Tháng 6/2025 ghi nhận dấu mốc bứt phá của kinh tế tư nhân Việt Nam khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt kỷ lục, đạt hơn 24.000 đơn vị, gấp đôi so với cùng kỳ các năm 2021–2024.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt hơn 24.000 đơn vị trong tháng 6/2025.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, chưa khi nào số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng đạt 16.000 đơn vị.
Không chỉ dừng lại ở số doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng đạt trên 14.000 đơn vị trong tháng 6 tăng gần 91% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, có hơn 91.000 doanh nghiệp thành lập mới và 61.000 doanh nghiệp quay lại thị trường.
Cùng với doanh nghiệp, số lượng hộ kinh doanh mới trong tháng 6 cũng tăng gấp 2,4 lần mức trung bình tháng giai đoạn 2021–2023. Dư địa thị trường, tốc độ hồi phục sức mua và các chính sách hỗ trợ đã phần nào kích hoạt lại tinh thần kinh doanh, khởi sự làm ăn từ cấp độ nhỏ nhất của nền kinh tế.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu còn nhiều bất định, việc các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn thành lập, tái gia nhập thị trường và bổ sung vốn đầu tư là minh chứng rõ rệt cho sự cải thiện môi trường thể chế và hiệu quả của chính sách.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2024, một con số đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn còn tiềm ẩn áp lực và chi phí đầu vào chưa giảm đồng đều.
Có thể khẳng định, doanh nghiệp đã có sự dịch chuyển về mặt tư duy: thay vì “án binh bất động” chờ tín hiệu rõ ràng, họ đã chủ động tăng cường nội lực, cải thiện năng lực quản trị và đầu tư dài hạn. Đây là một tín hiệu tích cực với thị trường, đặc biệt khi khối tư nhân chiếm trên 60% GDP và đóng vai trò đầu kéo trong tạo việc làm và đổi mới sáng tạo.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp những năm gần đây không còn chỉ dừng lại ở các gói miễn, giảm, giãn thuế hay vốn ưu đãi. Những cải cách có chiều sâu hơn như cải thiện thủ tục hành chính, thúc đẩy hóa đơn điện tử, tích hợp nền tảng số vào quản lý thuế và minh bạch hóa thông tin đang từng bước tái định hình cách doanh nghiệp tương tác với chính quyền.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết việc phân loại hộ kinh doanh thành 4 nhóm theo doanh thu, cùng với lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử, là một trong những cải cách đáng chú ý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và công bằng thuế.
Sự phân nhóm này bao gồm từ hộ kinh doanh nhỏ (dưới 200 triệu đồng/năm) đến nhóm hộ có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm đã giúp cơ quan thuế “định vị” được nhóm cần hỗ trợ, đồng thời là nền tảng để hộ kinh doanh lớn từng bước chuyển sang mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. Cùng với đó, việc đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 400 triệu đồng/năm cũng là một bước tiến nhằm giảm gánh nặng hành chính với nhóm siêu nhỏ – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhưng sức chịu đựng hạn chế.
Một điều không thể không nhắc đến, đó là thành công của các chính sách chỉ có thể đạt được khi lấy doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách. Việc tăng số lượng thành lập mới hay quay lại hoạt động là kết quả của sự dịch chuyển đồng bộ trong tư duy chính sách từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “kiểm soát” sang “đồng hành”.
Niềm tin của doanh nghiệp không đến từ những tuyên bố mang tính khẩu hiệu, mà từ trải nghiệm thực tế – thủ tục rút gọn hơn, dịch vụ công nhanh hơn, tiếp cận vốn linh hoạt hơn, và đặc biệt là môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
Từ sự gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp trong tháng 6/2025, có thể khẳng định, nếu được duy trì ổn định trong các quý tiếp theo, có thể tạo cú hích cho tăng trưởng GDP năm nay đạt mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, thách thức không nằm ở số lượng, mà là chất lượng. Cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển bền vững – từ đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyển đổi số, đến kết nối chuỗi cung ứng và bảo vệ quyền lợi pháp lý.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều rủi ro địa chính trị và kinh tế toàn cầu có thể tạo cú sốc bất ngờ, việc xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp có khả năng chống chịu, thích ứng linh hoạt và đổi mới sáng tạo sẽ là ưu tiên lớn nhất.
Làn sóng thành lập mới và tái gia nhập thị trường mạnh mẽ trong tháng 6/2025 là minh chứng cho sức sống của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, để làn sóng này không chỉ là “cơn sóng ngắn”, mà trở thành “dòng chảy dài hạn”, cần sự kiên định trong cải cách, minh bạch trong chính sách và tinh thần đồng hành thực chất từ phía nhà nước.
Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới thực sự trở thành “cỗ máy chủ lực” đưa Việt Nam vững bước trên hành trình phát triển kinh tế bền vững và tự chủ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn