Ngày 13.7, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
Chấm thi không lơ là phòng dịch
Chấm thi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý: “Chấm thi đúng tiến độ nhưng không quên phòng dịch bệnh, dịch bệnh diễn biến từng ngày từng giờ nên không thể chủ quan, trong mọi trường hợp phải lưu ý phòng dịch, không vì việc thi cử mà để dịch bệnh lan rộng”. Ông Độ nêu ví dụ về cách làm phù hợp của ban chấm thi của hội đồng thi TP.HCM khi bố trí giãn cách, lệch giờ chấm, chấm chung theo hình thức trực tuyến.
|
Tại đây, ông Độ đã trao đổi với nhiều giáo viên chấm thi môn ngữ văn. Nhiều giám khảo cho biết đáp án công bố ngắn gọn nhưng hướng dẫn chấm thi rất chi tiết, cho phép giáo viên chấm thi có cơ sở để vận dụng khi chấm những bài làm có tính phát hiện và sáng tạo của thí sinh (TS) chứ không yêu cầu TS phải trả lời đúng ý A, ý B… mới đạt điểm.
Ông Bùi Văn Xuân, Trưởng môn chấm tự luận hội đồng thi tỉnh Yên Bái, cho biết: “Yên Bái có hơn 8.000 bài thi môn ngữ văn, huy động 80 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo chấm khoảng 200 bài thi (2 vòng). Dự kiến ngày 20 – 22.7 Yên Bái sẽ hoàn thành việc chấm thi môn ngữ văn”.
Ngày 12.7, Yên Bái bắt đầu chấm thi môn ngữ văn, ông Xuân thông tin: “Ban chấm thi tự luận dành tới khoảng 3 tiếng rưỡi để chấm chung 10 bài thi trước khi chấm chính thức, qua đó thống nhất cách hiểu, cách vận dụng hướng dẫn chấm, đáp án, biểu điểm mà Bộ GD-ĐT ban hành”.
Ông Xuân giải thích sở dĩ phải dành nhiều thời gian như vậy để chấm chung vì đề thi văn có những phần ra theo hướng mở, hướng dẫn chấm cũng theo hướng mở nên việc chấm phải thống nhất cao trước khi chấm chính thức, tránh thiệt thòi cho học sinh. Việc chấm chung 10 bài cũng đã có phát sinh những tình huống cần thảo luận kỹ. “Trên thực tế với môn văn, học sinh thậm chí có thể viết hay hơn đáp án, không giống hoàn toàn với đáp án nên giáo viên chấm thi phải ghi nhận và có đánh giá xác đáng với những bài làm như vậy”, ông Xuân nói.
Trước các ý kiến tỏ ra lo ngại rằng đáp án môn văn quá “đóng”, có thể gây thiệt thòi cho học sinh có tính sáng tạo, có suy nghĩ riêng…, ông Xuân khẳng định: “Giám khảo chấm thi dựa vào hướng dẫn chấm mà Bộ GD-ĐT ban hành chứ không dựa vào đáp án. Đáp án ngắn gọn, nếu đọc đáp án thì cảm giác bị đóng nhưng hướng dẫn chấm thì lại rất mở, cho phép cán bộ chấm thi có thể vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.
Ví dụ, đáp án đưa câu trả lời như vậy nhưng hướng dẫn chấm cho phép nội dung trả lời tương đương cũng được tính điểm. Như thế nào là “tương đương”, theo ông Xuân, trách nhiệm và cảm nhận của giáo viên chấm thi ở cả hai vòng chấm sẽ hiểu rõ điều đó, nhất là sau khi đã tiến hành chấm chung để thống nhất một cách hiểu về hướng dẫn chấm.
Ông Xuân cho biết giáo viên được huy động chấm thi đều là những người có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm về công tác chấm thi, được học nghiệp vụ, quy chế thi và khảo sát rất kỹ trước khi làm nhiệm vụ. Do vậy hiện tượng giáo viên chấm không đều tay dù có xảy ra ở các năm trước nhưng không đáng kể, nếu có chỉ lệch dưới 1 điểm giữa hai giám khảo chấm 2 vòng độc lập, việc lệch điểm từ 1,5 điểm trở lên và phải chấm vòng 3 hầu như không xảy ra.
Theo ông Xuân, việc chấm kiểm tra cũng rất được coi trọng, tổ chấm kiểm tra gồm những giám khảo có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng nhất và chấm kiểm tra 5% bài thi theo tiến độ chấm. Bài thi được chọn chấm kiểm tra có thể lựa chọn ngẫu nhiên nhưng cũng chủ trương sẽ chọn những bài thi có điểm quá cao hoặc quá thấp để chấm kiểm tra, đảm bảo kết quả chấm là công bằng, khách quan.
Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho biết đã tập dượt cho việc chấm thi trong kỳ thi thử như chấm thi thật. Ngoài tập huấn kỹ về quy chế thi, Phú Thọ đề nghị giám khảo nghiên cứu thật kỹ hướng dẫn chấm, đáp án để tránh thiệt thòi cho TS.
Giáo viên chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Yên Bái
|
Cần đảm bảo quyền lợi của thí sinh
Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), nhấn mạnh yêu cầu khâu chấm kiểm tra phải bảo đảm theo tiến độ chấm để nếu có hiện tượng bất thường thì phát hiện và chỉnh sửa ngay, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc mất điểm.
Nếu làm không đúng quy chế, lập tức thay ngay cán bộ chấm thi
Ông Độ lưu ý về việc chấm thi: “Nhanh mà không vội, chậm mà không trì trệ, chấm kỹ, thật chắc chắn, không vội vàng. Nếu cần thiết thì giãn thời gian, không chạy theo việc đẩy tiến độ, dẫn tới những sơ suất không đáng có”.
Tương tự, với chấm thi trắc nghiệm, ông Độ nhấn mạnh quy trình 4 bước mà Bộ đã hướng dẫn chặt chẽ, không lơ là, chủ quan cho đến phút cuối cùng, kể cả sau khi công bố kết quả thi. Cho rằng “thước đo” chất lượng chấm thi còn ở khâu phúc khảo bài thi, ông Độ đề nghị: “Làm thế nào để sau khi công bố kết quả thi, số lượng TS nhận phúc khảo rất ít, giám khảo chấm thi không phải mời lên để đối chất về việc chấm thi vì kết quả chấm phúc khảo lệch nhiều so với kết quả chấm trước đó”.
Ông Độ nêu yêu cầu: Công nghệ có cao đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là con người, những người được chọn đi chấm thi là năng lực rất tốt, đó là vinh dự nhưng phải gắn với trách nhiệm. Dù đã lựa chọn kỹ rồi nhưng vẫn phải giám sát nghiêm trong quá trình chấm thi, nếu làm không đúng quy chế thì phải lập tức thay thế ngay cán bộ chấm thi đó.
|
Với chấm thi trắc nghiệm, ông Hồng lưu ý: “Bước duy nhất có thể can thiệp vào chấm thi trắc nghiệm là sửa lỗi thông tin trong phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh vì đây là khâu phải can thiệp bằng tay. Do vậy, cần giám sát thật chặt khâu sửa lỗi để tránh tuyệt đối những vi phạm trong chấm thi trắc nghiệm”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo: “Quan điểm là phải vì quyền lợi của người học để giải quyết các tình huống trong kỳ thi. Việc chấm thi cũng như vậy, phải đặt quyền lợi của TS lên trên hết, nhận phần khó khăn, phức tạp về người lớn. Cán bộ chấm thi phải hiểu rất sâu sắc về đáp án, hướng dẫn chấm. Hướng dẫn chấm chính là minh họa chi tiết của đáp án và là căn cứ quan trọng để giáo viên căn cứ, vận dụng trong quá trình chấm thi”.
Ông Độ lưu ý: Người chấm bài là giáo viên đang dạy ngữ văn THPT nên hơn ai hết sẽ ghi nhận những phần bài làm TS hiểu đúng, vận dụng đúng yêu cầu của đề thi; đưa ra câu trả lời đúng hoặc tương đương với đáp án để đánh giá đúng kết quả bài làm của TS.
Với môn thi tự luận, ông Độ nêu yêu cầu: Quan trọng của chấm thi là phải đều tay. Khâu thống nhất điểm chỉ có thể thực hiện thuận lợi khi việc chấm đều tay cả hai vòng, không có sự chênh lệch. Thống nhất hướng dẫn chấm để chung một nhận thức, tránh hiện tượng chấm 2 vòng lệch nhau tới 1 – 2 điểm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu chấm kiểm tra, ông Độ chỉ đạo các địa phương chấm kiểm tra ngay trong những ngày đầu tiên chấm thi để rút kinh nghiệm ngay thay vì chấm xong rồi mới quay lại xử lý thì rất phức tạp. Trong trường hợp cần thiết, trưởng ban chấm thi có thể quyết định sử dụng kết quả chấm kiểm tra để tính điểm cuối cùng cho bài làm của TS. Bộ đưa ra nguyên tắc chấm kiểm tra 5% là ít nhất và rất hoan nghênh nếu nơi nào chấm kiểm tra nhiều hơn.