Bệnh viện Nhân dân 115 lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật tán sỏi túi mật xuyên gan qua da, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, không cần phẫu thuật cắt túi mật.
Xuất viện sau một ngày
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sỏi vùng cổ túi mật, gây chèn ép ống gan chung và ống mật chủ, dẫn đến tắc mật. Theo bác sĩ Huy, đây là một biến chứng nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể gây nhiễm trùng đường mật, viêm tụy hoặc suy gan.
Thông thường, với những trường hợp như vậy, lựa chọn điều trị sẽ là phẫu thuật cắt túi mật (mổ hở hoặc mổ nội soi). Tuy nhiên, bệnh nhân này có nhiều bệnh lý nền, thể trạng yếu, khiến việc phẫu thuật trở nên nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong và sau mổ. Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi túi mật xuyên gan qua da.
“Đây là một kỹ thuật can thiệp tối thiểu, trong đó bác sĩ sử dụng dụng cụ chuyên dụng đi xuyên qua gan, tiếp cận túi mật qua da để lấy hoặc tán sỏi bằng sóng xung kích hoặc các thiết bị tán sỏi khác. Quá trình này thường được hướng dẫn bằng hình ảnh (siêu âm, chụp C-Arm, DSA…) để đảm bảo an toàn, chính xác. Hiệu quả điều trị tương đương mổ nội soi hoặc mổ hở”, bác sĩ Huy nói.
Ca can thiệp được thực hiện trong thời gian ngắn, bệnh nhân hồi phục tốt và được xuất viện chỉ sau 1 ngày, điều hiếm thấy với các trường hợp phẫu thuật tắc mật do sỏi trước đây.
Theo bác sĩ, ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là không cần gây mê toàn thân như phẫu thuật khác. Ngoài ra, kỹ thuật này ít đau, thời gian hồi phục nhanh, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh có thể trạng yếu. Giữ lại được túi mật, một cơ quan vẫn có vai trò trong tiêu hóa và điều hòa mật.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM thực hiện tán sỏi túi mật xuyên gan qua da ẢNH: D.T
Không vội cắt túi mật khi bị sỏi túi mật
Theo bác sĩ, túi mật là nơi dự trữ và cô đặc dịch mật do gan tiết ra, giúp tiêu hóa chất béo hiệu quả. Khi ăn, túi mật co bóp để đẩy mật xuống ruột non hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Sỏi túi mật cũng là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở người trung niên, người có chế độ ăn giàu chất béo hoặc ít vận động.
Cắt túi mật được xem là giải pháp dứt điểm cho bệnh sỏi túi mật. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc sống không có túi mật có thể gây ra một số ảnh hưởng lâu dài mà không phải bệnh nhân nào cũng lường trước được.
Theo đó, nếu cắt túi mật sẽ dẫn đến tình trạng dịch mật không còn được dự trữ mà chảy liên tục xuống ruột, khiến khó tiêu hóa mỡ, dễ gây tiêu chảy, đầy hơi. Một số người gặp hội chứng sau cắt túi mật: đau bụng dai dẳng, khó tiêu, mệt mỏi.
Có nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc không còn túi mật và tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường, dù còn tranh cãi.
Tuy nhiên, bác sĩ Huy cho rằng, không phải cứ phát hiện sỏi là phải cắt túi mật. Nếu mắc sỏi túi mật và có nhiều lo ngại về phẫu thuật, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá đúng tình trạng, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất.
Đặc biệt, với những trường hợp sỏi chưa biến chứng, nguy cơ tái phát thấp, và đặc biệt là bệnh nhân muốn giữ lại túi mật, các phương pháp như tán sỏi xuyên gan qua da là lựa chọn nên cân nhắc.
Việc Bệnh viện Nhân dân 115 thực hiện thành công kỹ thuật này tại TP.HCM không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn mở ra thêm lựa chọn điều trị an toàn, hiệu quả cho người bệnh, giảm nhu cầu mổ mở hoặc cắt bỏ túi mật không cần thiết.
Điều này cũng khẳng định vị thế của bệnh viện trong việc áp dụng các công nghệ y tế can thiệp hiện đại, bắt kịp với xu hướng điều trị tiên tiến trên thế giới.
Nguồn: thanhnien.vn