Friday, July 4, 2025

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh: Lê Trung, họa sĩ của giới bình dân

Theo tác giả Phạm Công Luận trong ‘Sài Gòn phong vị báo xuân xưa’, trong ký ức của nhiều người sống ở miền Nam trước 1975, ấn tượng từ những bức tranh do họa sĩ Lê Trung vẽ trên báo xuân không bao giờ phai mờ.

Nổi tiếng vẽ truyền thần

Họa sĩ Lê Trung tên thật Lê Toàn Trung, sinh năm 1919 (chưa rõ năm mất), quê ở làng Long Phú, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc cũ. Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Gia Định, ông thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội và là sinh viên người miền Nam duy nhất đỗ đầu trong cuộc thi tuyển chính thức năm 1933. Năm đó, chỉ có 2 người thi đậu vào trường này là Lê Trung (Nam kỳ) và Tô Văn Son (Bắc kỳ – theo Tân Châu 1870 – 1964 của tác giả Nguyễn Văn Kiềm).

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh: Lê Trung, họa sĩ của giới bình dân

Bìa báo xuân do họa sĩ Lê Trung vẽ ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Sở trường của Lê Trung là vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật bằng phấn màu và màu nước. Sau thời gian dạy ở nhiều trường, ông mở xưởng vẽ lớn và một lớp dạy riêng hội họa thực hành, đã đào tạo một số học trò thuộc nhiều quốc tịch như Pháp, Mỹ, Ấn Độ… Từ năm 1937 – 1964, họa sĩ Lê Trung hơn 30 lần dự triển lãm trong và ngoài nước, như ở Pháp, Ý, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Malaysia, Campuchia… Ông đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đoạt giải nhất trong nước và quốc tế với các cuộc thi bích chương năm 1938, 1939, giải nhất tranh hí họa năm 1940 và năm 1941.

Rất nổi tiếng về khoa truyền thần, họa sĩ Lê Trung vẽ rất nhiều chân dung của các nhân vật quan trọng, chính khách và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ngoài ra ông còn cộng tác với báo chí và các nhà xuất bản để vẽ tranh minh họa, truyện lịch sử, nhi đồng, thỉnh thoảng ông còn viết bài khảo cứu về chuyên ngành đăng báo dưới bút danh Tân Châu Tử.

Họa sĩ của giới bình dân

Họa sĩ Lê Trung được giới bình dân biết đến nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vì mỗi năm ông đều xuất bản nhiều bộ tranh tứ thời. Đề tài được lấy từ các truyện thơ như Vân Tiên – Nguyệt Nga, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông, Lâm Sanh-Xuân Nương, Nàng Út Ống Tre, Thoại Khanh – Châu Tuấn… Loại truyện tranh này có 4 tấm, mỗi tấm có 3 ô tranh, bán với giá rẻ, từ thành thị tới nông thôn đều ưa chuộng.

Vào thập niên 1960, nhất là những ngày Tết Nguyên đán hoặc đám tiệc, trong những căn nhà lá, vách tre ở làng quê miền Tây Nam bộ gần như nhà nào cũng treo từ 1 đến 3, 4 bộ truyện tranh tứ thời, màu sắc tươi tắn. Dưới mỗi khung tranh đều minh họa bằng 2 hoặc 4 câu thơ… Ở đầu mỗi tấm tranh hoặc ở góc phải tấm cuối cùng thường in tên và chữ ký của tác giả Lê Trung. Ở thể loại này, Lê Trung và họa sĩ Hoàng Lương vẽ nhiều nhất.

Nhân vật nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh: Lê Trung, họa sĩ của giới bình dân

Bìa tập học sinh do họa sĩ Lê Trung vẽ ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Từ 1948 – 1954, họa sĩ Lê Trung được mời làm cộng tác viên tập san Sud Est Asiatique của Pháp chuyên vẽ minh họa và trang trí. Bấy giờ, ông đã mở xưởng vẽ riêng; đồng thời đảm nhận thực hiện bìa sách và vẽ minh họa, vẽ bìa cho nhiều tờ báo xuân xuất bản ở Sài Gòn, như Sài Gòn Mới, Ánh Sáng, Tiếng Chuông… Đặc biệt, tranh vẽ thiếu nữ của Lê Trung được xem là sáng giá nhất so với các họa sĩ khác.

Từ năm 1958, trên báo Sài Gòn Mới có nhiều họa phẩm của ông vẽ tặng độc giả. Các họa phẩm này thường kèm theo câu thơ thuyết minh như bức “Thiếu nữ trước cảnh đẹp Nha Trang”, vẽ cô gái áo dài ngồi tạo dáng trên bệ đá ven bờ biển được bố cục theo lối tranh sơn thủy. Bên dưới bức tranh in các câu thơ: “Nước xanh tô sắc biển/Mây bạc phủ chân trời/Con thuyền thấp thoáng ngoài khơi/Biết ai tâm sự ngỏ lời trước sau”.

Cảnh biển, ông vẽ theo thể loại này còn có bức Mến cảnh Vũng Tàu cũng là một cô gái đứng ngắm biển cùng vành nón lá che nghiêng. Thiếu nữ đồng bằng sông Cửu Long có bức Người đẹp trên sông vắng mô tả cô gái áo bà ba bơi xuồng trên dòng kinh băng qua cánh đồng lúa. Gương mặt, thần thái người thiếu nữ ấy ta cũng bắt gặp ở cô gái cầm lọn bông súng dạo bước trên đường làng trong bức Châu Đốc dịu hiền

Độc đáo tranh thiếu nữ

Nhà văn Tô Kiều Ngân trong Mặc khách Sài Gòn kể hồi năm 1954, khi cùng Thanh Nam chủ biên tờ tuần san Thẩm Mỹ, ông có đăng bài phê bình hội họa miền Nam của Tạ Tỵ. Trong đó, Tạ Tỵ chê tranh thiếu nữ của Lê Trung là “vẽ bức nào cũng giống nhau như chụp hình, thiếu sáng tạo”, trong khi Lê Trung được đa số độc giả, nhất là phụ nữ, ưa thích nên bị phản ứng khá dữ dội.

“Ngày nào tòa soạn cũng nhận được thư gửi cho chủ báo hoặc Tạ Tỵ, mà thư nào cũng chứa đựng những lời mạt sát nặng nề. Chủ báo rầu thúi ruột. Chúng tôi cũng rầu nhưng sợ Tạ Tỵ buồn nên giấu nhẹm và hủy các lá thư đó đi. Thế rồi quan hệ giữa chủ báo và chúng tôi ngày càng lạnh nhạt. Cuối cùng chúng tôi xin nghỉ, còn tờ báo thì đình bản và sau này đổi tên thành Phụ Nữ Diễn Đàn“, Tô Kiều Ngân kể.

Chuyện còn kể họa sĩ Phan Phan rất mê tranh thiếu nữ của Lê Trung và trong một lần gặp thần tượng đã hỏi: “Hình ảnh cô gái đẹp anh vẽ trên bìa báo xuân luôn là một thiếu nữ với đôi mắt to ướt át, mày cong, ngực nở, eo thon và mái tóc dài đen nhánh, có phải là hình ảnh người vợ của anh như nhiều người đồn?”. Họa sĩ Lê Trung cười đáp: “Người ta còn bảo là tôi vẽ người yêu nữa. Thực ra, đó không phải là hình ảnh của vợ tôi, hay của người yêu nào cả. Đó chỉ là một phụ nữ do tôi tưởng tượng ra!”.

Lê Trung còn vẽ tĩnh vật, đề tài thường là trái cây đặc sản Nam bộ như mãng cầu, bưởi, xoài, khóm… Bức tĩnh vật Ngày xuân, ông vẽ quả dưa hấu, đu đủ bổ đôi ruột đỏ au, điểm xuyết là quả mận, quả khế… sống động. Đặc biệt, ông còn vẽ trên bìa tập học sinh với tranh thiếu nữ ở bìa trước và truyện tranh tứ thời ở bìa sau, cho tới bây giờ vẫn là hàng độc và hiếm được giới sưu tầm đồ cổ săn tìm. (còn tiếp)

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img