Nam bệnh nhân 25 tuổi nhập viện trong tình trạng toan ceton do đái tháo đường type 1 trên nền suy kiệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị insulin và kiểm soát đường huyết chặt chẽ.
Vừa qua, Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam V.H.H., 25 tuổi, nghề nghiệp tự do, nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 1, được chẩn đoán cách đây 3 năm, điều trị bằng insulin Mix 16-16 nhưng không tuân thủ đều đặn. Một tuần trước nhập viện, bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng vùng hạ sườn trái, ý thức giảm, đáp ứng chậm, buồn nôn và nôn nhiều. Bệnh nhân được sơ cứu tại cơ sở y tế tuyến dưới, phát hiện đường huyết tăng cao và được chuyển tuyến.
Khi tiếp nhận, bệnh nhân có thể trạng gầy, chỉ số BMI 15,6, dấu hiệu mất nước và nhiễm trùng rõ, Glasgow 14 điểm. Khám lâm sàng không ghi nhận phù, tuyến giáp không to, tim đều, tần số 93 ck/phút, huyết áp 110/70 mmHg, phổi thông khí tốt, bụng mềm, ấn tức vùng thượng vị và quanh rốn, các dấu hiệu thần kinh màng não âm tính.
Cận lâm sàng cho thấy điện tâm đồ nhịp xoang đều, X-quang ngực và bụng không phát hiện bất thường, siêu âm ổ bụng ghi nhận cặn thận hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán toan ceton do đái tháo đường type 1 trên nền suy kiệt thể trạng, kèm dấu hiệu nhiễm khuẩn tiêu hóa và tiết niệu.
Hướng điều trị được triển khai gồm bù dịch bằng NaCl 0,9% và Glucose 5%, bù điện giải theo kết quả xét nghiệm, kiểm soát đường huyết bằng insulin Actrapid điều chỉnh theo đường huyết mao mạch, phối hợp kháng sinh Meropenem và Ciprofloxacin phù hợp mức lọc cầu thận, kết hợp thuốc chống nôn, bảo vệ dạ dày và điều trị triệu chứng toàn thân.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, Glasgow đạt 15 điểm, không sốt, không còn dấu hiệu mất nước, tim phổi ổn định, bụng mềm, hết buồn nôn. Bệnh nhân được hội chẩn thêm để xây dựng kế hoạch kiểm soát đường huyết, phòng ngừa tái phát toan ceton và lên chế độ dinh dưỡng phù hợp với đái tháo đường type 1 trên nền thể trạng suy kiệt.
Bác sĩ Hoàng Mỹ Lệ Dung, Khoa Điều trị tích cực nhấn mạnh: “Người bệnh đái tháo đường type 1 nếu không tuân thủ phác đồ insulin rất dễ rơi vào tình trạng toan ceton – biến chứng cấp tính cực kỳ nguy hiểm. Phát hiện sớm, xử trí kịp thời và quản lý bệnh hiệu quả đóng vai trò quyết định”.
Ca bệnh là lời cảnh báo quan trọng: Kiểm soát đường huyết kém ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 có thể dẫn đến biến chứng nặng, đòi hỏi giám sát chặt chẽ và kế hoạch điều trị cá thể hóa để nâng cao chất lượng sống.