Dự báo 6 tháng cuối năm 2021, có hơn 80% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng hoặc giữ nguyên, chứ không giảm.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: (kỳ 3) "Lối đi sáng" nào cho doanh nghiệp?

Bất kể những thách thức trước mắt do đại dịch COVID-19, chuyên gia tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tươi sáng.

Dấu hiệu phục hồi tươi sáng

Hiện Chính Phủ vẫn giữ mục tiêu GDP tăng trưởng 6% năm nay. Đây là một thách thức lớn bởi để đạt được mục tiêu này, thì nửa còn lại của năm, nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ở mức 6,3%. Trong bối cảnh các tỉnh thành đóng góp GDP cao như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,… đang phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay. Các giải pháp chống dịch và lộ trình triển khai vaccine sẽ là 2 yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế nửa còn lại của năm.

Trong báo cáo mới nhất, những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khi chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam lao dốc xuống 44,1 điểm. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Các khu công nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng. Do đó, tác động lên sản xuất sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tâm dịch giờ đây chính là vùng TP HCM.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC, nhận định, vẫn có một sự lo ngại về sự đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng này phần lớn phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng kiểm soát được đợt dịch thứ 4. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng vào sự kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ khi nhìn lại những gì mà chúng ta đã làm được trong 3 đợt dịch trước. Kinh tế sau đó sẽ nhanh chóng được phục hồi và ổn định”, bà Yun Liu mạnh.

Cũng theo HSBC, dịch bệnh phức tạp đang tác động nặng nề nhất đến ngành dịch vụ. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm. Trong 2 tháng 5, và 6, tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng việc làm giảm 65.000 so với quý trước.

Cơ hội “hiếm có khó tìm”

Theo TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị rủi ro Tài chính Ngân hàng Đầu tư Quốc tế Credit Agricole Pháp – Giám đốc Tài chính AVSE Global, cần chuẩn bị cho các doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.

Theo đó, các hỗ trợ của Chính phủ nên theo hướng giúp doanh nghiệp thay đổi phương án kinh doanh. Đây là bài học thiết thực và quan trọng cho Việt Nam học hỏi từ kinh nghiệm các nước. Theo đó, khuyến khích cứu trợ doanh nghiệp không chỉ đưa ra các gói hỗ trợ về tiền mặt mang tính tạm thời mà khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình thích ứng với giai đoạn mới, đi kèm với mở cửa thị trường.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: (kỳ 3) "Lối đi sáng" nào cho doanh nghiệp?

Sự hồi phục kinh tế đang phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Với các doanh nghiệp, vị chuyên gia đề xuất hãy tập trung vào xu hướng “địa phương hoá” thay vì toàn cầu hoá, tập trung vào các sản phẩm gần gũi như đời sống, nhà cửa, y tế… Tại Châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất nước hoa đã ngay lập tức chuyển sang sản xuất nước sát khuẩn. Điều này thể hiện khả năng thích ứng và nắm bắt xu thế của các doanh nghiệp. 

Cùng quan điểm, TS Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) cho rằng với những dấu hiệu tươi sáng, Chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt cho nhu cầu hồi phục và bùng nổ kinh tế hậu Covid-19.

Vị chuyên gia nhấn mạnh một trong những vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết là phát triển cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhấn mạnh mục tiêu này, đặt ra chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh chóng, đảm bảo việc phát triển các dự án trọng điểm diễn ra đúng kế hoạch.

Ngoài cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số. “Covid-19 được coi là động lực, là cơ hội “hiếm có khó tìm” để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng đẩy nhanh số hóa, tăng hiệu quả hoạt động và giảm tiếp xúc. Chuyển đổi số là nền tảng quan trọng và vững chắc giúp Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng khi đại dịch Covid-19 qua đi”, TS Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu, đào tạo lại lực lượng lao động nhằm tương thích với những đòi hỏi mới của môi trường kinh tế số. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy quản lý nhà nước song song với phòng chống tham nhũng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng cho sức bật của Việt Nam hậu Covid-19.