Monday, July 14, 2025

Phơi nhiễm chì từ thai kỳ có thể làm tăng chứng nhanh quên ở trẻ


VTV.vn – Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trường Y Icahn, Đại học Mount Sinai (Mỹ) thực hiện cho thấy việc phơi nhiễm chì ngay từ giai đoạn bào thai hoặc trong những năm đầu đời có thể làm tăng chứng nhanh quên ở trẻ em.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 9/7/2025. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tiềm ẩn nguy cơ suy giảm năng lực học tập và phát triển nhận thức về lâu dài của trẻ em từ việc phơi nhiễm chì.

Công trình nghiên cứu đánh giá khả năng nhận thức của trẻ thông qua bài kiểm tra ghép giống có trì hoãn, một công cụ được quốc tế công nhận để đo lường hiệu suất trí nhớ ở trẻ nhỏ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cách nồng độ chì trong máu trước khi sinh và thời thơ ấu ảnh hưởng đến trí nhớ làm việc ở trẻ em từ 6 đến 8 tuổi như thế nào. Theo đó, trẻ được xem một bức tranh và sau đó phải chọn lại đúng bức tranh đó từ 3 lựa chọn được đưa ra sau một khoảng thời gian ngắn.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình thống kê tiên tiến được triển khai thành công trong các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật và con người, nay được điều chỉnh phù hợp với phân tích dữ liệu trong lĩnh vực dịch tễ học môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ 4 – 6 tuổi có nồng độ chì trong máu cao thường quên nhanh hơn những trẻ khác, ngay cả khi mức độ phơi nhiễm là tương đối thấp. Cụ thể, mức chì trung bình chỉ khoảng 1,7 microgam/decilit máu đã cho thấy rõ tác động tiêu cực đến trí nhớ của trẻ. Ngoài ra, những trẻ lớn tuổi hơn và có mẹ sở hữu chỉ số IQ cao hơn – có xu hướng ghi nhớ tốt hơn.

“Công trình của chúng tôi góp phần mở rộng nền tảng học thuật hiện có bằng cách tích hợp các bài kiểm tra hành vi chủ động – cụ thể là nhiệm vụ DMTS – vốn phổ biến trong các nghiên cứu độc chất trên động vật nhưng lại hiếm khi được áp dụng ở người. Cách tiếp cận chuyển giao này chính là điểm đổi mới then chốt của nghiên cứu”, ông Jamil M. Lane – Tiến sĩ, Thạc sĩ Y tế Công cộng, Giảng viên ngành Y học Môi trường, Trường Y Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai, đồng tác giả chính của nghiên cứu – cho biết.

Theo các tác giả, phát hiện này nhấn mạnh thực tế rằng phơi nhiễm chì ở ngưỡng rất thấp vẫn có thể làm tổn hại đến các chức năng thần kinh then chốt trong giai đoạn phát triển não bộ quan trọng của trẻ nhỏ. Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phơi nhiễm chì, nhất là tại các cộng đồng yếu thế vốn phải chịu gánh nặng môi trường tích tụ qua nhiều thế hệ.

Nghiên cứu này mở ra cánh cửa cho các công trình trong tương lai nhằm tìm hiểu cách các yếu tố phơi nhiễm từ môi trường – như chì – tác động đến những lĩnh vực nhận thức khác như sự chú ý, chức năng điều hành. Nghiên cứu cũng củng cố lập luận cho việc ban hành các chính sách can thiệp nhằm bảo vệ não bộ đang phát triển của trẻ em trước khi những tổn thương không thể phục hồi xảy ra.


PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img