Khoản thu tiền đất bổ sung là không hợp lý và tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land
ẢNH: ĐỘC LẬP
Quan trọng hơn, việc chậm nộp tiền sử dụng đất của các dự án phần lớn là do vướng về điều kiện khách quan, cơ chế và chính sách. Chẳng hạn, với Hưng Thịnh Land, nhiều dự án bị “tắc” về định giá đất do được mua lại, dở dang và trong quá trình tái cấu trúc có điều chỉnh quy hoạch. Chính vì vậy, nếu bị thu số tiền bổ sung sẽ rất nhiều, là gánh nặng của doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Chính sách cần phải mang tính khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn hoạt động để đóng góp cho kinh tế đất nước. “Chúng tôi đề xuất bỏ luôn mức thu bổ sung 5,4% hay 3,6% vì không hợp lý. Điều này để tạo đồng thuận toàn xã hội, cùng phấn đấu đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước”, ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị.
Đối với chính sách thu tiền sử dụng đất, ông Thắng cũng cho rằng, thực tế doanh nghiệp và người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất thì tiền thuế phải nộp vẫn còn là ẩn số. Nên chăng tính theo bảng giá đất và hệ số để doanh nghiệp xác định được ngay chi phí đầu vào, xác định được giá thành. Đồng thời cán bộ thực thi, đơn vị thẩm định giá cũng dễ làm và mang tính an toàn. Việc “tắc” tiền sử dụng đất sẽ gây thiệt hại lớn cho cả người dân lẫn nền kinh tế. Cần tạo ra chuẩn mực hợp lý, bởi lúc nào người dân muốn nhận bồi thường cao nhưng doanh nghiệp, nhà nước muốn sự hài hòa. Nhắc lại từ ý kiến các chuyên gia, ông cho rằng chính sách thu từ đất đai nên hợp lý, có thể cân nhắc ở mức thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì tận thu từ tiền thuế sử dụng đất.
Nguồn: thanhnien.vn