Mới đây tờ Bloomberg đưa tin, “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ, Apple đang nghiên cứu một dịch vụ mới cho phép người tiêu dùng trả góp cho bất kỳ giao dịch mua Apple Pay nào theo thời gian, cạnh tranh với các ưu đãi “mua trước, trả sau” (BNPL) được phổ biến bởi các dịch vụ của Affirm và PayPal.

Động thái mới của Apple!

Apple đang nghiên cứu dịch vụ “mua trước, trả sau” cho khách hàng của họ.

Dịch vụ sắp tới, được biết đến với tên gọi là “Apple Pay Later”, sẽ sử dụng Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia, làm người cho vay đối với các khoản vay cần thiết cho các giao dịch trả góp. Goldman Sachs là đối tác cung cấp thẻ tín dụng Apple Card của Apple kể từ năm 2019.

Hệ thống “mua ngay, trả sau” có thể giúp thúc đẩy việc áp dụng Apple Pay và thuyết phục nhiều người dùng hơn sử dụng iPhone của họ để thanh toán các mặt hàng thay vì thẻ tín dụng tiêu chuẩn. Apple nhận được phần trăm giao dịch được thực hiện bằng Apple Pay, tạo ra doanh thu bổ sung cho hoạt động kinh doanh dịch vụ của công ty hơn 50 tỷ USD mỗi năm.

Trên thực tế, dịch vụ này được lên kế hoạch hoạt động theo cách sau: Khi người dùng mua hàng thông qua Apple Pay trên thiết bị Apple của họ, họ sẽ có tùy chọn thanh toán trong bốn khoản thanh toán không lãi suất được thực hiện hai tuần một lần hoặc trong vài tháng.

Khi mua hàng thông qua gói Apple Pay Later, người dùng sẽ có thể chọn bất kỳ thẻ tín dụng nào để thực hiện thanh toán theo thời gian. Dịch vụ này được thiết kế để có sẵn cho các giao dịch mua được thực hiện tại các cửa hàng bán lẻ hoặc trực tuyến.

Apple chưa nói rõ mức lãi suất mà họ dự định tính cho các khoản trả góp hàng tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nó sẽ cao hơn các hệ thống tương tự như Afterpay, Klarna hay là PayPal.

Ít nhất một số gói Apple Pay Later cũng sẽ không bao gồm phí trả chậm và phí xử lý, người dùng chỉ phải trả tiền lãi cho các gói dài hạn hơn. Dịch vụ cũng sẽ không yêu cầu chạy kiểm tra tín dụng của người dùng. 

Mặc dù vậy, chỉ bằng một động thái nhỏ của Apple đã khiến cho thị trường dậy sóng, cổ phiếu của Afterpay được niêm yết tại Úc, nhà cung cấp BNPL lớn nhất của nước này, đã giảm gần 10% trong phiên giao dịch hôm thứ Tư. Các đối thủ nhỏ hơn là Zip và Sezzle cũng giảm mạnh. Affirm được niêm yết trên Nasdaq giảm hơn 14% vào thứ ba.

Các nhà phân tích của Jefferies cho biết: “Không nghi ngờ gì, khi các thông báo của Apple đưa ra khiến cho thị trường BNPL náo động”.

Có một thực tế rằng, ngành công nghiệp BNPL đã bùng nổ trong năm qua do sự gia tăng mạnh mẽ mua sắm trực tuyến trong đại dịch. Xu hướng này cũng thu hút sự chú ý của các công ty chính thống như PayPal.

Người mua hàng chỉ cần cung cấp các thông tin chi tiết như tên, tuổi, địa chỉ, email và số điện thoại liên hệ. Sau đó, họ có thể hoàn thành đơn đặt hàng và có thể thanh toán trong vài tuần hoặc vài tháng. 

Các cửa hàng bán lẻ cũng đang đặt cược vào việc BNPL như một cách để tiếp cận người tiêu dùng trẻ hơn và bắt kịp với sự chuyển dịch nhanh chóng sang mua sắm trực tuyến trong đại dịch COVID-19. 

Nhưng giờ đây, với sự tham gia của một “gã khổng lồ” như Apple, đó sẽ là một thách thức lớn đối với các công ty BNPL thuần túy mà cho đến nay vẫn chưa gặp nhiều sự cạnh tranh. Các công ty như Klarna, Afterpay, Zip hay là Affirm ở Mỹ sẽ gặp phải một đối trọng thực sự.

Động thái mới của Apple!

Các dịch vụ BNPL đã bùng nổ trong đại dịch vừa qua.

Trong bối cảnh đó, Afterpay đã “lên gân” trong một tuyên bố: “Có nhiều người chơi BNPL, mỗi người vận hành một mô hình khác nhau và tạo ra doanh thu theo những cách khác nhau, và chúng tôi sẽ cạnh tranh mạnh mẽ để củng cố tầm quan trọng của lĩnh vực này”.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Zip cho biết: “Những gì Zip đang làm đã gây được tiếng vang với khách hàng và người bán, và chúng tôi đang tăng số lượng khách hàng mặc dù cạnh tranh gia tăng”.

Có thể nói, dịch vụ thanh toán dựa trên iPhone của Apple được 85% nhà bán lẻ ở Mỹ chấp nhận. Dịch vụ mới này sẽ đánh dấu một trong những bổ sung lớn nhất cho dịch vụ thanh toán ngang hàng, được ra mắt từ năm 2014. Năm ngoái, Apple đã mua lại một công ty phát triển công nghệ cho phép điện thoại nhận thanh toán bằng cách chạm vào điện thoại hoặc thẻ tín dụng khác ở mặt sau, bổ sung một tính năng tiềm năng khác vào lộ trình thanh toán của Apple.

Chẳng phải thế mà Giám đốc tài chính Stephen Scherr của Goldman cho rằng, có “nhiều cơ hội hơn cho Apple”. Một liên minh giữa hai “gã khổng lồ” như Goldman Sachs với Apple nhằm mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài thế giới tài chính cao cấp ở Phố Wall, có thể sẽ khiến thị trường “Mua trước, trả sau” phải rúng động.