Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường, khu vực đô thị còn là điểm nóng của dịch Covid-19, tác động lớn đến hoạt động kinh tế – xã hội.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh, có khả năng chống chịu thiên tai, dịch bệnh.
Những thách thức lớn
Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay đã đạt khoảng 10%, với 870 đô thị phân bố đều trên cả nước. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng…
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, các đô thị Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là 138 đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, nước biển dâng; 143 đô thị miền núi và Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… Tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, vấn đề ngập úng đô thị ngày càng phổ biến do bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, mảng xanh ngày càng thu hẹp… Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực bị tác động nặng nề như sản xuất, kinh doanh, giáo dục đã làm nảy sinh các vấn đề hoàn toàn mới mà chính quyền địa phương phải giải quyết.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, trường học, khu liên hợp thể thao… làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; cũng như việc đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu đã đặt ra bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai. Theo đó, trong quá trình phát triển đô thị, các nhà quy hoạch cần quan tâm đến không gian dự trữ, được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn.
Tăng sức đề kháng cho đô thị
Theo ông Trần Ngọc Chính, để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thế, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
“Với các đô thị nhỏ, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư cần bảo đảm có đủ không gian xanh cho người dân, không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Với đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cần sớm hình thành các đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô”, ông Trần Ngọc Chính nêu giải pháp.
Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dịch bệnh đã làm thay đổi cách nhìn về quy hoạch đô thị, đặt ra những vấn đề mới về kiểm soát và phát triển đô thị để thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin, thành phố đang thực hiện những công việc lớn liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị, kể cả định hình phát triển Thủ đô; trong đó có việc xây dựng quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030. tầm nhìn đến năm 2050. Việc tái thiết đô thị cũng sẽ được Hà Nội ưu tiên thực hiện để tương thích, đồng bộ với quá trình đô thị hóa, thiết lập không gian công cộng đa năng; cải tạo lại chung cư cũ toàn diện, giãn dân khu phố cổ…
Trước các thách thức lớn nảy sinh do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030. Sắp tới, sẽ có chỉ đạo ở cấp cao hơn, đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ nghị quyết này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác này.
Về nhiệm vụ trước mắt, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái thông tin, Bộ và các địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý quy hoạch và các hoạt động của đô thị dựa trên cơ sở dữ liệu thông minh; triển khai Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, với mục tiêu xây dựng đầy đủ cơ sở để giúp các đô thị có khả năng dự báo, nắm bắt thông tin cảnh báo sớm; đô thị được đầu tư hệ thống hạ tầng bảo đảm đủ khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai…
Để là nơi đáng sống…
Thiên tai, dịch bệnh đang đặt ra những thách thức lớn chưa từng có trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị ở nước ta.
Trước hết phải khẳng định, hiện nay, số lượng các đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Tốc độ đô thị hóa nhanh thời gian qua, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đã gây nên tình trạng không đồng bộ và quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, hàng loạt vấn đề nảy sinh như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt… ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vấn đề bức xúc ở đô thị đang là bài toán hóc búa cho các cơ quan quản lý như trong lĩnh vực nhà ở, giáo dục – đào tạo, y tế, lao động – việc làm…
Bên cạnh những bất cập nội tại khó có thể giải quyết trong “ngày một, ngày hai” thì đã xuất hiện những thách thức mới trong phát triển đô thị Việt Nam. Cùng với biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đại dịch Covid-19 cho thấy sự tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó khu vực đô thị bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều vấn đề chưa có tiền lệ đã nảy sinh, trong đó nổi lên là viêc lồng ghép, tích hợp yếu tố phòng, chống dịch bệnh với thiên tai vào quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế cho thấy, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, yêu cầu dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển đô thị bền vững càng trở nên cấp thiết. Theo đó, để định hướng phát triển đô thị một cách hoàn chỉnh, dài hơi và mang tính hệ thống, các cơ quan chức năng, địa phương và các nhà khoa học cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện, thấu đáo những yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Quan điểm chung là với bất cứ một đô thị nào, việc quy hoạch xây dựng, phát triển cần giữ được bản sắc văn hóa đặc trung, thân thiện với con người, môi trường, tiết kiệm năng lượng và phải an toàn trước thiên tai, dịch bệnh. Cùng với các yếu tố biến đổi khí hậu, việc phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe con người cần được tích hợp vào công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đô thị sẽ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và phát triển thông minh. Đây là điều kiện thuận lợi, cần tận dụng hiệu quả để giải quyết những thách thức mà các đô thị đang phải đối mặt liên quan đến thiên tai, dịch bệnh. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng đa dạng các công cụ, bao gồm cả khoa học – công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, con người… để tăng năng lực, hiệu quả trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị nhằm thích ứng tốt trước mọi hoàn cảnh bất lợi có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc phát triển quy hoạch, xây dựng đô thị cần tạo được mối liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, giữa các đô thị để cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có thiên tai, dịch bệnh.
Một yêu cầu quan trọng nữa là cùng với sắp xếp, tổ chức lại các không gian đô thị, tạo thêm không gian cho cây xanh, không gian công cộng, thì vai trò quản lý, điều hành của chính quyền đô thị và phát triển kinh tế – xã hội đô thị hiện đại, văn minh cũng rất quan trọng. Yếu tố này không những giúp đô thị luôn “khỏe mạnh” mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân.
Phát triển theo hướng bền vững là giúp đô thị thích ứng an toàn, linh hoạt trước mọi hoàn cảnh. Đây cũng là cách để đô thị là nơi đáng sống và luôn an toàn với mọi người.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.