Đặc khu Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là ‘đặc khu đặc biệt của đặc biệt’ bởi vị trí địa chiến lược quan trọng trên Biển Đông, đóng vai trò trọng yếu – tiền tiêu.
Trường Sa vì cả nước
Hơn 50 năm kể từ ngày giải phóng (29.4.1975), Đặc khu Trường Sa đã thực sự “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”. Để có Trường Sa như hôm nay, rất nhiều mồ hôi, công sức, xương máu của bao thế hệ quân và dân đã đổ xuống từng sải nước, từng viên đá san hô Trường Sa.

Đảo Trường Sa của đặc khu Trường Sa, nhìn từ trực thăng quân sự
ẢNH: PV
Ngày 29.4.1975, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 hoàn toàn giải phóng – tiếp quản 5 đảo (Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca) trên quần đảo Trường Sa.
Ngay sau đó, Vùng 4 Hải quân và các đơn vị trong Quân chủng Hải quân, đã vượt qua mọi khó khăn về phương tiện, vật chất đảm bảo, nhân lực, vật lực để đóng giữ thêm các đảo An Bang (10.3.1978), Sinh Tồn Đông (17.3.1978), Phan Vinh (30.3.1978), Trường Sa Đông (19.4.1978).

Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) trò chuyện với các học sinh thị trấn Trường Sa, trong chuyến bay ra thăm và chúc tết quân và dân huyện đảo Trường Sa (nay là đặc khu Trường Sa), ngày 16.1.2025
ẢNH: P.V
Đặc khu Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá ngầm nằm ở phía đông và đông nam bờ biển Việt Nam, cách phường Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý (gần 460 km) và cách phường Vũng Tàu (TP.HCM) 305 hải lý.

Mốc chủ quyền (do chính quyền Việt Nam cộng hòa đặt ngày 22.8.1956) được bảo tồn trên đảo Song Tử Tây
ẢNH: MAI THANH HẢI
Thời Pháp thuộc, đặc khu Trường Sa thuộc quản lý của tỉnh Bà Rịa (Nam kỳ). Sau khi người Pháp rời khỏi Việt Nam theo quy định của Hiệp định Genève 1954, quyền kiểm soát các đảo Trường Sa thuộc về chính phủ Việt Nam cộng hòa.
Cuối tháng 8.1956, phái bộ quân sự của chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đến thị sát và đặt mốc chủ quyền trên các đảo chính Trường Sa. Mốc khắc chữ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22.8.1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.
Hai mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (thuộc đặc khu Trường Sa, Khánh Hòa) được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2014.

Mốc chủ quyền 1956 được bảo tồn trên đảo Nam Yết
ẢNH: P.V
Tháng 10.1956, chính quyền Việt Nam cộng hòa ra sắc lệnh số 143-NV, Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (sau là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nay là TP.HCM).
Đầu tháng 9.1973, Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa ban hành Nghị định số 420-BNV/HCĐP/26 sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Đảo Trường Sa, cuối những năm 80 đầu 90
ẢNH: TƯ LIỆU
Trước đó, tháng 8.1973, quân lực Việt Nam cộng hòa đưa 64 binh sĩ của Tiểu đoàn 371, địa phương quân tỉnh Phước Tuy ra đồn trú trên đảo Nam Yết và chọn là sở chỉ huy của quần đảo. Đầu tháng 1.1974, các binh sĩ Việt Nam cộng hòa tiếp tục đóng giữ trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa.
Đầu tháng 4.1975, thực hiện chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 đã đưa lực lượng ra giải phóng, tiếp quản các đảo Song Tử Tây (14.4.1975), Sơn Ca (25.4), Nam Yết (27.4), Sinh Tồn (28.4), Trường Sa (29.4).

Âu tàu ở Trường Sa, nhìn từ trực thăng quân sự
ẢNH: PV
Sau ngày 30.4.1975, Tiểu đoàn bộ binh 4 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) làm nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ 5 đảo Trường Sa và cuối tháng 5.1975, chuyển về Hải quân.
Tháng 10.1975, Tư lệnh hải quân Đoàn Bá Khánh ký quyết định sáp nhập Trung đoàn 126 hải quân với Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu 3), thành Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, căn cứ Cam Ranh.
Ngày 8.5.1978, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 391/QĐ-QP chính thức thành lập Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa (trực thuộc Quân chủng Hải quân). Cuối tháng 7.1980, Trung đoàn 146 được nâng cấp thành lữ đoàn và ngày 23.6.1981, được điều từ Quân chủng Hải quân về Vùng 4 Hải quân, cho đến nay.
Đặc biệt, trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88), Vùng 4 Hải quân cùng các lực lượng đã vượt lên vô vàn thử thách và sự ngăn cản của hải quân Trung Quốc, vừa tích cực xây dựng thế trận phòng thủ trên các đảo, vừa triển khai đóng giữ ở các đảo chìm, kịp thời ngăn chặn, không cho lực lượng quân sự Trung Quốc mở rộng chiếm đóng trái phép, đưa tổng số đảo ta đóng giữ từ 9 lên 21 đảo (Trường Sa, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, Đá Lớn, Tốc Tan, Tiên Nữ, Đá Đông, Núi Le, Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Đá Nam) với nhiều điểm đóng quân.

Đảo Trường Sa, năm 1988
ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI
Trong trận chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao (Trường Sa), ngày 14.3.1988, bộ đội Hải quân đã quyết tử bảo vệ đảo và 64 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 83 Hải quân, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân), Đoàn 6 Hải quân, Học viện Hải quân đã anh dũng hy sinh.
Từ 1975 đến nay, đặc khu Trường Sa có gần 200 cán bộ chiến sĩ Hải quân, Phòng không, công nhân đã ngã xuống, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Cả nước vì Trường Sa
Ngày 6.4.1983, ông Hồ Ngọc Nhường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) lần đầu tiên dẫn đoàn đại biểu của tỉnh ra thăm Trường Sa và đặt đá chủ quyền trên đảo Thuyền Chài.
Tháng 4.1984, các huyện trong tỉnh Phú Khánh kết nghĩa với các đảo của huyện Trường Sa và Tổng cục Bưu điện thành lập bưu điện huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Phú Khánh), thông báo mã vùng hoạt động với số máy cố định 53.800.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đặc khu Trường Sa
Sau 30.4.1975, Trường Sa thuộc quản lý hành chính của huyện Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngày 9.12.1983, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28.2.1982, Quốc hội khóa VII ra nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

Quân và dân đảo Nam Yết bầu cử năm 1981
ẢNH: TƯ LIỆU
Ngày 1.7.1983, UBND tỉnh Phú Khánh chỉ định lâm thời 5 cán bộ Lữ đoàn 146 làm lãnh đạo huyện Trường Sa. Chủ tịch UBND huyện là trung tá Phạm Công Phán (lữ đoàn trưởng). Thiếu tá Trần Đức Thông (phó lữ đoàn trưởng) làm Phó chủ tịch.
Tháng 6.1984, HĐND huyện Trường Sa họp lần đầu tiên và bầu ông Trần Nhưỡng làm Chủ tịch UBND huyện. 2 Phó chủ tịch huyện là trung tá Ngô Sĩ Ta (Chính ủy Lữ đoàn 146), thiếu tá Trần Đức Thông (phó lữ đoàn trưởng).
Ngày 11.4.2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2007/NĐ-CP thành lập thị trấn Trường Sa và 2 xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Các thị trấn và xã này được thành lập trên cơ sở các hòn đảo cùng tên và các đảo, đá, bãi phụ cận.

Quân và dân Trường Sa bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, năm 1997
ẢNH: TƯ LIỆU
Ngày 16.6.2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1667/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ “sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thành đặc khu Trường Sa”.

Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiễn người thân ra sinh sống tại Trường Sa, năm 2006
ẢNH: MAI THANH HẢI
Hiện nay, trụ sở của đặc khu Trường Sa nằm tại trụ sở UBND – HĐND huyện Trường Sa (cũ), trong căn cứ Cam Ranh, Khánh Hòa.
Ngày 1.7.2025, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo tỉnh và ông Trần Quốc Nam (Chủ tịch UBND tỉnh) trực tiếp theo dõi chỉ đạo đặc khu Trường Sa.
Cuối tháng 5.1984, ông Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh dẫn đầu đoàn đại biểu 25 người của tỉnh, lần thứ 2 ra thăm các đảo Trường Sa và đặt bia chủ quyền trên đảo Đá Tây.
Chuyến đi này có sự tham gia của nhạc sĩ Hình Phước Long, tác giả của bài hát Gần lắm Trường Sa (sáng tác năm 1982) nổi tiếng.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) thăm, động viên bộ đội đảo Núi Le, Trường Sa đang trực chiến, tháng 4.2022
ẢNH: MAI THANH HẢI
Đầu năm 1988, trước tình hình căng thẳng do phía Trung Quốc gây ra ở Trường Sa, HĐND tỉnh Phú Khánh (khóa III), tổ chức kỳ họp bất thường, quyết định thành lập Ban chi viện Trường Sa (trực thuộc UBND tỉnh) và phát động phong trào Hướng về Trường Sa, sẵn sàng chi viện cho Trường Sa.

Quà tặng của nhân dân TP.HCM gửi tặng quân và dân huyện Trường Sa, tháng 4.1988
ẢNH: TƯ LIỆU
Sau sự kiện 14.3.1988, Trường Sa được đầu tư mọi mặt. Cả nước hướng về Trường Sa với phong trào Tất cả vì Trường Sa thân yêu, Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước; Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc…
Năm 1989, cùng với đẩy mạnh phong trào Cả nước vì Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và TP.Hải Phòng đã triển khai xây dựng 2 nhà cấp 1 ở đảo Thuyền Chài và Đá Đông.

Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ 4 từ phải qua) và đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, tỉnh Khánh Hòa ra thăm, làm việc tại Trường Sa, tháng 5.1988
ẢNH: NGUYỄN VIẾT THÁI
Từ năm 1991, đời sống của bộ đội Trường Sa đã được cải thiện. Các đảo đã được trang bị radio, cassette. Từ giữa 1991, bộ đội trên đảo Trường Sa đã được xem chương trình truyền hình Trung ương qua vệ tinh. Đất và hạt giống rau cũng được đưa ra trồng, bước đầu bộ đội đã được ăn rau tươi.

Vệ tinh thu sóng truyền hình lắp đặt tại Trường Sa, năm 1991
ẢNH: TƯ LIỆU
Đầu tháng 4.1993, Phó thủ tướng Trần Đức Lương và đoàn công tác của Chính phủ ra thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn DK 1.
Năm 1999, Trung ương Đoàn phát động phong trào Nghĩa tình biên giới, hải đảo, nhiều tổ chức Đoàn đã kết nghĩa với tuổi trẻ Trường Sa.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên (thứ 2 từ phải qua) ra thăm bộ đội Trường Sa, tháng 5.2025
ẢNH: BÁ DUY
Ngày 10.11.2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ quần đảo Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, tầm nhìn 2020 (đề án 1492).
Đây là đề án tập trung vào nhiều lĩnh vực (xây dựng lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hải quân, về phòng thủ bảo vệ biển đảo…), đánh dấu giai đoạn xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân.
Đặc khu Trường Sa hiện có 9 hải đăng (đèn biển) do Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, thuộc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam (Bộ Xây dựng) quản lý, vận hành bắt đầu từ năm 1993.

Quân và dân đặc khu Trường Sa thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tuần, trên đường băng sân bay Trường Sa, phía sau là âu tàu
ẢNH: P.V
Đặc khu Trường Sa có hàng chục âu tàu lớn, sức chứa hàng trăm tàu thuyền và khu hậu cần nghề cá tại các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Tây, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Đá Lớn, Núi Le, Đá Nam, Tiên Nữ…
Đặc khu Trường Sa có nhiều ngôi chùa: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông…
Tất cả các đảo thuộc đặc khu đều có trung tâm y tế, bệnh xá…
Đặc khu Trường Sa có gần 100 hộ dân, sống rải rác ở nhiều đảo, nhưng tập trung nhất ở thị trấn Trường Sa, 2 xã Song Tử Tây, Sinh Tồn và làng chài Đá Tây.

Xã Song Tử Tây thuộc đặc khu Trường Sa, nhìn từ trên cao
ẢNH: PV
Những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã xây dựng nhiều công trình tặng Trường Sa, như: Nhà khách Thủ đô trên đảo Trường Sa (TP.Hà Nội); Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị trấn Trường Sa (Nghệ An); Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đảo Trường Sa (Bình Phước); Nhà văn hóa tại đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca; Tượng đài Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại Song Tử Tây; Trung tâm văn hóa tại Nam Yết…
Mới đây nhất, ngày 28.1.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó nhấn mạnh: “Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”…
Một số hình ảnh về đặc khu Trường Sa trước đây và hôm nay

Bộ đội Trường Sa thực hiện nghi lễ thượng cờ Tổ quốc
ẢNH: MAI THANH HẢI

Bộ đội đảo Sinh Tồn, năm 1993
ẢNH: TƯ LIỆU

Học sinh và hộ dân của đảo Sinh Tồn thuộc đặc khu Trường Sa, hôm nay
ẢNH: MAI THANH HẢI

Xã Sinh Tồn thuộc đặc khu Trường Sa, nhìn từ trực thăng quân sự
ẢNH: P.V

Đảo Phan Vinh thuộc đặc khu Trường Sa
ẢNH: PV

Trung tâm đặc khu Trường Sa hôm nay
ẢNH: PV

Tàu hộ vệ tên lửa 016, thuộc Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) tuần tra bảo vệ chủ quyền đặc khu Trường Sa
ẢNH: P.V

Thị trấn Trường Sa, nhìn từ trên cao
ẢNH: P.V

Tàu đánh của ngư dân Việt Nam neo đậu trong âu tàu Trường Sa
ẢNH: MAI THANH HẢI

Đại diện các hộ dân ở đặc khu Trường Sa
ẢNH: MAI THANH HẢI

Người dân làng chài Đá Tây, thuộc đặc khu Trường Sa
ẢNH: BÁ DUY
Nguồn: thanhnien.vn