Lây lan với phạm vi rộng và tốc độ chóng mặt, Omicron là một trong những biến thể làm “chao đảo” cả thế giới thời gian vừa qua.
Ngày 26/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho một biến thể coronavirus mới phát hiện là “Omicron” và xếp nó vào nhóm “biến thể đáng lo ngại” (variant of concern). Đây là một biến thể có số lượng đột biến rất cao, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người và thậm chí còn có khả năng khiến người đã khỏi COVID-19 tái nhiễm biến thể này nhiều hơn hẳn so với các biến thể khác. Dưới đây là những kiến thức cơ bản nhất bạn cần nắm được về Omicron.
Giới quan chức tại Nam Phi lần đầu tiên báo cáo Omicron (B.1.1.529) cho WHO vào ngày 24/11 vừa qua, sau khi số ca mắc phải biến thể này tăng mạnh vào nhiều tuần trước đó. Mẫu bệnh phẩm đầu tiên có chứa Omicron được phát hiện vào ngày 9/11 và cho tới hiện nay, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng nhanh chóng tại Nam Phi. Tuy nhiên, quốc gia nào là nơi khởi phát biến thể này hiện vẫn còn là một ẩn số.
Omicron có hơn 30 gen đột biến trong gen mã hóa protein, trong đó có 10 đột biến nằm trong “vùng liên kết thụ thể”, khiến nó tăng khả năng thành công khi bám vào các tế bào trên cơ thể người. Bên cạnh đó, một số đột biến của biến thể này đã được phát hiện trong các biến thể trước đó, có liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn và né tránh tốt hơn các cơ chế phòng thủ, miễn dịch của cơ thể người. WHO cho rằng: “Khả năng lây lan tiềm ẩn của Omicron ở mức độ toàn cầu là rất cao”.
Hiện tại, giới khoa học vẫn chưa thể đưa ra một kết luận chắc chắn rằng Omicron có gây ra các triệu chứng bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không. Số liệu thu thập được ban đầu cho thấy rằng tỷ lệ nhập viện ở Nam Phi thực tế đang tăng. Tuy nhiên, theo WHO, xu hướng này có thể là kết quả của việc tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, không chắc chắn là ảnh hưởng của riêng biến thể Omicron này.
Hầu hết các loại vaccine COVID-19 hiện hành đều hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại những protein đột biến nhất định. Vì có chứa nhiều loại đột biến khác nhau, chuyên gia lo ngại rằng các vaccine hiện hành có thể kém hiệu quả hơn trong việc nhận biết và ngăn ngừa Omicron.
Jesse Bloom – một nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle cho biết: “Dựa trên rất nhiều nghiên cứu được thực hiện trên các biến thể khác, chúng tôi tin rằng sẽ có những sự sụt giảm đáng kể trong quá trình tạo ra kháng thể của vaccine”. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác cũng nhấn mạnh rằng tác dụng của vaccine chỉ có thể bị sụt giảm, không thể bị biến mất hoàn toàn.
Số liệu thu thập được tại Nam Phi cho thấy rằng số người có kết quả dương tính với COVID-19 có xu hướng tăng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi Omicron. Tuy nhiên, để chắc chắn được rằng xu hướng này gây ra bởi bản thân đột biến hay bởi những yếu tố khác nữa thì còn cần một quá trình nghiên cứu cẩn trọng trong tương lai.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.