng từ quá trình chậm đóng tiền này, chẳng hạn như tận dụng khoản tiền chưa nộp để đầu tư sinh lời.
“Việc tháo gỡ vướng mắc này không chỉ mang lại công bằng cho các DN đang chịu thiệt hại, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của nhà nước với cộng đồng DN. Một chính sách đất đai công bằng, minh bạch, dễ dự báo sẽ là nền tảng vững chắc để DN tự tin đầu tư, phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế VN. Chúng tôi mong rằng tiếng nói từ thực tiễn sẽ được lắng nghe và chuyển hóa thành những quy định pháp luật hợp lý, kịp thời”, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Cũng cho rằng khoản nộp bổ sung nói trên là vô lý nên ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề nghị không quy định khoản tiền bổ sung cho khoảng thời gian chậm xác định tiền sử dụng đất trước thời điểm ngày 1.8.2024. Chỉ xác định khoản tiền bổ sung cho khoảng thời gian chậm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê kể từ ngày 1.8.2024 cho đến ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, trừ đi khoảng thời gian 180 ngày là thời hạn mà UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất theo quy định tại luật Đất đai 2024.
Đi ngược mục tiêu kìm giá bất động sản
Trong khi nhà nước kêu gọi kiềm chế giá bất động sản, làm giảm sự tăng giá bất hợp lý trên thị trường thì việc áp dụng quy định này có thể đi ngược lại các mục tiêu đó. Vì nó sẽ làm tăng chi phí sản xuất, chi phí giá thành từ đất đai. Nên cần phải xem xét để tạo điều kiện cho DN sớm bình ổn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN
Nguồn: thanhnien.vn