Monday, July 28, 2025

Những cascadeur Việt Nam đầu tiên bước chân vào Bollywood

Cascadeur là những người thực hiện các cảnh hành động nguy hiểm thay cho diễn viên. Tại VN, nghề này hình thành từ những năm đầu thập niên 1990 (đánh dấu bởi sự ra đời của CLB Cascadeur TP.HCM năm 1992). Trải qua các thế hệ, cascadeur VN đã phát triển mạnh mẽ, sản sinh nhiều tài năng xuất sắc, được công nhận rộng rãi.

20 năm trước, 8 cascadeur đầu tiên của VN, được xem là những người “tinh túy” trong nghề, thành thạo 2 – 3 môn võ cùng nhiều kỹ năng đặc biệt, đã đặt chân đến kinh đô điện ảnh Bollywood của Ấn Độ.

Những người tiên phong

Vào đầu thập niên 1990, nghề cascadeur tại VN bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại TP.HCM. Thời điểm đó, CLB Cascadeur TP.HCM được xem là đơn vị hoạt động chính quy, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thể loại phim hành động.

Những cascadeur Việt Nam đầu tiên bước chân vào Bollywood

Nhóm cascadeur VN tham gia phim Người hai mặt tại Ấn Độ năm 2004: Hàng ngồi: Lữ Đắc Long (trái), Nguyễn Hữu Đức; hàng đứng, từ trái qua: Huỳnh Phú, Quốc Thịnh, Hồ Hiếu, ông Raja, Bùi Văn Hải (Hải Long An), Trần Như Thục, Phan Huỳnh Thanh Tuấn (Tuấn nhào lộn) Ảnh: NVCC

Việc các đoàn phim nước ngoài đến VN hợp tác sản xuất khi đó đã mang lại cho cascadeur Việt một sân chơi quốc tế ngay tại quê nhà. Ông Lữ Đắc Long (59 tuổi), cựu Phó chủ nhiệm CLB Cascadeur TP.HCM, chia sẻ: “Đối với chúng tôi, chuyện đi nước ngoài tham gia phim hành động là điều không tưởng, nó như một giấc mơ vậy”. Bởi vào thời điểm đó, ngành phim ảnh chưa có nhiều sự giao thoa, hợp tác hay cởi mở như hiện nay.

Sau khi tham gia một số dự án hợp tác quốc tế tại VN như Tạm biệt sông Ba (Hàn Quốc, 1992), Hồng hải tặc (Hồng Kông, 1996), và Người Mỹ trầm lặng (Mỹ, 2002), đến giai đoạn 2003 – 2004, các cascadeur VN mới thực sự có cơ hội vươn ra nước ngoài, đặt chân tới Bollywood (Ấn Độ) – một trong những trung tâm điện ảnh lớn nhất châu Á thời bấy giờ. Người có công lớn trong những bước đi tiên phong này không ai khác chính là Lữ Đắc Long.

Theo ông Long, ông Raja – một doanh nhân kiêm nhà sản xuất phim người Ấn Độ, từng thực hiện nhiều dự án tại VN, là cầu nối đưa cascadeur Việt đến Bollywood. Ông Long quen ông Raja, người từng hợp tác với cố NSND Lý Huỳnh, khi đến phim trường để chụp ảnh và đưa tin. Tiếp đó, Peter Hiền (người Ấn gốc Việt) đã tạo ra một sân chơi thực thụ cho cascadeur VN trên phim trường Ấn Độ. Peter Hiền là đạo diễn hành động tài ba ở Bollywood, nổi tiếng đến mức các nhà làm phim phải đặt lịch trước 6 tháng, thậm chí 1 – 2 năm để mời ông. Báo Thanh Niên cũng từng viết bài về những lần sống sót thần kỳ của ông sau tai nạn gãy xương.

Là một trong những thành viên sáng lập CLB Cascadeur TP.HCM năm 1992, cùng với Lê Tiến Dũng (Dũng Lì), cố võ sư Thu Vân và Lê Công Thế, Lữ Đắc Long đã chứng kiến bước tiến quan trọng của cascadeur VN. Lần đầu tiên các cascadeur Việt xuất ngoại là vào năm 2003, khi tham gia một bộ phim Ấn Độ quay tại Singapore và Malaysia. Sau màn ra mắt đó, đến năm 2004, cascadeur VN đến Ấn Độ để góp mặt trong phim Người hai mặt. Đoàn có 8 cascadeur, bao gồm Lữ Đắc Long, Nguyễn Quốc Thịnh, Phan Huỳnh Thanh Tuấn (Tuấn nhào lộn), Huỳnh Phú, Nguyễn Hữu Đức, Trần Như Thục, Hồ Hiếu và Bùi Văn Hải.

Tai nạn kinh hoàng trên đất khách

Lữ Đắc Long chia sẻ: “Trong khi các cascadeur Ấn Độ nhận thù lao 25 USD/ngày, Hồng Kông 50 USD/ngày và Mỹ là 100 USD/ngày, thì cascadeur VN nhận ngang bằng với cascadeur Mỹ”. Điều này khiến nhiều cascadeur nổi tiếng từ các vùng của Ấn Độ tìm đến phim trường Người hai mặt để tìm hiểu lý do.

Những cascadeur Việt Nam đầu tiên bước chân vào Bollywood

Cảnh quay trong Người hai mặt khiến 20 cascadeur gặp tai nạn Ảnh: Lữ Đắc Long

Trong 8 cascadeur VN sang Ấn Độ có nhiều người thông thạo từ hai môn võ trở lên. Nguyễn Quốc Thịnh vừa giỏi “Bình Định võ trận” vừa giỏi taekwondo cũng như đánh đao, thương, kiếm và nhào lộn. Huỳnh Phú là võ sư hapkido 3 đẳng với đòn thế đẹp mắt. Bùi Văn Hải xuất thân từ dân đấu đài chuyên nghiệp. Nguyễn Hữu Đức là võ sĩ taekwondo, aikido (nhất đẳng năm 1995) và còn thành thạo môn võ cổ truyền Tân Khánh Bà Trà. Phan Huỳnh Thanh Tuấn là karatedo tam đẳng và dự bị kiện tướng nhào lộn, cùng với Thanh Sơn cũng là dự bị kiện tướng nhào lộn… Khi chứng kiến họ biểu diễn, mọi người đều vỗ tay thán phục, tạo nên sự gắn kết và hiểu biết sâu sắc hơn giữa cascadeur hai nước.

Phan Huỳnh Thanh Tuấn kể lại một cảnh quay trong phim Người hai mặt, nơi các cascadeur vào vai võ sĩ, giao đấu với nhân vật chính tại một võ đường. “Trong đó, cascadeur phải đánh và bay thẳng lên khán đài cao 6 m”, ông Tuấn kể. Lữ Đắc Long kể thêm: “Ở VN, chúng tôi thường chỉ cho 1 hoặc 2 người bay bằng sức kéo của người. Nhưng trong cảnh quay này, phía Ấn Độ dùng 2 xe tải đậu bên ngoài để kéo dây cáp vào sân võ qua các ròng rọc, rồi cột vào 26 người”. Sự cố kỹ thuật xảy ra khi xe tải chạy sớm và kéo quá mạnh, khiến 20 cascadeur bị kéo thẳng, đập vào tường và cánh quạt. 7 tấm kính trên tường vỡ nát, khiến 16 người bị thương, trong đó có 2 người bất tỉnh là Bùi Văn Hải và một cascadeur Ấn Độ.

Dù gặp tai nạn, các cascadeur vẫn nỗ lực hoàn thành các cảnh quay. Sau 22 ngày tập luyện và quay phim, mỗi người nhận được thù lao tới 50 triệu đồng, tương đương với giải xổ số độc đắc thời đó. 

Cascadeur Lữ Đắc Long chia sẻ: “Ở VN, kính dùng trong các cảnh quay té thường làm từ đường trắng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi sang Ấn Độ, cascadeur Việt phải té vào kính thật, dẫn đến bị tét đầu, phải khâu nhiều mũi. Khâu xong vẫn tiếp tục ăn cơm và quay tiếp”.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img